icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Chuyển đổi số-Nỗ lực của các cấp, các ngành

  • 07:09 | Thứ Hai, 13/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chuyển đổi số (CĐS) đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH), nhất là giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay. Thời gian qua, Quảng Bình đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện CĐS và triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS  quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06); trong đó, xác định Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá để thực hiện các mục tiêu CĐS.
 
Đồng bộ các hạ tầng CĐS
 
Trong những năm qua, bằng sự nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp lãnh đạo tỉnh, Quảng Bình đã xây dựng được những nền tảng chiến lược quan trọng cho các bước thực hiện hoạt động CĐS, đáp ứng nhu cầu của thời đại bùng nổ công nghệ thông tin (CNTT) và hướng tới sự chuyên nghiệp, hiện đại.
 
Điển hình như, 100% các sở, ban, ngành cấp tỉnh thực hiện kiện toàn tổ chỉ đạo CĐS do đồng chí giám đốc, thủ trưởng cơ quan làm tổ trưởng; 100% UBND huyện, thị xã, thành phố kiện toàn ban chỉ đạo (BCĐ) CĐS do đồng chí chủ tịch UBND cấp huyện làm trưởng ban, đồng thời chỉ đạo UBND cấp xã triển khai thành lập, kiện toàn 140/151 BCĐ, tổ triển khai CĐS cấp xã; 952/1.137 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 4.067 thành viên.
 
Hạ tầng viễn thông, trạm thu phát sóng thông tin di động và cáp quang internet băng rộng trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển và hướng mạnh về bảo đảm phủ sóng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. 100% trung tâm xã, phường, thị trấn có kết nối cáp quang internet băng thông rộng. Mạng 3G, 4G phủ sóng trên 80% khu vực dân cư. Hạ tầng ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước tiếp tục được đầu tư, nâng cấp. Toàn tỉnh có 7.301 máy tính và 116 máy chủ. 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã thiết lập mạng LAN và kết nối internet.
 
Trung tâm dữ liệu điện tử của tỉnh được triển khai phục vụ CĐS theo hướng công nghệ điện toán đám mây, cơ bản đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật theo quy định, có kết nối với nền tảng điện toán đám mây Chính phủ theo mô hình do Bộ Thông tin-Truyền thông hướng dẫn; đã thực hiện chuyển đổi IPv4 sang IPv6 cho Cổng thông tin điện tử và Cổng dịch vụ công/hệ thống thông tin một cửa điện tử. Hiện đang xúc tiến nâng cấp toàn diện Trung tâm dữ liệu điện tử tỉnh theo Dự án CĐS, chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, dự kiến hoàn thành trước tháng 6/2023.
 Một số dịch vụ công của lực lượng Công an, như: Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ CCCD... đạt tỷ lệ 100%.
Một số dịch vụ công của lực lượng Công an, như: Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung hộ chiếu phổ thông; xác nhận số chứng minh nhân dân khi đã được cấp thẻ CCCD... đạt tỷ lệ 100%.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước đã sẵn sàng kết nối đến 151/151 xã, phường, thị trấn. Hệ thống hội nghị truyền hình chuyên dùng của tỉnh đã bảo đảm kết nối thông suốt từ Trung ương đến huyện, dự kiến hoàn thành mở rộng đến cấp xã vào đầu năm 2023. Cổng thông tin điện tử tỉnh tiếp tục được mở rộng và hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, ngoài cổng chính của UBND tỉnh, còn có 58 trang thông tin điện tử thành phần của cơ quan cấp tỉnh, 8 UBND cấp huyện, 151 UBND cấp xã.
 
Thông tin từ BCĐ CĐS tỉnh, tính đến cuối năm 2022, Quảng Bình đã cung cấp được 23/25 dịch vụ công thiết yếu; tiếp nhận 151.446/230.745 hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 67%; trong đó, đối với 11 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của lực lượng Công an (đạt tỷ lệ 67%); 12 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, địa phương (đạt tỷ lệ 61,6%). Cũng trong năm 2022, đã thực hiện gửi, nhận 1.387.277 văn bản điện tử. Tỷ lệ văn bản, hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng tại cơ quan cấp tỉnh là 95%, cấp huyện là 88%, cấp xã là 65%.
 
Đến nay, số lượng doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa tiếp cận và tham gia Chương trình SMEdx là 980 DN; số lượng DN nhỏ và vừa đang sử dụng các nền tảng số trong sản xuất, kinh doanh là 1.760 DN. Đặc biệt, có 9.494 sản phẩm OCOP đã đăng tải thông tin trên Hệ thống phần mềm phục vụ công tác quản lý, thông tin về sản phẩm OCOP và 129 DN thành viên đăng ký tham gia và được niêm yết trên Sàn thương mại điện tử tỉnh (quangbinhtrade.vn), với số lượng sản phẩm được chào bán trên sàn là 245 sản phẩm.
 
Riêng ngành Y tế tiếp tục triển khai ứng dụng các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung, chuyên ngành: Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; hệ thống quản lý khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; hệ thống quản lý bán thuốc kê đơn; hệ thống thống kê y tế; hệ thống quản lý tiêm chủng… và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện, cơ sở y tế theo Kế hoạch số 892/KH-UBND, ngày 25/5/2022 của UBND tỉnh. Các bệnh viện đa khoa trực thuộc Sở Y tế tiếp tục triển khai, duy trì bệnh án điện tử và đang trong bước đầu tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa.
 
“Kim chỉ nam” hướng tới CĐS toàn diện
 
Nhìn từ thực tế cho thấy, việc xây dựng chính quyền số tại Quảng Bình đang có nhiều thuận lợi để phát triển. Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, đáp ứng được việc CĐS toàn diện, Quảng Bình còn rất nhiều việc phải làm. Bởi nhìn trên thực tế cũng phải thừa nhận rằng quá trình ứng dụng CNTT và CĐS trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần sớm được giải quyết.
 
Đó là, kiến thức, kỹ năng về ứng dụng CNTT, CĐS của một bộ phận người dân và cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế. Hạ tầng, thiết bị CNTT, kết nối internet băng rộng một số nơi còn nhiều bất cập. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và công tác số hóa dữ liệu chưa được quan tâm đúng mức. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và DN chất lượng còn thấp; nhiều dịch vụ công chưa đạt tỷ lệ 20% hồ sơ nộp trực tuyến; kết quả hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ người dân, DN sử dụng nền tảng số, khai thác tài nguyên số còn khiêm tốn...
 
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ CĐS tỉnh, Tổ trưởng Tổ Công tác triển khai Đề án 06 Trần Thắng đề nghị: Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng và các tiện ích của CĐS và Đề án 06, trong đó chú trọng tuyên truyền về lợi ích thiết thực của thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, đăng ký, sử dụng tài khoản định danh điện tử và thực hiện dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến.
 
Quảng Bình hiện có tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công xếp thứ 16 toàn quốc; tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử xếp thứ 13 toàn quốc; tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ CCCD gắn chip xếp thứ 25 toàn quốc. Kết quả triển khai CĐS có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó, có 6 chỉ tiêu đạt 100%.
Đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị công nghệ và hạ tầng kết nối internet băng rộng, nhất là tại bộ phận một cửa. Rà soát, hoàn thiện các quy trình dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và đẩy mạnh việc hướng dẫn, trợ giúp người dân, DN tiếp cận, thực hiện; đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06. Năm 2023 quyết tâm đạt chỉ tiêu: Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến của từng dịch vụ công trên 30%; tỷ lệ hồ sơ có phát sinh thanh toán trực tuyến trên 20%; số hóa hồ sơ, trả kết quả bản điện tử đối với 100% thủ tục hành chính theo Đề án 06 và Đề án 468 của Thủ tướng Chính phủ...
 
Tiếp tục đẩy mạnh công tác cấp CCCD gắn chip và đăng ký, kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho công dân trên địa bàn tỉnh. Duy trì công tác “làm sạch” dữ liệu trên Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” phục vụ kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia khác.
 
Việc đưa ra lộ trình và hoàn thiện toàn bộ cơ sở hạ tầng về CĐS sẽ là “kim chỉ nam”, để các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh phát triển CNTT với những giải pháp mới, đột phá, bền vững hơn, góp phần mang lại nhiều thành tựu phát triển KT-XH, đẩy nhanh lộ trình CĐS toàn diện của tỉnh trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo.
Nội Hà

tin liên quan

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2024-2025

Với lĩnh vực chính phủ số và chuyển đổi số quốc gia, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

4 tuyến cáp quang biển kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế đang gặp sự cố

Bốn tuyến cáp quang biển gồm AAG, APG, AAE-1 và IA (Liên Á) đều đang gặp sự cố khiến kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Cuba nghiên cứu phát triển vaccine chống lại phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn là nguyên nhân gây ra khoảng 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm, trong đó gần 50% là trẻ em dưới 5 tuổi và chủ yếu ở các nước thuộc thế giới thứ ba.