icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Để tăng cường quản lý nợ đọng thuế

  • 12:22 | Thứ Sáu, 23/07/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tình trạng nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh những năm qua đang có xu hướng tăng, khó thu. Vì vậy, việc nghiên cứu đề ra giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ đọng thuế cho địa phương là điều cần thiết. Nhiệm vụ khoa học-công nghệ: “Nghiên cứu giải pháp tăng cường quản lý nợ đọng thuế tại tỉnh Quảng Bình”, do Hội Kế toán và Kiểm toán Quảng Bình chủ trì, TS. Nguyễn Xuân Hảo làm chủ nhiệm vừa hoàn thành, bước đầu làm sáng tỏ nhiều vấn đề.  
 
Trao đổi với phóng viên, ông Đoàn Vĩ Tuyến, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, xác định thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách, cơ quan Thuế luôn nỗ lực quản lý thu, nhờ đó, số thu thuế hàng năm đều đạt và vượt dự toán cấp trên giao, góp phần cân đối thu chi ngân sách trên địa bàn. Tuy nhiên, tổng số tiền nợ thuế hàng năm tăng mạnh. Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm số tiền nợ thuế tăng 39 tỷ đồng, tương ứng tốc độ tăng 15,08%. Tính đến cuối năm 2020, tổng nợ thuế toàn tỉnh là 454,3 tỷ đồng, tăng 3,5 tỷ đồng so cùng kỳ.
 
Nguyên nhân nợ đọng thuế chủ yếu là do doanh nghiệp (DN) làm ăn thua lỗ dẫn đến giải thể, phá sản hoặc tự bỏ kinh doanh; ý thức chấp hành pháp luật thuế của một số DN, người nộp thuế (NNT) chưa cao, còn chây ỳ, chiếm dụng tiền thuế. Bên cạnh đó, số lượng cán bộ làm công tác quản lý nợ thiếu so với đối tượng nợ thuế; trình độ cán bộ không đồng đều đã ảnh hưởng lớn đến công tác phân tích, đánh giá nợ để có giải pháp đôn đốc, cưỡng chế phù hợp, hiệu quả.
Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học-công nghệ: “Nghiên cứu giải pháp tăng cường quản lý nợ đọng thuế tại tỉnh Quảng Bình”.
Nghiệm thu nhiệm vụ khoa học-công nghệ: “Nghiên cứu giải pháp tăng cường quản lý nợ đọng thuế tại tỉnh Quảng Bình”.
Về khách quan còn do đại dịch Covid-19 bùng phát, thực hiện giãn cách xã hội và thiên tai, bão lụt xảy ra tại các tỉnh miền Trung đã làm cho nhiều NNT bị thiệt hại nặng nề, sản xuất, kinh doanh thua lỗ, phải ngừng hoặc chấm dứt hoạt động, không còn nguồn tài chính để nộp tiền thuế nợ...
 
Theo TS. Nguyễn Xuân Hảo, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính, Trường đại học Quảng Bình, từ tình hình trên, nhất thiết đặt ra các giải pháp nhằm tăng cường quản lý nợ đọng thuế, như: cơ quan Thuế tỉnh cần có biện pháp phù hợp tăng cường quản lý nợ đọng thuế ở hộ kinh doanh (HKD), đặc biệt đối với tiền thuế nợ từ 121 ngày trở lên và các HKD ở các địa bàn TP. Đồng Hới, TX. Ba Đồn và các huyện chiếm tỷ trọng nợ thuế cao.
 
Đơn vị cũng cần tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh đưa ra những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ kịp thời và phù hợp đối với các ngành dễ bị tổn thương bởi tác động từ phía khách quan dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả, thua lỗ, tiền nợ thuế lớn và kéo dài, như: ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy...
 
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nợ đọng thuế các DN, như: phân công, giao nhiệm vụ thu nợ thuế, xử lý nợ và tiền thuế nợ hàng năm cho các phòng, các chi cục thuế đến từng đội thuế, từng cán bộ, công chức quản lý nợ; đồng thời, phân tích, xử lý số liệu để nắm các đơn vị có số nợ tăng đột biến, từ đó đề xuất biện pháp thu nợ kịp thời; kiên quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo luật định để thu nợ thuế đối với các đơn vị chây ỳ, thiếu ý thức thực hiện nghĩa vụ thuế, đặc biệt là đối với tiền thuế nợ từ 121 ngày trở lên; thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thu nợ thuế đối với các DN có số tiền thuế nợ lớn đến 90 ngày và trên 90 ngày theo đúng quy định.
 
Một giải pháp nữa là ngành Thuế cần chú trọng công tác phối hợp với các sở, ngành và chính quyền cấp huyện triển khai hữu hiệu biện pháp thu nợ thuế, đặc biệt đối với các DN ở TP. Đồng Hới, huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch và các những địa bàn chiếm tỷ trọng nợ thuế cao qua các năm gần đây. Cùng với đó là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thuế cho NNT và toàn xã hội; công khai thông tin nợ thuế và tuyên dương người nợ thuế đã nộp đủ số tiền nợ thuế.
 
Đối với công chức ngành thuế, cơ quan Thuế cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn cho đội ngũ trong ngành nhằm nâng cao hơn nữa về năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất công chức thuế để đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của ngành thuế trong thời gian tới.
 
Mặt khác, các DN và HKD cần tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, biết nắm bắt cơ hội kinh doanh, tái cơ cấu vốn, nâng cao kết quả và hiệu quả hoạt động kinh doanh. Các DN cần tái cơ cấu vốn, tăng sức cạnh tranh… và phải chấp hành, tuân thủ tốt các nghĩa vụ thuế.
 
Các cơ quan hữu quan cần định hướng, dẫn dắt và kích thích mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh như: tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn, khuyến khích, ưu tiên và kích thích các DN; tuyên dương người đã nộp đủ số tiền thuế nợ, lên án NNT chây ỳ, dây dưa trong nợ thuế; chú trọng ưu tiên tạo điều kiện với NNT; phối hợp giữa ngành thuế với các cơ quan chức năng chặt chẽ, hiệu quả, để hỗ trợ NNT trong việc phòng, chống và né tránh về các trở lực bất thường, khách quan.
 
"Việc nghiên cứu đề xuất các giải pháp trên sẽ góp phần giúp ngành Thuế có cơ sở tăng cường công tác quản lý nợ đọng thuế, thu hồi nợ thuế và cân đối ngân sách để phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh trong thời gian tới”, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đoàn Vĩ Tuyến khẳng định.
 
H.Tr