Minh Hóa:
Tạo sức bật cho nông nghiệp phát triển
(QBĐT) - Phát huy lợi thế về nguồn đất đai rộng lớn, những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện miền núi Minh Hóa có những bước chuyển biến tích cực với sự xuất hiện của nhiều mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Không những đem lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo sức bật cho nông nghiệp phát triển, các mô hình này còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
Tính đến nay, trên địa bàn huyện Minh Hóa đã triển khai thực hiện 8 nhiệm vụ khoa học-công nghệ (KHCN) ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất; trong đó có một số mô hình đạt hiệu quả cao đã được nhân rộng và những mô hình sẽ nhân rộng trong thời gian tới.
Mô hình phát triển nuôi dê Lào tại xã Thượng Hóa do Đồn Biên phòng Cà Xèng thực hiện là một điển hình. Trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết: Mô hình được bắt đầu từ giữa năm 2021 với quy mô 30 con (25 dê cái và 5 dê đực) có trọng lượng 2,5kg.
Sau 6 tháng nuôi áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, tỷ lệ sống của dê đạt 100%, trọng lượng phát triển lên gần 20kg. Nguồn vốn đầu tư mô hình gần 300 triệu đồng, trong đó nguồn thực hiện nhiệm vụ KHCN gần 150 triệu đồng.
Theo tính toán, cộng trừ các khoản chi phí thức ăn và các loại thuốc phòng dịch bệnh…, người nuôi thu lãi 5,7 triệu đồng/tháng. Nếu dê nuôi với thời gian trên 6 tháng, có trọng lượng trên 35kg, lợi nhuận kinh tế sẽ cao hơn, đó là chưa tính lãi của dê sinh sản.
Theo Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn Đinh Hồng Tuyên, những năm qua, người dân vùng biên giới đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất chăn nuôi và nhân rộng các mô hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm nghèo bền vững. Đơn cử như mô hình nuôi giống gà Lào bằng phương pháp bán chăn thả (nuôi gà thả vườn) và mô hình nuôi giống ngan đen tại xã Hóa Sơn do lực lượng Bộ đội Biên phòng thực nghiệm.
Đến nay, Hóa Sơn có trên 40 hộ đang duy trì phát triển mô hình này. Qua đó, không những góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân và giảm nghèo hiệu quả, mà còn tạo sức bật trong phát triển nông nghiệp. Nếu như từ cuối năm 2016, Hóa Sơn có 56% hộ nghèo thì nay giảm xuống còn 25%. Đặc biệt, thông qua mô hình, vừa giúp người dân biên giới phát triển kinh tế, hạn chế phá rừng, đồng thời gắn kết với lực lượng biên phòng trong việc giữ vững an ninh, chính trị vùng biên giới.
Ngoài ra, qua thực tế chứng minh, trên địa bàn Minh Hóa còn có các mô hình ứng dụng KHKT vào phát triển cây trồng đạt hiệu quả, như trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi cho năng suất cao và phát triển ổn định nhiều năm tại các xã: Hóa Sơn, Hóa Hợp, Xuân Hóa; hay mô hình trồng bưởi da xanh ở xã Hóa Hợp...
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Minh Hương khẳng định: Việc ứng dụng KHKT vào sản xuất nông nghiệp đã chứng minh được ưu thế trong việc nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, giá trị của sản phẩm; đồng thời, nâng cao kỹ thuật canh tác vừa giữ gìn môi trường thêm xanh... Các mô hình chuyển giao công nghệ cao được triển khai, nhân rộng cũng đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế, tập quán sản xuất của người dân nên việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp ở huyện Minh Hóa còn gặp một số khó khăn nhất định.
Thực tế cho thấy, số hộ dân ứng dụng KHKT vào sản xuất chưa nhiều do thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, trình độ sản xuất nông nghiệp của người dân không đều nên việc áp dụng phương thức canh tác tiến bộ trên diện rộng chưa nhiều. Hầu hết, người dân còn lệ thuộc vào tập quán canh tác cũ, lạc hậu, tư tưởng sản xuất còn nhỏ lẻ…
“Trong thời gian tới, để nhân rộng các mô hình sản xuất ứng dụng tiến bộ KHKT, ngoài việc mong nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các sở, ngành chuyên môn, huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục khuyến khích người dân thay đổi tập quán canh tác, mạnh dạn hơn nữa trong việc đưa các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.
Đồng thời, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cùng tổ chức, nghiên cứu và chuyển giao, ứng dụng KHKT vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho bà con nông dân; chú trọng đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ và đẩy mạnh các hình thức sản xuất theo chuỗi, hướng liên kết giữa các tổ chức và nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt khác, huyện cần sự phối hợp của bà con nông dân trong mạnh dạn thay đổi tư duy, cách làm để phù hợp với yêu cầu của cơ chế thị trường hiện nay”, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Minh Hương chia sẻ thêm.
|
Hương Trà
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.