Nguyên nhân nào làm cho đàn gia súc, gia cầm suy giảm?

Cập nhật lúc 09:51, Thứ Hai, 14/11/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian gần đây ở nhiều địa phương đàn gia súc, gia cầm bị giảm sút mạnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của chương trình phát triển chăn nuôi. Để góp phần làm sáng tỏ nguyên nhân giảm sút đàn gia súc, gia cầm và một số giải pháp nhằm khôi phục và phát triển chăn nuôi, phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phan Văn Khoa, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT về vấn đề này.

* P.V:  Xin đồng chí cho biết thực trạng của đàn gia súc, gia cầm hiện nay?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Điều kiện tự nhiên của tỉnh ta đa dạng, với nhiều vùng sinh thái khác nhau nên có tiềm năng để phát triển nhiều loại gia súc, gia cầm. Vùng gò đồi rất thích hợp cho việc phát triển trang trại chăn nuôi bò, lợn và gia cầm, với các mô hình kết hợp như: rừng cây lâm nghiệp - chăn nuôi bò đàn, vườn cây ăn quả - chăn nuôi gà.... Vùng đồng bằng phù hợp với phát triển chăn nuôi lợn và thủy cầm, với các mô hình có hiệu quả như: lúa - vịt, chăn nuôi lợn - nuôi cá. Vùng miền núi thích hợp để phát triển chăn nuôi bò, dê và các loại vật nuôi đặc sản có giá trị cao như: lợn rừng, nhím, gà sao...

Trong những năm qua được sự quan tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và trực tiếp là Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành chăn nuôi đã có những bước phát triển tích cực. Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp liên tục tăng, chất lượng đàn nâng cao. Nhiều giống gia súc, gia cầm có năng suất, chất lượng cao như: các giống lợn ngoại (Landrace, Yorkshire, Duroc, Pietrain), lợn rừng lai, gà sao, gà Ai Cập, vịt siêu thịt, đà điểu... được đưa vào sản xuất. Chương trình cải tạo đàn bò tiếp tục được đẩy mạnh, tỷ lệ bò lai ngày càng tăng.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế tỉnh ta còn nhiều khó  khăn nên sự hỗ trợ của tỉnh vẫn còn hạn chế, khả năng đầu tư của người chăn nuôi rất thấp nên chăn nuôi phát triển chậm, chưa bền vững và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Chăn nuôi của tỉnh ta hiện nay chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún trong các hộ gia đình nên hiệu quả không cao, gây ô nhiễm môi trường và dễ bị thiệt hại do dịch bệnh. Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn còn xảy ra ảnh hưởng đến sự phát triển của chăn nuôi.
Số lượng tổng đàn gia súc, gia cầm trong thời gian gần đây ở nhiều địa phương đang có xu hướng giảm.

Theo báo cáo nhanh của Cục Thống kê, tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh trong năm 2011 giảm so với cùng kỳ; cụ thể: đàn trâu: 37.950 con, bằng 91,0%; đàn bò: 114.500 con, bằng 91,5%; đàn lợn: 351.250 con, bằng 90,3%: đàn gia cầm: 2,1 triệu con, bằng 84,3% so với cùng kỳ.

* P.V: Nguyên nhân thưa đồng chí?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Vào cuối năm 2010 và đầu năm 2011, tình hình chăn nuôi trên cả nước nói chung và ở tỉnh ta nói riêng gặp nhiều khó khăn đã dẫn đến tổng đàn gia súc, gia cầm ở nhiều địa phương đã bị giảm, nguyên nhân chính là, trong hai đợt lũ lịch sử vào cuối năm 2010 đã làm cho 2.747 con trâu bò, 27.903 con lợn và hơn 500.000 con gia cầm bị chết và bị lũ cuốn trôi; đợt rét đậm rét hại liên tục kéo dài đầu năm 2011 đã làm 2.762 con trâu bò bị chết vì đói và rét, số gia súc còn lại cũng bị ảnh hưởng nên sức sinh trưởng, phát triển và sinh sản giảm sút.

Dịch bệnh trên đàn gia súc đã xảy ra ở  một số nơi, cùng với những tin đồn quá mức đã làm cho người chăn nuôi không yên tâm sản xuất, bán tháo gia súc dẫn đến số lượng tổng đàn, nhất là đàn lợn bị giảm nhiều. Phương thức chăn nuôi ở tỉnh ta chủ yếu là chăn nuôi nông hộ nên thường gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư, có lãi thấp, thậm chí lỗ nên nhiều hộ bỏ chăn nuôi để chuyển sang làm việc khác. Hầu hết các trang trại chăn nuôi đều thiếu vốn, trong khi việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp nhiều khó  khăn nên không có điều kiện để đầu tư  xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp ít đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi do lợi nhuận thấp, rủi ro cao.

Diện tích đồng cỏ, bãi chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp; giá con giống, thức ăn trong thời gian qua tăng cao, trong khi giá sản phẩm chăn nuôi lại không ổn định nên người chăn nuôi không yên tâm phát triển sản xuất.

* PV:Vậy định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Theo Chiến lược phát triển chăn nuôi của tỉnh đến năm 2020, chăn nuôi phải trở thành ngành sản xuất hàng hóa, từng bước đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu. Tổ chức lại sản xuất ngành chăn nuôi theo hướng gắn sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Tập trung phát triển sản phẩm chăn nuôi có lợi thế và khả năng cạnh tranh như bò, lợn, gia cầm; đồng thời phát triển sản phẩm chăn nuôi đặc sản của từng vùng, từng địa phương. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, trang trại, công nghiệp, trên cơ sở áp dụng quy trình công nghệ mới nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng chất lượng và giá trị. Chăn nuôi nông hộ cần khôi phục và phát triển nhưng phải xử lý tốt chất thải không gây ô nhiễm môi trường trong công đồng dân cư, thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch bệnh.

* P.V: Theo đồng chí cần thực hiện giải pháp chủ yếu nào để nâng cao chất lượng, số lượng đàn gia súc, gia cầm?

- Đ/c Phan Văn Khoa: Theo tôi trước hết là tiến hành rà soát để quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung ở các khu vực xa khu dân cư; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo mô hình trang trại và  phương thức công nghiệp đồng thời đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Khuyến khích hỗ trợ các cơ sở sản xuất và kinh doanh con giống đảm bảo chất lượng phục vụ các trang trại, gia trại, hộ chăn nuôi trong tỉnh; tiếp tục đưa các giống gia súc, gia cầm có năng suất chất lượng cao vào chăn nuôi.

Thực hiện tốt công tác thú y phòng chống dịch bệnh, áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại được vay vốn đầu tư mua con giống, xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô sản xuất.

Có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, hỗ trợ một phần lãi suất cho các trang trại bị thiệt hại nặng trong đợt dịch vừa qua để họ có điều kiện tái sản xuất. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để giới thiệu những cách làm hay, những mô hình tốt; thực hiện tốt việc tập huấn hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp người dân phát triển chăn nuôi có hiệu quả.

* Xin cảm ơn đồng chí!

                                                                                               Tr.Thái (thực hiện)

,
.
.
.