icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Cục An toàn thông tin cảnh báo 6 lỗ hổng bảo mật mới của Microsoft

  • 07:22 | Thứ Sáu, 24/03/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Trong những lỗ hổng bảo mật mới được cảnh báo đến các đơn vị chuyên trách an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương thì có 2 lỗ hổng đang bị đối tượng tấn công khai thác trong thực tế.
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngày 23/3, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có thông báo đề nghị các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp rà soát để phát hiện các hệ thống bị ảnh hưởng bởi 6 lỗ hổng bảo mật trong sản phẩm của Microsoft, cập nhật bản vá, tránh nguy cơ bị tấn công.
 
Cảnh báo về 6 lỗ hổng bảo mật ảnh hưởng mức cao và nghiêm trọng tồn tại trong các sản phẩm của Microsoft được Cục đưa ra trên cơ sở danh sách bản vá tháng 3/2023, với 74 lỗ hổng mới được hãng công nghệ này đưa ra.
 
Đáng chú ý, trong những lỗ hổng bảo mật mới được cảnh báo đến các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin, an toàn thông tin của các bộ, ngành, địa phương; các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cùng các ngân hàng, tổ chức tài chính, có 2 lỗ hổng đang bị đối tượng tấn công khai thác trong thực tế.
 
Cụ thể, lỗ hổng CVE-2023-23397 trong Microsoft Outlook cho phép thực hiện tấn công nâng cao đặc quyền và lỗ hổng CVE-2023-24880 trong Windows SmartScreen cho phép đối tượng thực hiện tấn công vượt qua cơ chế bảo mật.
 
Bốn lỗ hổng bảo mật khác cũng được Cục An toàn thông tin đề nghị các đơn vị đặc biệt lưu ý gồm: CVE-2023-23392 tồn tại trong HTTP Protocol Stack, CVE-2023-23415 trong Internet Control Message Protocol, CVE-2023-23399 trong Microsoft Excel và CVE-2023-23400 trong Windows DNS Server. Cả 4 lỗ hổng đều cho phép đối tượng tấn công thực thi mã từ xa.
 
Cục An toàn thông tin cũng khuyến nghị các đơn vị kiểm tra, rà soát, xác định máy tính sử dụng hệ điều hành Windows có khả năng bị ảnh hưởng; kịp thời  cập nhật bản vá để tránh nguy cơ bị tấn công mạng; tăng cường giám sát và sẵn sàng phương án xử lý khi phát hiện có dấu hiệu bị khai thác, tấn công mạng; thường xuyên theo dõi kênh cảnh báo của cơ quan chức năng và các tổ chức lớn về an toàn thông tin để phát hiện kịp thời nguy cơ tấn công mạng.
 
Trường hợp cần thiết, các đơn vị có thể liên hệ đầu mối hỗ trợ của Cục An toàn thông tin Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, theo số điện thoại 02432091616, thư điện tử: ais@mic.gov.vn để được hỗ trợ.
 
Người dùng được khuyến nghị nên cập nhật bản vá mới nhất từ Microsoft, ngay cả khi việc khai thác lỗ hổng chỉ dừng ở mức thử nghiệm để tránh nguy cơ bị tấn công. Trường hợp nhận được email lạ, nên kiểm tra kỹ địa chỉ người gửi, thận trọng khi click vào đường dẫn hoặc file đính kèm.
 
Tính từ đầu năm 2022 cho đến hết tháng 2/2023, Cục An toàn thông tin đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý gần 15.000 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào những hệ thống thông tin tại Việt Nam.
 
Tuy nhiên, đại diện Cục An toàn thông tin cho biết có một hiện trạng đáng lưu ý là dù nhận được cảnh báo về tấn công mạng hoặc điểm yếu, lỗ hổng nhưng rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp chưa quan tâm xử lý hoặc cập nhật bản vá nhằm giảm thiểu rủi ro.
Theo Minh Sơn (Vietnam+)

tin liên quan

Kế hoạch thực hiện chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

(QBĐT) - Ngày 23/3, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 494/KH-UBND thực hiện Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 2/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh

Gần 3 triệu thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin

Ngày 22/3, thông tin từ Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, sau hơn 10 ngày triển khai, hơn 1 triệu chủ thuê bao đã đến chuẩn hóa thông tin sau khi nhận được thông báo của các nhà mạng.

Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thị trường

(QBĐT) - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường (QLTT), đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Cục QLTT tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, từng bước số hóa công tác QLTT.