icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Khi nông dân ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

  • 09:02 | Thứ Sáu, 23/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xác định tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp là nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, huyện Lệ Thủy đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung áp dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất… Nhờ đó, nông nghiệp CNC trên địa bàn huyện từng bước hình thành; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đã phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho nông dân trên đơn vị diện tích canh tác.
 
Đến nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy có trên 32ha cây trồng đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước Israel; trên 6ha áp dụng quy trình công nghệ sản xuất VietGAP, nhà màng; có trên 28 trang trại, cơ sở nuôi trồng thủy sản sử dụng hệ thống quạt nước, sục khí, chủ yếu là các cơ sở nuôi tôm, các cơ sở ương giống thủy sản…
 
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của gia đình anh Nguyễn Quang Vinh, ở thôn Tân Lộc, xã Tân Thủy là một ví dụ điển hình. Anh Vinh cho biết, gia đình anh thực hiện mô hình trên diện tích 0,2ha đất (tương đương 3 sào). Trồng dưa lưới trong nhà màng tránh sâu bệnh và các tác động khắc nghiệt của thời tiết, mang lại hiệu quả rõ nét về năng suất, sản lượng, giá trị và đặc biệt là tạo ra nông sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, không sử dụng các loại hóa chất và bảo đảm môi trường sinh thái.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở thôn Tân Lộc (xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy) mạng lại hiệu quả tích cực.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở thôn Tân Lộc (xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy) mạng lại hiệu quả tích cực.
Hiệu quả sau 1 vụ trồng thời gian 3 tháng, 1 sào sẽ thu được 1,5-2 tấn dưa, mỗi năm 3 vụ; tổng thu 14 tấn/năm; trừ chi phí gia đình sẽ thu lãi trên 140 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với trồng tự nhiên và một số loại rau màu khác trên cùng đơn vị diện tích.
 
CNC còn được nông dân huyện Lệ Thủy chú trọng ứng dụng trong công tác giống, các chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ vi sinh, phòng trừ dịch hại và các máy móc, thiết bị sản xuất trồng trọt, cơ giới hóa phục vụ nuôi trồng và chế biến thủy sản… nhằm giảm sức lao động, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông sản.
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 502 máy làm đất, 76 máy máy gặt đập liên hợp, 8 máy gặt lúa rải hàng, 99 máy đập lúa, trên 300 máy bơm nước các loại, 100 máy băm thức ăn, 22 hệ thống làm mát chuồng trại, 29 máy và thiết bị cho ăn bán tự động cho gia súc, gia cầm và nhiều máy móc khác.
 
Ông Võ Văn Ni, Bí thư Chi bộ, Trưởng xóm 7, thôn Thượng Phong, xã Phong Thủy, cho hay, vụ đông-xuân vừa qua, bà con nông dân trong thôn được mùa toàn diện. Với việc áp dụng CNC vào sản xuất lúa cùng với việc đồng bộ hóa các loại máy móc nên nông dân cũng đỡ vất vả hơn rất nhiều so với trước, thu nhập cao hơn và có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. Khi nông dân chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất thì hiệu quả mang lại khá toàn diện.
 
Toàn huyện cũng hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn và có các chuỗi sản xuất giá trị, như: gạo sạch Lệ Thủy, khoai deo Lâm Hường, ớt bột Hồng Thủy, tinh dầu tràm, nấm rơm, nấm sò, cá lóc khô, mật ong Trường Thủy, cá chình hoa, tinh bột nghệ Hiền Thuấn...
 
Qua đó, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp của huyện Lệ Thủy đến nay đạt gần 1.700 tỷ đồng/năm, tăng 6,2 lần so với 10 năm trước; thu nhập bình quân đầu người nâng lên hàng năm, đến nay, đạt 47,3 triệu đồng/năm.
 
Từ những hiệu quả của việc áp dụng CNC vào sản xuất mang lại, huyện Lệ Thủy đang tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dồn đổi, tích tụ đất đai; phát huy vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại, gia trại và khuyến khích các thành phần kinh tế chuyển đổi phương thức, ứng dụng KHKT vào sản xuất nhằm tăng quy mô, chất lượng sản phẩm hàng hóa nông sản.
 
"Huyện Lệ Thủy đang tập trung phát triển nhanh các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn trên cơ sở phát huy lợi thế, thế mạnh đối với các sản phẩm chủ lực của từng địa phương; tăng cường sự liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ gắn với phát triển nhanh công nghiệp chế biến, bảo quản; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất của người dân để thúc đẩy nhanh hơn quá trình đưa CNC vào sản xuất.”, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Trần Duy Hưng chia sẻ.
 
                                                                                    Hương Trà