Xã hội hoá một chương trình lớn...

Cập nhật lúc 07:14, Thứ Năm, 29/11/2012 (GMT+7)

(QBĐT) - Chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) đã được các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội trong tỉnh hưởng ứng tích cực và có những việc làm cụ thể để Chương trình đi vào cuộc sống. Sau đây là những cách làm hay và những đề xuất, kiến nghị đầy trách nhiệm từ cơ sở.

Công tác chỉ đạo phải sát sao, cụ thể

Ngay sau khi Quyết định  157/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, UBND huyện Quảng Trạch xác định, tín dụng ưu đãi đối với HSSV là một chính sách có tầm quan trọng trong chiến lược phát triển con người, đào tạo nhân tài, nhân lực.

Từ đó UBND huyện Quảng Trạch đã đặc biệt quan tâm và chỉ đạo sát sao các ban, ngành, Ngân hàng CSXH huyện, cấp ủy, chính quyền cấp xã và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tập trung lực lượng phối hợp triển khai thực hiện tốt chương trình. Công tác chỉ đạo tập trung vào những vấn đề trọng tâm sau:

Trước hết, tập trung chỉ đạo các ban, ngành, Ngân hàng CSXH huyện và các tổ chức, đoàn thể đa dạng hoá công tác tuyên truyền để mọi người dân nắm bắt được chủ trương lớn của Chính phủ. Ngoài ra, còn tổ chức cho đội ngũ cán bộ Ngân hàng CSXH, cán bộ các hội đoàn thể, cùng phối hợp với mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn (TK-VV) phổ biến trực tiếp các nội dung của chương trình tại từng địa bàn dân cư; thực hiện niêm yết công khai các thông tin, chủ trương, chính sách tại điểm giao dịch xã, phát tờ rơi và lập đường dây nóng tại Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện...

Nhờ vậy, cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong huyện đã hiểu và nắm bắt được tinh thần của Quyết định 157/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn huyện.

Căn cứ quy định về đối tượng thụ hưởng mà Quyết định 157/QĐ-TTg quy định, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐ-TBXH, chính quyền các xã tổ chức thực hiện công tác rà soát, phân loại đối tượng thụ hưởng theo các tiêu chí mà Bộ LĐ-TBXH quy định theo từng giai đoạn. Bảo đảm phân loại rõ ràng, minh bạch các hộ gia đình đủ điều kiện vay vốn. Công tác này đã tạo tiền đề và điều kiện cho Ngân hàng CSXH huyện thực hiện công tác tham mưu cho Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện thực hiện việc phân giao nguồn vốn, khảo sát cơ bản nhu cầu về nguồn vốn cũng như công tác bình xét cho vay bảo đảm đúng đối tượng, tránh được các hiện tượng tiêu cực và mất công bằng trong vay vốn.

Các hộ nghèo ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đang làm thủ tục vay vốn chương trình HSSV cho con em minh.
Các hộ nghèo ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh) đang làm thủ tục vay vốn chương trình HSSV cho con em mình.

Chỉ đạo Ngân hàng CSXH, các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác tập trung nguồn lực về vốn, về con người và thời gian để triển khai nhanh, quyết liệt ngay từ đầu mỗi năm học. Tổ chức thực hiện và duy trì lịch giao dịch cố định hàng tháng và có thể tăng phiên giao dịch khi cần thiết làm sao phục vụ tốt nhất nhu cầu vay vốn của người dân.

Bên cạnh việc chỉ đạo triển khai thực hiện công tác cho vay, UBND huyện cũng tập trung mạnh công tác kiểm tra giám sát. Song song với công tác kiểm tra của Ngân hàng CSXH huyện và các tổ chức chính trị xã hội, hàng năm UBND huyện đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra đột xuất về công tác cho vay HSSV.

Công khai, minh bạch trong cho vay

Xuân Ninh (huyện Quảng Ninh) có 1.871 hộ và 7.856 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16%, hộ cận nghèo chiếm 17%. Hàng năm toàn xã có hàng trăm em học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và các cơ sở dạy nghề trên cả nước. Nhưng là xã thuần nông, thu nhập chủ yếu vẫn từ nông nghiệp, do đó để đầu tư cho con em học tập ở các trường chuyên nghiệp vẫn là gánh nặng rất lớn đối với mỗi gia đình, đặc biệt với các hộ gia đình nghèo, cận nghèo ở địa phương. Trước đây, nhiều hộ gia đình phải cho con em bỏ học nửa chừng để phụ giúp gia đình.

Từ khi có chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên, UBND xã đã thực hiện tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện truyền thông của xã, của thôn xóm; chỉ đạo tổ chức chính trị xã hội, tổ TK-VV tuyên truyền đến tận hộ dân về những nội dung liên quan đến chương trình cho vay HSSV.

Hàng năm vào dịp đầu năm học, kỳ học mới, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức hội làm ủy thác, trưởng thôn, tổ TK-VV thống kê số hộ gia đình có HSSV đang theo học tại các trường thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gặp khó khăn về tài chính có nhu cầu vay vốn.

Qua đó chỉ đạo các tổ TK - VV tiến hành bình xét các đối tượng được thụ hưởng một cách công khai, dân chủ, minh bạch dưới sự tham gia giám sát của đại diện tổ chức hội làm ủy thác cấp xã. Lãnh đạo xã duy trì thường xuyên công tác giao ban trực báo định kỳ hàng tháng với Ngân hàng CSXH huyện vào ngày giao dịch xã để phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện tốt công tác tín dụng ưu đãi nói chung và tín dụng đối với HSSV nói riêng. UBND xã Xuân Ninh luôn thực hiện phương châm: "Không để một HSSV nào có hoàn cảnh khó khăn, đúng đối tượng mà không được vay vốn".

Đến nay trên địa bàn xã Xuân Ninh dư nợ cho vay các chương trình là 21.395 triệu đồng với 975 hộ vay vốn, trong đó chương trình tín dụng HSSV là 12.143 triệu đồng với 534 hộ vay vốn đang còn dư nợ. Sau 5 năm thực hiện Quyết định số 157/QĐ-TTg, trên địa bàn xã Xuân Ninh đã bình xét cho vay 13.299 triệu đồng với 740 HSSV nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học.

Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã chưa có HSSV nào phải bỏ học vì không có khả năng trang trải chi phí học tập. Chính sách tín dụng đối với HSSV đã mở ra cơ hội mới cho việc học và đào tạo nghề, nhất là thanh niên nông thôn, vùng khó khăn, giúp HSSV sau khi ra trường có cơ hội tìm kiếm được việc làm ổn định góp phần phát triển kinh tế cho địa phương nói riêng cũng như toàn xã hội.

Vẫn còn nhiều tồn tại và khó khăn

Tại Hội LHPN huyện Lệ Thủy, tổng dư nợ HSSV đến 31-8-2012 đạt hơn 79,5 tỷ đồng, với 3.322 hộ dư nợ, chiếm 42% nguồn vốn HSSV của toàn huyện, đưa tổng nguồn vốn do Hội quản lý lên trên 155,4 tỷ đồng với trên 7.301 hộ vay vốn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình tín dụng đối với HSSV trên địa bàn vẫn còn những tồn tại và khó khăn nhất định.

Thứ nhất: Ở các vùng nông thôn, đặc biệt là ở các xã vùng sâu vùng xa, nhiều gia đình khó khăn nhưng không dám mạnh dạn vay vốn bởi vì còn e ngại khi ra trường con em không xin được việc làm và không có tiền trả nợ. Nhất là đối với các học sinh có thời gian học ngắn như các hệ trung cấp, học nghề...

Thứ hai: Định hướng ngành nghề học tập của con em vùng nông thôn, miền núi chưa được quan tâm đúng mức, do đó tỷ lệ thất nghiệp sau khi ra trường còn cao, cơ hội tìm kiếm công việc để có điều kiện hoàn trả nợ quá khó khăn, một số đơn vị như thị trấn Kiến Giang, xã Xuân Thủy, An Thủy... đã có nợ quá hạn của nguồn vốn HSSV, và nguy cơ quá hạn ở nguồn vốn vay này trong thời gian tới là rất lớn.

Cùng với những khó khăn trên và từ thực tế của huyện Lệ Thuỷ, để chương trình vay vốn đối với HSSV đạt hiệu quả cao hơn, bảo đảm thực hiện chủ trương của Chính phủ không để một học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, chúng tôi có một số kiến nghị:

Lệ Thủy là một huyện thuần nông còn khó khăn về nhiều mặt, số lượng đối tượng hộ nghèo và đối tượng chính sách còn nhiều, nên nhu cầu vay vốn, đặc biệt là vay vốn chương trình HSSV là rất lớn. Vì vậy, đề nghị Ngân hàng CSXH Việt Nam, Ngân hàng CSXH tỉnh có sự quan tâm phân bổ các nguồn vốn vay ưu đãi để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội.

Việc thu nộp học phí và giá cả hiện tại đã tăng cao do đó đề nghị Ngân hàng CSXH tỉnh có ý kiến đề xuất với Ngân hàng CSXH Việt Nam, Chính phủ nâng mức vay nguồn vốn đối với HSSV và bố trí nguồn vốn ngay từ đầu năm học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các HSSV hoàn thành các khoản thu nộp ngay khi nhập học.

Cùng với những vấn đề trên, đề nghị ngân hàng CSXH có giải pháp gia hạn nguồn vốn HSSV đối với những hộ đặc biệt khó khăn thực sự chưa có khả năng hoàn trả.

                                                                                           V. H








 

,
.
.
.