.

Công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại: Bao giờ hết gian nan

Thứ Sáu, 24/01/2014, 09:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Năm 2013, các hoạt động vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm và hàng kém chất lượng trên địa bàn tỉnh ta vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng ngày càng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi và luôn chuẩn bị các phương án đối phó với pháp luật đã gây không ít trở ngại cho hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các lực lượng chức năng.

Quảng Bình là cầu nối giữa 2 miền Nam-Bắc, có đường bộ, đường sắt xuyên qua, có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo nối với đường Hồ Chí Minh nhưng cảng biển Hòn La rất thuận lợi cho việc vận chuyển lưu thông hàng hoá nhưng cũng là điều kiện thuận lợi cho các hoạt động vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm và hàng kém chất lượng.

Hàng hóa vi phạm được vận chuyển tập trung chủ yếu vào những nhóm hàng có thương hiệu nổi tiếng, giá trị lớn, thuế suất nhập khẩu cao, lợi nhuận chênh lệch lớn như: gỗ, động vật hoang dã, thuốc lá ngoại, rượu ngoại, điện thoại di động, mỹ phẩm... Các đối tượng vận chuyển những loại hàng hóa này thường sử dụng các mánh khóe, thủ đoạn tinh vi để đối phó với hoạt động kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Các đối tượng thường chia nhỏ lô hàng để vận chuyển thành nhiều chuyến, nhiều phương tiện trên tuyến đường bộ. Việc vận chuyển được tổ chức chặt chẽ, có sự chuẩn bị và tính toán đến các phương án đối phó với lực lượng kiểm tra, kiểm soát. Trong trường hợp vận chuyển hàng với số lượng lớn thì bố trí nhiều xe, trong đó có xe tiền trạm dẫn đường, xe chở hàng thường thay nhiều biển kiểm soát giả trên từng chặng đường để tránh sự theo dõi, kiểm soát của các lực lượng chức năng. Một số đối tượng còn dùng thủ đoạn sử dụng hồ sơ bán hàng tịch thu của các cơ quan nhà nước, hóa đơn bán hàng ghi trị giá hàng hóa thấp hơn nhiều lần giá trị thực, hóa đơn chứng từ giả hoặc tổ chức vận chuyển vào các giờ nghỉ, ngày nghỉ của các lực lượng kiểm tra, kiểm soát.

Trên tuyến biên giới, các hoạt động buôn bán vận chuyển hàng nhập lậu qua biên giới Việt Nam-Lào diễn biến phức tạp hơn so với những năm trước đây. Bằng chứng cụ thể là tình trạng vận chuyển vàng trái phép, lâm sản, pháo, súng tự chế qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và các đường mòn từ Lào về Việt Nam tiêu thụ vẫn đang xảy ra với nhiều hình thức và thủ đoạn tinh vi.

Tiêu hủy hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm và hàng kém chất lượng thu giữ được.
Tiêu hủy hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm và hàng kém chất lượng thu giữ được.

Thời gian qua cũng đã xuất hiện một số người dân xuất, nhập biên giới trái phép để khai thác, vận chuyển lâm sản. Lực lượng Biên phòng và Hải quan đã phát hiện và bắt giữ một số cá nhân có liên quan đến tội phạm ma túy, mang vũ khí, súng đạn và chất gây nghiện qua biên giới và đã tiến hành xử lý, bàn giao tang vật cho các cơ quan chức năng. Hiện nay, khu vực Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đường 12 ở phía nước bạn Lào được xác định là tuyến, địa bàn phức tạp của các hoạt động mua bán ma túy và chất gây nghiện. ở tuyến đường biển trên địa bàn tỉnh ta, các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá tại khu vực cảng biển tăng đáng kể và cho đến thời điểm này chưa phát hiện có dấu hiệu của hoạt động buôn lậu.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình buôn lậu và gian lận thương mại trên thị trường nội địa, ông Nguyễn Xuân Đạt, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường cho biết: Qua kiểm tra, kiểm soát cho thấy hàng hóa nhập lậu, hàng cấm trên địa bàn tỉnh ta không nhiều và không buôn bán công khai nhưng cũng khá phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Các loại hàng hóa này được cất giấu trong nhà ở, trong các quầy hàng, cửa hàng, khi người tiêu dùng có nhu cầu mua mới đưa ra bán nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra bắt giữ. Nhóm mặt hàng nhập lậu chủ yếu là rượu, thuốc lá, vải và quần áo.

Tình hình trốn thuế, gian lận về thuế vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn khác nhau như: khai thiếu thuế giá trị gia tăng đầu ra do khai thiếu doanh thu bán hàng, không xuất hóa đơn bán hàng hoặc ghi trên hóa đơn giá trị thấp hơn giá thanh toán thực tế của hàng hóa, khai chậm doanh thu bán hàng, hoạch toán chi phí để tính thuế thu nhập doanh nghiệp đúng quy định. Các hoạt động sản xuất, buôn bán và tàng trữ hàng giả, hàng kém chất lượng, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn tồn tại khá phổ biến. Các sản phẩm này thường được sản xuất từ nước ngoài và các tỉnh, thành phố lớn trong nước rồi được vận chuyển về thị trường nông thôn tiêu thụ, nhất là vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Các đối tượng đã sử dụng một đội quân chuyên nghiệp với phương tiện xe máy len lỏi sâu vào từng hộ gia đình dưới hình thức tiếp thị, quảng cáo sản phẩm và sử dụng chiêu khuyến mãi hấp dẫn để đánh lừa người tiêu dùng. Điều đáng nói nữa là trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất sử dụng phẩm màu và chất bảo quản độc hại được cấm sử dụng trong sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm. Đặc biệt, gần đây đã xuất hiện thủ đoạn “nội địa hóa” bằng phương thức nhập linh kiện bán thành phẩm vào Việt Nam qua các làng nghề chế tác, gia công, gắn bao bì nhãn mác mới thành các sản phẩm của Việt Nam.

Trước những diễn biến phức tạp và rất tinh vi như đã nói ở trên, thời gian qua, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại tỉnh đã triển khai kế hoạch, thành lập các đoàn công tác liên ngành và chỉ đạo các ban, ngành liên quan triển khai công tác chống đầu cơ, mua gom, mua vét hàng hoá, găm hàng, tăng giá quá mức và đưa tin thất thiệt nhằm bảo đảm ổn định trật tự thị trường, góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Riêng trong năm 2013, các lực lượng chức năng đã kiểm tra 9.248 vụ việc (tăng 3.831 vụ việc so với năm 2012) và xử lý vi phạm 2.572 vụ (giảm 181 vụ) với tổng số tiền phạt hành chính và truy thu thuế hàng hóa vi phạm gần 32 tỷ đồng, tăng 4,7 tỷ đồng so với năm 2012. Trong tổng số vụ việc vi phạm nói trên có 234 vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh hàng cấm và hàng nhập lậu; 165 vụ vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, về sở hữu trí tuệ và an toàn vệ sinh thực phẩm; 266 vụ gian lận thương mại và 1.907 vi phạm khác.

Mặc dù đã đạt được một số kết quả nhất định, tuy nhiên công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trước tình hình mới. Trên thực tế, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã trái phép hiện vẫn còn diễn biến rất phức tạp, công tác phát hiện và xử lý hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đạt kết quả chưa cao.

Qua tìm hiểm từ các ngành chức năng, chúng tôi được biết khó khăn nhất trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại hiện nay là liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ không thể không có sự tham gia của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này và xem đây là nhiệm vụ của các ngành chức năng nên chưa chủ động để bảo vệ và khẳng định quyền lợi, sản phẩm và uy tín của mình trên thị trường. Công tác chống buôn lậu tuy đã phát hiện và triệt phá được một số đường dây nhưng ít phát hiện được đối tượng cầm đầu. Nhiều phương thức, thủ đoạn gian lận thương mại, kinh doanh trái phép đã được phát hiện, xử lý và cảnh báo nhưng không ít vụ việc tương tự vẫn diễn ra.

Nguyên nhân chính là do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các lực lượng kiểm tra còn nhiều hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát và kiểm nghiệm các loại hàng hoá từ nước ngoài vào Việt Nam chưa được chặt chẽ như các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng và các loại hoá chất bảo quản thực phẩm. Theo quy luật hàng hóa hàng năm, sức mua của người dân thường tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán và sẽ tác động trực tiếp đến giá cả và cung, cầu hàng hóa trên thị trường trong dịp này.

Để góp phần ổn định kinh tế-xã hội, ngoài các giải pháp tăng cường đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong dịp này, các ngành chức năng cần tập trung triển khai các giải pháp kích cầu sản xuất và tiêu dùng, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các giải pháp đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu, bảo đảm thực hiện tốt an sinh xã hội trên địa bàn.

Hiền Chi