Cây cao su và nỗi lo trong mùa mưa bão

Cập nhật lúc 09:52, Thứ Hai, 10/10/2011 (GMT+7)

(QBĐT) - Trong những năm gần đây, cây cao su ngày càng khẳng định được thế đứng và giá trị của nó trên vùng đất Quảng  Bình. Do đó, nhiều hộ nông dân tiếp tục đẩy mạnh trồng cao su với hy vọng đổi đời từ loài cây được ví là "vàng trắng" này. Tuy nhiên, việc phát triển của cây cao su  trong mùa mưa bão là bài toán khó giải...

Hiện nay ở tỉnh ta có 14.732 ha cây cao su, phân bố rộng khắp trong toàn tỉnh. Cây công nghiệp dài ngày này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều người dân. Thế nhưng, qua mỗi mùa mưa bão, hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ hoặc ngập úng chết, khiến nhiều người trồng cao su phải rưng rưng nước mắt.

Sau hai đợt lũ dồn dập xảy ra vào tháng 10-2010, gia đình anh Nguyễn Văn Tín (tiểu khu 3, thị trấn Việt Trung, Bố Trạch) đã mất trắng gần 400 cây cao su mới trồng. Anh Tín cho biết: "Có được chút vốn, tôi định trồng thêm vài trăm cây cao su để tăng thu nhập cho gia đình. Ai ngờ cây trồng được một thời gian thì bị đợt lũ tháng 10 ập tới, mưa to, ngập lụt trong thời gian dài không thoát nước được nên cây cao su bị úng và chết hết. Xót lắm...

Năm nay, gia đình tôi lại xoay xở vốn để mua giống trồng lại...".  Được biết, không chỉ bị thiệt hại trong năm 2010, năm 2008 - 2009, vườn cao su gia đình anh Tín cũng bị gãy và chết rất nhiều do gió bão. Chung hoàn cảnh với nhà anh Tín, gia đình anh Nguyễn Văn Diệm, một trong những hộ trồng cao su nhiều ở thị trấn Việt Trung (10 ha), cũng xót xa đứng nhìn từng cây cao su ngã xuống trước những đợt gió mạnh.

Hoà Trạch, xã có diện tích trồng cao su khá lớn ở Bố Trạch (960 ha cao su tiểu điền), cũng không tránh khỏi những thiệt hại do thời tiết. Theo ông Dương Hải Châu, Bí thư Đảng uỷ xã Hoà Trạch, năm 2008, toàn xã có tới 35% diện tích cao su tổn hại nặng do mưa bão, phần lớn là bị gãy cành, bật gốc. Trong đợt lũ 2010, tỷ lệ thiệt hại toàn xã là khoảng 20%, mặc dù tỷ lệ thiệt hại có phần ít hơn so với năm 2008, nhưng việc khắc phục và trồng lại cây mới cũng là một khó khăn lớn đối với người dân...

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2010 vừa qua, có hai địa bàn bị thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai đó là vùng Chà Nòi (Xuân Trạch, Bố Trạch) và huyện Minh Hoá. Vùng Chà Nòi có đặc điểm là một vùng đất trũng, nên khi gặp mưa lớn kéo dài dễ bị ứ ngập, thoát nước chậm, hậu quả là hơn 100 ha cây cao su 3 năm tuổi của vùng bị chết sạch. Minh Hoá là một huyện miền núi, khí hậu lạnh hơn so với các vùng khác trong tỉnh, có núi đá xen lẫn với đồi cao su, không thích hợp cho sự phát triển của cây. Do đó, trong đợt rét năm 2010, toàn huyện Minh Hoá có đến 272 ha cao su mới trồng bị chết, cây cao su 4 - 5 năm tuổi có chết tỷ lệ khoảng từ 15 - 30%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Hiệp, Trưởng phòng kỹ thuật nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: Để giảm thiểu thiệt hại cho cây cao su trong mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có một số biện pháp để giúp người trồng cao su ngăn ngừa, tăng sức chống chịu cho cây cao su trước những thiên tai của khí hậu.

Cụ thể: Phối hợp với các ban ngành liên quan và các huyện, thành phố, phổ biến, hướng dẫn cho bà con đưa vào những giống có khả năng chống chịu tốt hơn trước khí hậu; lấy giống phải rõ nguồn gốc, không nên lấy giống trôi nổi trên thị trường để bảo đảm chất lượng. Sở cũng có văn bản hướng dẫn kỹ thuật cụ thể cho từng địa phương về giống, về quy trình kỹ thuật trồng...; đồng thời chỉ đạo bà con trồng xen canh cây ngắn ngày, vừa tăng thêm thu nhập vừa giảm được thiệt hại khi bị mưa bão.

Ngoài ra, để cây cao su phát triển quy mô và thuận lợi, tránh những thiệt hại đáng tiếc không đáng có do địa bàn không thích hợp (như vùng Chà Nòi), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có quy hoạch cụ thể cho các vùng trồng cây cao su trong toàn tỉnh, khuyến cáo không được trồng ở những vùng đất không phù hợp. Đối với những nơi có khí hậu lạnh như Minh Hoá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chủ trương cho trồng sớm hơn so với thời vụ (thường thì khoảng 15-9 đến 15-10 mới trồng, nhưng huyện Minh Hoá trồng từ đầu tháng 9); tăng cường việc làm cỏ vun gốc để giữ ấm cho cây, tưới nước, bón phân qua lá để tăng sức chống chịu của cây.

Tuy nhiên ông Trần Đình Hiệp cũng cho hay:  Phòng chống mưa bão cho cây cao su là một việc làm rất khó vì cây cao su có đặc điểm cao, cành giòn dễ gãy và không thể thu hoạch mũ nhanh trước thời vụ như cây lúa, cây ngô..., nhất là trong điều kiện thời tiết phức tạp như ở tỉnh ta. Vì thế, giấc mơ đổi đời từ cây "vàng trắng" của nhiều bà con nông dân trong tỉnh vẫn còn gặp nhiều gian truân.

                                                                                    Hoàng Nữ Lê Mai

,
.
.
.