Tiện ích từ Đề án 06
(QBĐT) - Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai thực hiện Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ. Qua hơn 2 năm triển khai, đề án bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong việc thực hiện CĐS, mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi đối với các đơn vị sử dụng lao động, người lao động, người thụ hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của ngành theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Để triển khai Đề án 06 của Chính phủ, thời gian qua, BHXH tỉnh tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan thu thập, tích hợp dữ liệu để đưa vào cơ sở dữ liệu chung, giúp người dân khi đi làm thủ tục không phải mang theo và thực hiện nhiều thủ tục bằng giấy như trước đây. BHXH tỉnh đã cung cấp ứng dụng VssID cài đặt trên thiết bị di động của người tham gia BHXH, BHYT, sử dụng tài khoản giao dịch điện tử cá nhân được cấp thực hiện các tương tác, giao dịch với cơ quan BHXH, tiếp cận các thông tin mới về chính sách BHXH, BHYT thông qua môi trường điện tử mà không phải trực tiếp đến cơ quan BHXH giao dịch.
Tính đến cuối tháng 8/2024, toàn tỉnh có gần 800.000 người tham gia BHYT đã đồng bộ thành công thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, đạt 99,8%, tỷ lệ người có tài khoản giao dịch điện tử trên tổng số người đang tham gia BHXH, BHYT đạt gần 60%.
Một trong những nội dung của Đề án 06 được BHXH tỉnh thực hiện thành công đó là triển khai ứng dụng công nghệ xác thực sinh trắc trong khám, chữa bệnh (KCB) BHYT. Nhằm tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thí điểm mô hình, BHXH tỉnh xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp, trên trang thông tin điện tử của BHXH tỉnh, qua hệ thống loa phát thanh cơ sở, trên trang mạng xã hội facebook, zalo… để người dân tiếp cận một cách nhanh nhất các nội dung liên quan đến việc đồng bộ dữ liệu thẻ BHYT vào CSDLQG về dân cư.
Kết quả thực hiện mô hình tại Bệnh viện đa khoa (BVĐK) khu vực Bắc Quảng Bình và BVĐK TP. Đồng Hới cho thấy, việc KCB BHYT bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip tích hợp xác thực sinh trắc đã mang lại lợi ích cho cả người dân, cơ sở KCB và cơ quan BHXH.
Mô hình góp phần giảm thiểu tối đa thời gian, các loại giấy tờ cho người dân khi làm thủ tục đăng ký KCB BHYT. Người dân chủ động sử dụng CCCD làm thủ tục đăng ký vào KCB BHYT ngay tại cây máy tự động tiếp đón mà không phải thông qua nhân viên y tế. Thời gian trung bình làm thủ tục xác thực tại máy khoảng từ 6-15 giây/bệnh nhân. Trung bình một buổi, cơ sở y tế có thể tiết kiệm được từ 1-1,5 giờ tiếp đón bệnh nhân. Đặc biệt, tiện ích này đã khắc phục được tình trạng mượn thẻ BHYT, dùng thẻ BHYT giả đi KCB, bảo đảm được nguyên tắc công bằng trong việc lấy số thứ tự vào KCB.
“Nếu như trước đây, để làm thủ tục vào khám bệnh tại BVĐK TP. Đồng Hới, tôi mất khá nhiều thời gian để thực hiện các thủ tục thì hiện nay, mọi việc đơn giản hơn rất nhiều. Để tiến hành các thủ tục, tôi đến cây máy tự động tiếp đón, sử dụng CCCD và vân tay tiến hành xác thực sinh trắc để lấy số thứ tự vào KCB, đăng ký thông tin thẻ BHYT và thực hiện xác thực chủ thẻ BHYT vào hệ thống phần mềm quản lý KCB của bệnh viện. Sau khi nhận phiếu tiếp đón có số thứ tự, được xác thực thành công thông tin thẻ BHYT bằng CCCD qua xác thực sinh trắc, tôi đến gặp nhân viên y tế để được phân chuyên khoa KCB mà không phải làm thêm bất cứ thủ tục nào khác”, ông Trần Công Huân (phường Phú Hải, TP. Đồng Hới) chia sẻ.
Tính từ ngày 1/3/2023-23/9/2024, toàn tỉnh có 1.168.244 lượt bệnh nhân KCB BHYT bằng CCCD gắn chip được tiếp đón (trong đó, 971.908 lượt bệnh nhân được đón tiếp thành công, đạt 83,19%); tính từ ngày 1/4/2023-31/8/2024, có 187.494 lượt bệnh nhân KCB BHYT bằng CCCD gắn chip kết hợp xác thực sinh trắc được tiếp đón (trong đó, 73.993 lượt bệnh nhân được tiếp đón thành công, đạt 33,54%). |
BHXH tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan đẩy mạnh thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu như năm 2022, số người nhận tiền qua tài khoản cá nhân là 10.217/46.695 người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, BHTN (chiếm tỷ lệ 21%) thì đến năm 2023 là 11.899/46.834 người (chiếm 25%) và trong 9 tháng năm 2024 là 15.664/46.919 người (chiếm 33%).
Thực hiện Đề án 06, BHXH tỉnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện CĐS trong các hoạt động nghiệp vụ của ngành để nâng cao kiểm soát rủi ro, minh bạch hóa và công khai hóa các quy trình nghiệp vụ thông qua các phần mềm ứng dụng, tạo điều kiện thuận lợi, rút ngắn các thủ tục hồ sơ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp và người dân khi đến giao dịch.
Hiện, đơn vị tiếp tục giảm tối thiểu 10% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính so với quy định của BHXH Việt Nam, trong đó: Đối với hồ sơ điện tử, rút ngắn 0,5 ngày so với quy định; đối với hồ sơ thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT rút ngắn từ 40 ngày xuống còn 21 ngày; giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng rút ngắn từ 30 ngày xuống còn 15 ngày; cấp lại sổ BHXH rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 6 ngày; cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất rút ngắn từ 1 ngày xuống còn 2 giờ…
Có thể thấy, qua 2 năm triển khai Đề án 06 của Chính phủ, BHXH tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào quá trình kiến tạo và xây dựng ngành BHXH Việt Nam số theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại, hướng đến sự hài lòng của người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.
Tâm An