Để phát triển bền vững đàn dúi mốc lớn
(QBĐT) - Trước thực trạng trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt loài dúi mốc lớn-một loài vật làm thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Tuyên Hóa đã xây dựng mô hình nuôi dúi mốc lớn thương phẩm tại xã Sơn Hóa. Nhân rộng mô hình không những chủ động cung cấp bền vững con giống, nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng mà còn góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trong tự nhiên.
Dúi mốc lớn hay còn gọi là chuột lách, chuột tre, chuột nứa, chuột dúi… là loài vật nuôi có giá trị kinh tế cao, thịt thơm ngon, tính mát và nhiều đạm, được người dân miền núi khai thác sử dụng từ lâu đời. Ngày nay, thịt dúi trở thành món ăn đặc sản và được nhiều người ưa chuộng.
Với nhu cầu ẩm thực ngày càng tinh tế, thiên về các sản phẩm có nguồn gốc từ tự nhiên nên tình trạng khai thác, săn bắt quá mức các loài động vật hoang dã nói chung và loài dúi mốc lớn nói riêng, dẫn đến loài vật này ngày càng có dấu hiệu cạn kiệt và không còn có khả năng khai thác. Vì vậy, việc nhân nuôi loài dúi mốc lớn vừa chủ động cung cấp bền vững con giống vừa góp phần bảo vệ loài vật này trong tự nhiên.
Sơn Hóa là địa bàn xã miền núi có diện tích tre, mía, nứa và các loại cây lương thực, hoa màu lúa, ngô, sắn, khoai khá lớn, cùng với điều kiện tự nhiên, khí hậu rất thích hợp cho loài dúi mốc lớn phát triển. Chính vì vậy, mô hình được Trung tâm DVNN huyện Tuyên Hóa ứng dụng triển khai tại 1 hộ dân với 70 con giống 2 tháng tuổi (trọng lượng từ 0,3-0,4kg/con) trên diện tích chuồng trại 100m2.
“Trước đây do đam mê, tôi đã tìm hiểu và bắt tay vào nuôi dúi, tuy nhiên do không có kinh nghiệm, chưa áp dụng đúng khoa học kỹ thuật nên thất bại. Tháng 11/2023 được hỗ trợ của Trung tâm DVNN huyện chuyển giao quy trình, kỹ thuật và con giống, gia đình tôi đã đầu tư xây dựng, cải tạo chuồng trại, chuẩn bị các loại thức ăn, thuốc men... nuôi dúi mốc lớn. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc dúi mốc lớn, 100% con giống đều sống và phát triển tốt. Với hướng đi đầy triển vọng, tôi sẽ đầu tư, mở rộng nuôi với quy mô đàn lớn hơn, bảo đảm đạt chất lượng và cung ứng cho thị trường hiện đang còn thiếu nguồn thực phẩm giá trị này”, anh Lê Hữu Như Ý, chủ hộ thực hiện mô hình ở xã Sơn Hóa cho hay.
Trong quá trình anh Ý triển khai mô hình, Trung tâm DVNN huyện cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của đàn dúi; đồng thời hướng dẫn chu đáo việc chăm sóc, phòng bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật. Nhờ đó, tất cả các hạng mục của mô hình được thực hiện thời gian qua đều bảo đảm số lượng, chất lượng so với thuyết minh được duyệt. Giống dúi mốc lớn sinh trưởng và phát triển tốt trong môi trường tự nhiên, không có dấu hiệu của bệnh tật.
Thức ăn và phương pháp chăm sóc dúi khá đơn giản, chỉ cần người nuôi cần mẫn. Mỗi ngày 1 con dúi ăn khoảng 1 thìa canh nhỏ một trong các loại gạo, bắp ngô, 1 lát khoai hay sắn. Loài vật này mỗi ngày cũng gặm nhấm hết 1 đốt mía, tre hoặc mây nước mà không cần nước uống; thỉnh thoảng thả vào một khúc xương khô các loại, như: Lợn, bò, trâu để chúng gặm nhấm… |
Phó Giám đốc Trung tâm DVNN huyện Tuyên Hóa Phạm Thành Long chia sẻ: “Trên địa bàn huyện Tuyên Hóa trước đây có một số hộ nuôi dúi, nhưng chưa có sự hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật nên hiệu quả không được như mong muốn. Nay được sự hỗ trợ của Sở Khoa học-Công nghệ (KH-CN), chúng tôi đã tiếp thêm động lực cho gia đình anh Lê Hữu Như Ý thực hiện mô hình. Hộ nuôi hoàn toàn tin tưởng, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật vào chăn nuôi và đạt kết quả cao. Mô hình thành công, nhân rộng có ý nghĩa thiết thực, tạo cơ sở khoa học để phát triển nghề nuôi dúi mốc lớn, góp phần đa dạng hóa các loài vật nuôi, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Rất mong thời gian tới, Sở KH-CN tiếp tục hỗ trợ để nhân rộng mô hình và các cơ quan, địa phương liên quan hỗ trợ thủ tục pháp lý để nhiều hộ dân có giấy phép, tạo tiền đề phát triển chăn nuôi, tăng số lượng đàn dúi thương phẩm trên địa bàn”.
“Kết quả mô hình nuôi dúi mốc lớn tại xã Sơn Hóa là cơ sở để đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển loài vật nuôi này trên địa bàn huyện Tuyên Hóa; đồng thời, qua đó hoàn thiện quy trình nuôi dúi thương phẩm nhằm phát triển nhân rộng quy mô đàn, đáp ứng được yêu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong huyện Tuyên Hóa nói riêng và tỉnh Quảng Bình nói chung. Bên cạnh đó, việc phát triển đàn dúi mốc lớn không những đáp ứng việc cung cấp con giống và thịt thương phẩm cho thị trường mà còn giảm áp lực săn bắt dúi trong tự nhiên, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học”, Phó Giám đốc Sở KH-CN Phạm Thanh Nam trao đổi thêm.
Hương Trà