Triển vọng cây sa sâm trên vùng đất cát
(QBĐT) - Sa sâm là một loại thảo dược quý, nhưng hiện nay trong tự nhiên, cây sa sâm trở nên hiếm và ngày càng bị cạn kiệt bởi khai thác quá mức. Trước thực tiễn đó, Hợp tác xã Nông nghiệp sinh thái Dũng Na (HTX Dũng Na), thôn 2, xã Đồng Trạch (Bố Trạch) đã thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ (KH-CN) liên kết “Trồng thử nghiệm sa sâm trên vùng đất cát ven biển Quảng Bình”, mang lại nhiều triển vọng về sự hồi sinh cho một giống cây quý.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sa sâm (hay còn gọi là sâm biển) là loại thảo dược quý, được ví là cây “nhân sâm” và dùng nhiều trong y học cổ truyền. Toàn bộ thân, rễ, lá của cây đều được sử dụng. Sa sâm có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng bổ, mát phổi, giảm ho, long đờm, lợi sữa, nhuận tràng, lợi tiểu... Lá sa sâm được dùng làm rau ăn sống hoặc nấu canh.
Ông Dương Văn Sánh, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dũng Na cho biết, mục tiêu đặt ra của nhiệm vụ (KH-CN) liên kết là trồng sa sâm trên vùng đất cát ven biển với diện tích 1.000m2, thu được 1.800kg thân lá tươi và 1.300kg củ tươi. Nhiệm vụ cũng phải xây dựng quy trình kỹ thuật trồng sa sâm, đồng thời đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển của cây trên vùng đất cát ven biển Quảng Bình.
Sau khi dày công tìm tòi nghiên cứu và để đáp ứng theo yêu cầu nhiệm vụ, HTX Dũng Na đã chọn giống đạt tiêu chuẩn tại Công ty sa sâm Việt và tiến hành các bước trồng khi đất đủ ẩm, thường là thời điểm những ngày sau mưa, trời râm mát hoặc nắng nhẹ để trồng sa sâm. Xuống giống từ 8-10 ngày thì kiểm tra tỷ lệ sống để tiến hành trồng dặm. Cây con trồng dặm đạt tiêu chuẩn kỹ thuật như trồng chính.
Việc trồng dặm cũng tiến hành làm 2-3 đợt nhưng không kéo dài quá một tháng, bảo đảm tỷ lệ sống 90%. Trong quá trình triển khai mô hình chưa phát hiện các loại sâu bệnh hại trên sa sâm. Kết quả cho thấy, cây sa sâm lên tươi tốt, phù hợp trên vùng đất cát ven biển.
Tổng sản lượng lá thu hoạch được trong thời gian 5 tháng (từ tháng 9/2021-1/2022) là 660kg, đạt 36,7% so với mục tiêu đề ra là 1.800kg thân lá tươi. Sở dĩ sản lượng đạt thấp là do trong giai đoạn thu hoạch gặp mưa nhiều, rét đậm và việc xác định thời vụ còn mang tính chủ quan nên giai đoạn thu hoạch cây sinh trưởng phát triển kém.
"Cây sa sâm thực chất là một loại rau mọc ở ven đồi cát. Cây rau này bấy lâu nay bà con ở những vùng ven biển phía Nam thường dùng nấu canh, nấu nước uống; còn củ sâm thì để ngâm rượu chứ không khai thác với mục đích kinh tế. Những năm trở lại đây, các nhà khoa học phát hiện giá trị dinh dưỡng cao của sa sâm, khẳng định đây là giống cây dược liệu quý. Vì vậy, giống sa sâm có giá tương đối cao với 2.000 đồng/cây giống. Kỹ thuật trồng khá đơn giản, chỉ cần làm đất, xử lý đất bằng vôi bột, chuẩn bị đầy đủ phân bón và thiết bị canh tác rồi trồng như các loại rau bình thường khác”, ông Sánh chia sẻ thêm.
Theo Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Chí Thắng, nhiệm vụ KH-CN liên kết "Trồng thử nghiệm sa sâm trên vùng đất cát ven biển Quảng Bình" là mô hình trồng cây sa sâm đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, Sở KH-CN rất quan tâm và thường xuyên theo dõi quá trình thực hiện nhiệm vụ của HTX Dũng Na. Qua kiểm tra thực địa cho thấy, tất cả các hạng mục của nhiệm vụ thực hiện được trong thời gian qua đều bảo đảm đúng số lượng, chất lượng. Bước đầu, mô hình có triển vọng về sự hồi sinh của giống cây quý.
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Dũng Na Dương Văn Sánh cho biết, cây sa sâm phải trồng trên 2 năm mới khai thác. Dù HTX Dũng Na chỉ mới trồng thử nghiệm, chưa chính thức khai thác nhưng nhiều người đã đến "đặt hàng" mua loại sâm biển quý này. Qua tìm hiểu, được biết mỗi ký rau sâm bán trên thị thường với giá từ 30.000-40.000 đồng; còn củ làm dược liệu nên sẽ có giá bán cao hơn. HTX sẽ tiếp tục nghiên cứu, theo dõi, đánh giá kết quả mô hình đạt được để ứng dụng vào sản xuất thực tiễn.
"Hiện nay, nhu cầu của thị trường về sản phẩm sa sâm là rất lớn và trong lúc nguồn cung còn rất thấp, chủ yếu là khai thác từ tự nhiên ở các tỉnh phía Nam. Vì vậy mô hình trồng thử nghiệm cây sa sâm của HTX Dũng Na thành công sẽ là điểm nhấn quan trọng của nền nông nghiệp Quảng Bình, là cơ sở để nhân rộng trồng loại cây này ra toàn tỉnh, góp phần khai thác tiềm năng vùng đất cát ven biển, cung cấp một một lượng lớn rau ăn lá và dược liệu cho người tiêu dùng. Đặc biệt kết quả nghiên cứu nhiệm vụ sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, duy trì loại dược liệu quý, cung cấp nguồn giống cây dược liệu cho y học, giúp bảo vệ môi trường và phát triển hệ sinh thái bền vững", Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Chí Thắng cho biết thêm.
H.Trà
Ý kiến của bạn (Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.)
.