icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nhân rộng mô hình trồng rau thủy canh

  • 11:35 | Thứ Sáu, 25/06/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên (DVVLTN) tỉnh Quảng Bình đã xây dựng “Mô hình trồng rau thủy canh phục vụ đào tạo nghề và chuyển giao kỹ thuật cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh”. Đây là mô hình mẫu để triển khai, nhân rộng cho lực lượng thanh niên nông thôn và các hộ nông dân đang có nhu cầu khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
 
Theo nghiên cứu của những người thực hiện mô hình, hình thức trồng rau thủy canh trong điều kiện nhà màng là xu hướng chủ đạo trong sự phát triển của nền nông nghiệp công nghệ cao nước ta hiện nay.
 
Đây là hình thức sản xuất luôn đáp ứng và bảo đảm được các yếu tố an toàn như: nguồn nước tưới, nguồn giống, quy trình kỹ thuật canh tác, kiểm soát được sâu, bệnh hại cây trồng, hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất trong bảo quản nông sản, chủ động trong việc điều chỉnh thiên vụ gieo trồng...
 
Hiện nay, mô hình sản xuất rau sạch bằng hình thức thủy canh hồi lưu trong điều kiện nhà màng đã được áp dụng thành công và ứng dụng đưa vào sản xuất rộng rãi ở một số tỉnh phía Nam, phía Bắc và khu vực Tây Nguyên.
 
Trên địa bàn Quảng Bình có một số cá nhân, doanh nghiệp sản xuất rau thủy canh, điển hình như: Công ty CP thực phẩm Đông Dương, hộ ông Nguyễn Hữu Việt ở phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn), hộ ông Dương Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy)...
Vườn rau thủy canh tại Trung tâm DVVLTN tỉnh.
Vườn rau thủy canh tại Trung tâm DVVLTN tỉnh.
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, việc nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất thực tế còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ, hiệu quả mang lại chưa đáp ứng được sự kỳ vọng. Hiện tại, chưa có mô hình để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trồng rau thủy canh cho người dân có nhu cầu, đặc biệt là lực lượng thanh niên nông thôn có nhu cầu làm kinh tế từ việc sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
 
Vì vậy, vấn đề đặt ra là xây dựng thành công mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng của Trung tâm DVVLTN nhằm phục vụ công tác chuyển giao kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao cho lực lượng thanh niên và người nông dân trên địa bàn tỉnh. Mô hình áp dụng thành công còn là điểm nhấn của nền nông nghiệp Quảng Bình. Đây cũng là cơ sở để nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh, góp phần cung cấp một lượng lớn rau sạch cho người tiêu dùng.
 
Sau 4 tháng thực hiện 4 vụ trồng thử nghiệm trên diện tích 800m2 với các giống rau xà lách, cải bó xôi và dưa lưới... trong điều kiện thủy canh hồi lưu tại Trung tâm DVVLTN, kỹ sư Nguyễn Minh Châu, Chủ nhiệm nhiệm vụ khẳng định, về khả năng sinh trưởng và phát triển 3 loại cây trồng (xà lách, cải bó xôi và dưa lưới) thích nghi tốt với khí hậu, môi trường trồng thủy canh hồi lưu; cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu với điều kiện ngoại cảnh tương đối ổn định; thích hợp để nhân rộng trên địa bàn.Về năng suất, chất lượng khá ổn định, trung bình mỗi vụ đạt từ 320kg-trên 400kg rau.
 
Về lâu dài, mô hình dự kiến sẽ cung cấp khoảng 3,5-4 tấn rau, 0,85 tấn dưa lưới mỗi năm (dưa lưới trồng 3 vụ/năm). Mô hình còn mang lại lợi ích kinh tế gần 5,4 triệu đồng/tháng/800m2, giúp cho trung tâm có nguồn thu ổn định để duy trì hoạt động của mô hình.
 
Tháng 5-2021 vừa qua, tại Trung tâm DVVLTN tỉnh, Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh đã tổ chức nghiệm thu cơ sở nhiệm vụ KH-CN: “Xây dựng mô hình trồng rau thủy canh phục vụ đào tạo nghề và chuyển giao kỹ thuật cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh”.
 
Bước đầu, các thành viên trong Hội đồng Khoa học đánh giá cao giá trị khoa học mà nhiệm vụ đã đạt được, đồng thời đóng góp các ý kiến để hoàn thiện các quy trình kỹ thuật trồng rau thủy canh hồi lưu trong điều kiện nhà màng.
 
Việc thực hiện nhiệm vụ đã mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội khá cao. Kết quả của nhiệm vụ là cơ sở chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho đoàn viên, thanh niên; góp phần giải quyết việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động địa phương, đồng thời mở ra hướng đi mới, giúp đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp trên chính quê hương của mình.
 
“Để bảo đảm cho mô hình ngày càng mang lại hiệu quả, đặc biệt là thực hiện chức năng đào tạo nghề và chuyển giao kỹ thuật cho lực lượng thanh niên trên địa bàn tỉnh, Trung tâm DVVLTN tỉnh mong muốn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện, phối hợp, hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành liên quan, để mô hình phát huy được vai trò, sớm ứng dụng vào thực tiễn đời sống.”, kỹ sư Nguyễn Minh Châu chia sẻ thêm.
 
                                                                                                               H.Trà