.

Chủ động nguồn nước cho sản xuất vụ đông-xuân 2013-2014

Thứ Hai, 23/12/2013, 08:18 [GMT+7]

(QBĐT) - Bước vào vụ sản xuất đông-  xuân 2013 - 2014 các địa phương phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, đặc biệt là hệ thống các hồ đập chứa và kênh mương nội đồng bị tàn phá nặng nề do bão số 10 và hoàn lưu bão số 11 gây ra. Để bảo đảm cho một mùa vụ đạt kết quả cao về năng suất, chất lượng, diện tích gieo trồng, ngành Nông nghiệp cùng các địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm khắc phục, sửa chữa các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất một cách hiệu quả nhất...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta có trên 700 hồ, đập chứa và trạm bơm với tổng dung tích trên 560 triệu m3. Tuy nhiên, sau trận bão lũ hồi tháng 10, hầu hết các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta ít nhiều đều bị hư hại. Đặc biệt là các hồ, đập chứa được xây dựng từ những năm 1990 trở về trước vốn đã xuống cấp nghiêm trọng như hồ Đồng Suôn, Khe Trám ở Bố Trạch, hồ Trung Thuần ở Quảng Trạch, hồ Đồng Sơn ở thành phố Đồng Hới...

Theo kế hoạch, vụ đông - xuân 2013 - 2014 toàn tỉnh có gần 28.000 ha lúa, việc bảo đảm đủ nguồn nước tưới tiêu trở nên cấp thiết và khó khăn hơn bao giờ hết.

Xác định vụ sản xuất đông-xuân 2013 -2014 là vụ sản xuất rất quan trọng quyết định năng suất, sản lượng cả năm. Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các địa phương trong tỉnh sớm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và triển khai nhiều biện pháp khắc phục sửa chữa các công trình thủy lợi nhằm bảo đảm nguồn nước tưới, tiêu cho cây trồng vụ đông- xuân 2013 -2014.

Các công trình thủy lợi đã tích đầy đủ nước bảo đảm nước tưới cho sản xuất vụ đông-xuân.
Các công trình thủy lợi đã tích đầy đủ nước bảo đảm nước tưới cho sản xuất vụ đông-xuân.

Cùng với việc duy tu, bảo dưỡng các công trình thủy lợi bị hư hỏng sau bão lũ bảo đảm tưới tiêu một cách hiệu quả nhất, đồng thời tổ chức kiểm tra đắp chặn các hói lạch nội đồng để tận dụng nước sẵn có, khai thác tối đa nguồn nước trong khe suối tự nhiên, vận động phong trào toàn dân ra quân làm thủy lợi, củng cố, bồi trúc bờ các tuyến kênh mương bị sạt lở, bờ vùng, bờ thửa để giữ nước ở mặt ruộng nhằm giảm thiểu nguồn nước phải cung cấp từ các hồ chứa và trạm bơm để làm đất vụ đông - xuân.

Bên cạnh đó, Sở NN và PTNT cũng yêu cầu các đơn vị chuyên môn liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương có công trình cân đối lại lượng nước thực có của các hồ với nhu cầu dùng nước vụ đông-xuân để xác định diện tích tưới phù hợp, bảo đảm ăn chắc vụ đông-xuân. Tiếp tục quán triệt thực hiện quy trình tưới tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ, áp dụng hình thức tưới luân phiên, vùng xa tưới trước, vùng gần tưới sau nhằm tránh lãng phí nước gây ngập úng tại vùng đầu kênh, khô hạn vùng cuối kênh, không tưới tràn nhằm sử dụng lượng nước tưới hợp lý phòng thiếu nước vào cuối vụ. Kiểm tra việc lấy nước vào ao nuôi trồng thủy sản, kiên quyết xử lý các cống nước tự do, xả nước tràn lan...

Tại huyện Bố Trạch, một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do bão số 10 và hoàn lưu bão số 11, trên 90 công trình thủy lợi bị hư hại cùng hàng chục nghìn mét kênh mương bị sạt lở... Tuy nhiên, công tác khắc phục, sữa chữa các công trình thủy lợi được triển khai nhanh chóng, đặc biệt nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân làm thủy lợi, nạo vét, khơi thông hệ thống kênh tưới, tiêu, các kênh dẫn vào các trạm bơm bị bồi lấp sau bão lũ nhằm bảo đảm đủ nước cung cấp cho cây trồng vụ đông- xuân. Đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn huyện hoàn thành tốt công tác này và đang khẩn trương làm đất sẵn sàng cho mùa vụ mới.

Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục phó Chi cục thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, hiện nay, công tác khắc phục, sửa chữa các hồ, đập chứa bị hư hại sau bão lũ về cơ bản đã hoàn thành tốt. Hầu hết các công trình bị hư hỏng nhỏ đều bảo đảm an toàn khi tích nước và sẵn sàng vận hành điều tiết theo phê duyệt bảo đảm đủ nguồn nước yêu cầu theo kế hoạch sản xuất. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp cùng các địa phương quản lý hồ chứa tổ chức kiểm tra tình hình vận hành điều tiết tại một số hồ, đập chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các hồ chứa có cửa van nhằm bảo đảm  phục vụ hiệu quả nhất cho sản xuất đông - xuân 2013 -2014.

Theo số liệu của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh, cho đến thời điểm hiện nay, tổng lượng mưa đã vượt trung bình nhiều năm từ 400-600mm, các hồ, đập chứa nước trên địa bàn toàn tỉnh đã đạt và vượt dung tích thiết kế, trừ một số hồ cục bộ có diện tích lưu vực nhỏ. Tuy nhiên, với tình hình diễn biến thời tiết phức tạp như hiện nay, ngoài việc chủ động nguồn nước, các địa phương và bà con nông dân cần nâng cao ý thức tiết kiệm nước tưới phòng trường hợp khô hạn vào cuối vụ, góp phần sản xuất vụ đông- xuân thắng lợi.

Xuân Phú