icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hiệu quả từ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ

  • 07:52 | Thứ Sáu, 23/04/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có sự chuyển biến tích cực và khá toàn diện; công tác nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được quan tâm và được triển khai ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
 
Trong đó, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN đã góp phần thúc đẩy khai thác tiềm năng và lợi thế ở địa phương, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, cải thiện an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của tỉnh.
 
Ông Nguyễn Chí Thắng, Giám đốc Sở KH-CN, cho biết: Công tác quản lý thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu KH-CN cấp tỉnh thời gian qua đã bám sát vào các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh. Một số đề tài, dự án nghiên cứu đã cung cấp luận cứ khoa học phục vụ phát triển bền vững KT-XH, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
 
Kết quả các nhiệm vụ KH-CN đều được ứng dụng vào sản xuất, đời sống, nhu cầu xã hội đã góp phần quan trọng vào việc tạo ra sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thuỷ sản, du lịch và dịch vụ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người lao động.
 
Hoạt động quản lý nhà nước về triển khai thực hiện các đề tài, dự án sâu sát, chặt chẽ và có nhiều đổi mới. Số lượng đề tài, dự án được giao quản lý bao gồm 43 đề tài, dự án. Một số đề tài, dự án nghiệm thu được đánh giá đạt kết quả tốt và có tính ứng dụng cao trong thực tiễn.
 
Dự án “Phát triển mô hình trồng tỏi tập trung tại TX. Ba Đồn và chuỗi cung ứng sản phẩm từ tỏi” của Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng 2-9 (Công ty 2-9) là một ví dụ điển hình. Với kỳ vọng nâng cao chất lượng sản phẩm từ cây tỏi tía có nguồn gốc từ xã Quảng Minh (TX. Ba Đồn), Công ty 2-9 đã tiến hành triển khai dự án này.
 
Mục tiêu của dự án sản xuất và chuyển giao công nghệ là triển khai trồng tỏi tập trung trên địa bàn một số xã thuộc TX. Ba Đồn làm nguồn nguyên liệu, sản xuất ra các sản phẩm chất lượng cao từ tỏi, như: tỏi sạch, tỏi đen, rượu tỏi đen, có chất lượng đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm được thị trường chấp nhận, phù hợp với nhu cầu và thu nhập của người dân địa phương. 
Các nhiệm vụ KH-CN đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Các nhiệm vụ KH-CN đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Dự án đã lựa chọn 10 hộ/25 hộ gia đình là thành viên Hợp tác xã sản xuất tỏi sạch và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Cồn Nâm tiến hành trồng tỏi trên diện tích 2,8ha theo tiêu chuẩn VietGAP.
 
Nhằm đa dạng sản phẩm được làm ra từ tỏi, ngoài việc sử dụng làm gia vị trong chế biến các món ăn, Công ty 2-9 đã sử dụng tỏi để chế biến rượu tỏi đen. Áp dụng công nghệ lên men tự nhiên bằng máy Việt-Nhật, Công ty 2-9 đã thành công khi sản phẩm tỏi lên men khác hoàn toàn với tỏi trắng ban đầu, tép tỏi có màu đen đặc trưng, vị chua ngọt, hơi dai và đặc biệt là không có mùi hăng của tỏi. Việc sử dụng tỏi Quảng Minh lên men tạo thành tỏi đen của Công ty 2-9 đã giúp nhiều người dân trên địa bàn tỉnh biết đến loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này.
 
Một điển hình trong việc ứng dụng công nghệ thông tin nhiệm vụ KH-CN nữa là “Nghiên cứu, đánh giá khả năng khởi nghiệp thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp (DNKN) trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” do Trường đại học Quảng Bình chủ trì thực hiện.
 
Tiến sỹ Trần Tự Lực, Trưởng khoa Kinh tế-Du lịch, Trường đại học Quảng Bình, chủ nhiệm nhiệm vụ, cho biết: Nhiệm vụ được triển khai thực hiện từ tháng 7-2019 đến nay, với đối tượng nghiên cứu chính là đánh giá sự thành công và các giải pháp nâng cao sự thành công của các DNKN có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh, là các doanh nghiệp mới thành lập lần đầu. Kết quả nhiệm vụ đã hoàn thành các nội dung đề ra, bao gồm: những vấn đề lý luận và thực tiễn về đánh giá sự thành công của DNKN; thực trạng thành công và giải pháp nâng cao sự thành công của DNKN trên địa bàn tỉnh.
 
Kết quả nghiên cứu của nhiệm vụ góp phần vận dụng và bổ sung vào lý luận khởi nghiệp các khái niệm, phương pháp và nội dung đánh giá khả năng khởi nghiệp thành công của doanh nghiệp. Đây là nguồn tham khảo hữu ích và quan trọng cho các tổ chức, cá nhân, nhà nghiên cứu phát triển DNKN trong nước và quốc tế; đồng thời kết quả nghiên cứu là cơ sở để biên soạn bộ sách phục vụ công tác đào tạo khởi nghiệp, đào tạo quản lý DNKN thành công.
 
“Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chủ nhiệm nhiệm vụ cũng đã phối hợp với Hội Doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh triển khai các khóa đào tạo, tập huấn các kỹ năng, kiến thức quản lý doanh nghiệp và khởi nghiệp cho các đối tượng là DNKN, đoàn viên, thanh niên có ý định khởi nghiệp, chị em phụ nữ đang thực hiện các mô hình khởi nghiệp... trên địa bàn tỉnh.”, tiến sỹ Trần Tự Lực chia sẻ thêm.
 
Các thành viên trong Hội đồng Khoa học đánh giá cao giá trị khoa học và tính thực tiễn của nhiệm vụ; đồng thời đóng góp ý kiến bổ sung nhằm giúp cho nhiệm vụ được hoàn thiện, đầy đủ, chính xác và thực hiện đạt hiệu quả. 
 
Có thể khẳng định, thời gian qua, hoạt động ứng dụng KH-CN trên địa bàn tỉnh được đổi mới, bám sát yêu cầu thực tiễn đặt ra; nhiều nhiệm vụ KH-CN đã được ứng dụng và phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH của tỉnh. Để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH-CN, thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động KH-CN, phát động phong trào ứng dụng các thành tựu khoa học, từng bước góp phần đưa tri thức KH-CN thực sự đi vào cuộc sống.
 
                                                                                          H. Trà