icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh

  • 11:59 | Thứ Sáu, 23/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Để việc tra cứu kết quả học tập, rèn luyện của học sinh một cách nhanh chóng, chính xác, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý quá trình học tập, rèn luyện của học sinh (HS) tại Quảng Bình”.
 
Vấn đề xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý quá trình học tập, rèn luyện của HS nhận được sự quan tâm không chỉ của HS, thầy, cô giáo, những người làm công tác quản lý mà là phần đông của các phụ huynh HS.
 
Ông Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, Chủ nhiệm nhiệm vụ, cho biết: Quản lý kết quả quá trình học tập, rèn luyện của HS là loại hình đặc thù, đóng vai trò quan trọng trong quản lý nhà nước về lĩnh vực GD-ĐT.
 
Tuy nhiên, hiện nay, việc quản lý kết quả quá trình học tập, rèn luyện của HS chưa được đổi mới, còn thực hiện chủ yếu bằng thủ công hoặc nếu có sử dụng phần mềm thì phần mềm đơn lẻ, đơn vị nào sử dụng đơn vị đấy chưa thống nhất nên gặp nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian và công sức cho công tác tìm kiếm, thống kê, báo cáo, tra cứu thông tin. Từ thực tế đó, cần thiết phải có công cụ hỗ trợ việc quản lý kết quả quá trình học tập, rèn luyện của HS nhằm cung cấp số liệu một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong xã hội. 
Việc ứng dụng các thành tựu CNTT, truyền thông vào trong nhà trường sẽ tạo thuận lợi trong công tác quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
Việc ứng dụng các thành tựu CNTT, truyền thông vào trong nhà trường sẽ tạo thuận lợi trong công tác quản lý kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
Với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu, chương trình hỗ trợ nhập, cập nhật, lưu trữ, xử lý, trích xuất kết quả quá trình học tập, rèn luyện hàng ngày của HS bằng phần mềm tạo điều kiện thuận lợi, đem lại hiệu quả cao cho các cơ sở giáo dục và các cấp quản lý trong công tác quản lý, dạy và học trong nhà trường, Sở GD-ĐT đã tiến hành thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý quá trình học tập, rèn luyện của HS tại Quảng Bình”.
 
Nội dung của nhiệm vụ là nghiên cứu cấu trúc hồ sơ HS; nghiên cứu cấu trúc lưu trữ kết quả quá trình học tập của HS; nghiên cứu các quy định của Bộ GD-ĐT về công tác quản lý quá trình học tập, rèn luyện, đánh giá kết quả học tập của HS; xây dựng chương trình số hóa dữ liệu; xây dựng ứng dụng truy cập thông tin trên nền internet...
 
Được thực hiện từ tháng 6-2019, đến nay, nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung chính, gồm 3 chương: tổng quan tình hình ứng dụng CNTT và quản lý kết quả quá trình học tập, rèn luyện HS ngành GD-ĐT Quảng Bình; nội dung khoa học và công nghệ đã thực hiện; các kết quả đạt được.
 
Sau khi thực hiện xong các nhiệm vụ đã nêu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chạy thử hệ thống với 6 trường học, cho thấy: Với nội dung chính xác, cập nhật nhiều công nghệ mới, đề tài góp phần khẳng định khả năng ứng dụng các thành tựu CNTT, truyền thông vào trong đời sống và xã hội; giúp giáo viên, HS, nhà trường... trong việc tiết kiệm nhân lực, thời gian và kinh phí trong công tác quản lý kết quả học tập, rèn luyện của HS...
 
“Mặc dù thời gian nhiệm vụ chạy thử nghiệm chưa lâu nhưng kết quả khi sử dụng bảo đảm tính chính xác, giao diện thân thiện và dễ sử dụng. Qua đó, góp phần đẩy mạnh công tác ứng dụng CNTT trong công tác quản lý của tỉnh nói chung và ngành GD-ĐT nói riêng; đồng thời, nâng cao vai trò của CNTT trong việc nâng cao dân trí, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân.”, bà Mai Thị Liên Giang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, đại diện cơ quan chủ trì thực hiện nhiệm vụ cho biết thêm.
 
Theo đánh giá của Hội đồng khoa học nghiệm thu nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp tỉnh, đây là một nhiệm vụ được đánh giá rất cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn áp dụng cũng như hệ thống ứng dụng webfrom chạy trên nền internet, giúp cho việc quản lý quá trình học tập, rèn luyện của HS ngày càng đạt hiệu quả cao.
 
Box: Số liệu tổng hợp của Sở GD-ĐT: Đến nay, toàn tỉnh có 89,4% trường phổ thông đã có phòng thực hành tin học; 100% trường THPT có phòng học được lắp đặt máy chiếu, màn hình, tivi, hệ thống âm thanh cố định; 41/210 trường tiểu học, 32/166 trường THCS, 29/33 trường THPT được trang bị phòng học ngoại ngữ có ứng dụng CNTT. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng đã chủ động tự lắp đặt thiết bị phát sóng wifi internet công suất lớn để giáo viên có thể truy xuất internet ngay trên lớp học phục vụ tìm kiếm thông tin trong giờ dạy.
 
                                                                                            Hương Trà