icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Vaccine ngăn ngừa 65% nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2

  • 08:22 | Thứ Bảy, 24/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Những người nhiễm virus sau khi tiêm chủng thường không có triệu chứng và cũng ít có khả năng tạo ra virus, đồng nghĩa với việc họ ít có khả năng lây truyền virus hơn.
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tại Sydney, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Phóng viên TTXVN tại Anh dẫn kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Oxford cho thấy vaccine ngừa COVID-19 làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm bệnh.
 
Qua theo dõi gần 400.000 người Anh trong 4 tháng đầu tiên của chương trình tiêm chủng quốc gia, các nhà khoa học nhận thấy việc tiêm vaccine của Oxford/AstraZeneca hoặc Pfizer-BioNTech đều giúp ngăn ngừa khoảng 65% nguy cơ lây nhiễm.
 
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người nhiễm virus sau khi tiêm chủng thường không có triệu chứng và cũng ít có khả năng tạo ra virus, đồng nghĩa với việc họ ít có khả năng lây truyền virus hơn.
 
Theo lời của Tiến sỹ Koen Pouwels thuộc Đại học Oxford, từ kết quả nghiên cứu có thể đi đến nhận định rằng vaccine có khả năng làm giảm sự lây truyền virus nhưng cần định lượng chính xác mức giảm này. Điều này đòi hỏi phải có các nghiên cứu kỹ lưỡng về truy vết tiếp xúc.
 
Trong khi đó, theo Giáo sư Sarah Walker cũng tại Đại học Oxford, mục tiêu quan trọng nhất của vaccine là ngăn ngừa nhiễm bệnh và khi tỷ lệ lây nhiễm càng giảm thì người dân càng sớm có cơ hội trở lại trạng thái bình thường.
 
“Về lâu dài, phong tỏa không phải là giải pháp khả thi. Rõ ràng vaccine là cách duy nhất để chúng ta có cơ hội kiểm soát dịch bệnh,” Giáo sư Sarah Walker nói.
 
Tuy nhiên, cả Giáo sư Walker và các đồng nghiệp của bà đều cảnh báo rằng vaccine không phải là “phép màu” và vẫn sẽ có những người bị nhiễm virus dù đã tiêm phòng. Do đó, người dân vẫn cần phải rất thận trọng.
 
Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada (NACI) ngày 23/4 đã hạ độ tuổi khuyến nghị tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Oxford-AstraZeneca.
 
Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết NACI khuyến cáo nên sử dụng vaccine AstraZeneca cho những người từ 30 tuổi trở lên, nếu họ không muốn chờ vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA và lợi ích mà vaccine mang lại nhiều hơn rủi ro.
 
Trước đây, NACI khuyến cáo chỉ tiêm vaccine AstraZeneca cho những người từ 55 tuổi trở lên.
 
Trước đó trong tuần, một số tỉnh của Canada cũng đã giảm độ tuổi tiêm vaccine AstraZeneca do dịch bệnh lây lan quá nhanh và đã có thêm dữ liệu cho thấy lợi ích của việc tiêm vaccine AstraZeneca vẫn vượt trội so với rủi ro.
 
Cụ thể, hai tỉnh Ontario và Alberta cho những người từ 40 tuổi trở lên được tiêm vaccine này từ ngày 20/4, chậm hơn một ngày so với hai tỉnh British Columbia và Manitoba. Trong khi đó, tỉnh Quebec quy định độ tuổi tiêm vaccine AstraZeneca là từ 45 trở lên.
 
Ở cấp độ liên bang, Bộ trưởng Y tế Patty Hajdu hôm 18/4 vẫn nhắc lại hướng dẫn chính thức của bộ này - được đưa ra từ khi phê duyệt vaccine AstraZeneca vào tháng 2 vừa qua - là có thể sử dụng vaccine cho những người từ 18 tuổi trở lên.
 
Theo Bộ Y tế Canada, mặc dù đã có bằng chứng về một số trường hợp hy hữu xảy ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca song mức độ an toàn và hiệu quả của vaccine vẫn cao.
 
Trong số hơn 700.000 liều vaccine AstraZenaca đã được sử dụng ở Canada thì chỉ có 4 trường hợp xuất hiện huyết khối sau tiêm.
 
Trong động thái dường như để trấn an người dân, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và phu nhân Sophie Gregoire Trudeau đã tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên hôm 23/4 tại một nhà thuốc gần Đồi Quốc hội.
 
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Hajdu cũng tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên tại Thunder Bay, Ontario.
 
Lãnh đạo đảng Dân chủ mới (NDP) Jagmeet Singh tiêm vaccine cùng loại ở Ottawa hôm 21-4, trong khi lãnh đạo đảng Bảo thủ Erin O’Toole đặt lịch hẹn tiêm vào cuối tuần này./.
 
Theo Vân Hải-Hương Giang (TTXVN/Vietnam+)