icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong phát triển khai thác thủy sản

  • 08:04 | Thứ Bảy, 16/01/2021
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Hội đồng Khoa học nghiệm thu nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) cấp tỉnh vừa tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ: “Đánh giá tổng hợp điều kiện tự nhiên, tài nguyên-môi trường, tai biến thiên nhiên, xây dựng luận cứ khoa học phục vụ quy hoạch tổng thể không gian đới bờ tỉnh Quảng Bình” do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Quảng Bình chủ trì thực hiện. Đề tài đề cập đến vấn đề phát triển nghề cá trong nước và dự báo biến động nguồn lợi, môi trường sinh thái thủy sinh ở Quảng Bình.
 
Theo số liệu thống kê, những năm qua, ngành thủy sản nói chung và nghề cá nói riêng ở nước ta đã có những bước phát triển nhanh, ổn định, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân và chiếm tỷ trọng lớn trong sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Theo dự báo, xuất khẩu thủy sản và tiêu dùng thủy sản nội địa ngày càng tăng. Dự báo mức sản xuất thủy sản tại thị trường trong nước cũng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. 
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong phát triển khai thác thủy sản để tăng năng suất, sản lượng và giảm sức lao động, tránh rủi ro là cần thiết.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong phát triển khai thác thủy sản để tăng năng suất, sản lượng và giảm sức lao động, tránh rủi ro là cần thiết.
Thạc sỹ Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN-MT, Chủ nhiệm đề tài, trao đổi: Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và tiêu dùng thủy sản nội địa, việc ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ trong phát triển khai thác thủy sản để tăng năng suất, sản lượng và giảm sức lao động, tránh rủi ro là vấn đề tất yếu, dựa trên điều kiện tự nhiên thuận lợi và tài nguyên thủy sản vốn có.
 
Trong đó, dự kiến ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời, gió hoặc từ sóng biển để phát điện chiếu sáng và sử dụng các thiết bị ánh sáng bằng đèn led tiết kiệm điện trực tiếp dưới mặt nước để làm giảm công suất máy phát điện, giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu trong quá trình chạy máy phát điện giúp giảm chi phí, do đó tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho ngư dân...
 
Sử dụng các thiết bị máy dò ngang, các thiết bị, máy móc cơ giới để thu, thả lưới nhằm xác định được các đàn cá ở xa tàu, lượng cá tập trung ít hay nhiều có nên đánh lưới hay không, từ đó giảm được chi phí nhiên liệu, ngày công trong quá trình tìm kiếm ngư trường, tăng hiệu quả sản xuất.
 
Cùng với đó là áp dụng công nghệ sản xuất đá vẩy, nước biển lạnh; sử dụng thiết bị làm lạnh bằng nước biển bảo quản hải sản hoặc sử dụng hầm cách nhiệt, sử dụng thiết bị lạnh trong các khoang chứa... giúp giữ nhiệt đá được lâu hơn, tăng thời gian bảo quản sản phẩm, tàu hoạt động dài ngày trên biển… Đồng thời, việc đóng vỏ tàu bằng các vật liệu mới như composic cũng áp dụng để giúp nâng cao tính bền vững con tàu.
 
Bên cạnh đó, ứng dụng công nghệ viễn thám, hệ thống thông tin địa lý để quản lý nghề cá thông qua hệ thống định vị vệ tinh sẽ kiểm soát toàn bộ tàu thuyền trong quá trình hoạt động trên biển, tránh đánh bắt bất hợp pháp, truy xuất nguồn gốc một cách dễ dàng. Các đơn vị chức năng sẽ kiểm soát tàu thuyền trong mùa mưa bão, biết được tàu nào đang hoạt động ở đâu để sẵn sàng thông báo kịp thời cho thuyền trưởng để điều khiển tàu tránh bão, bảo đảm an toàn cho con người và tàu trong quá trình đánh bắt.
 
Tại cảng cá sông Gianh và âu thuyền cảng cá cửa Gianh (Bố Trạch) thường xuyên có trên 100 chiếc thuyền cập bến và xuất bến ra khơi đánh bắt xa bờ. Theo ông Nguyễn Trung Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá Quảng Bình phụ trách cảng cá sông Gianh, thì đa số các tàu xuất bến đều chọn vùng biển xa để khai thác thủy, hải sản.
 
Ban quản lý luôn tạo điều kiện tốt để tàu ngư dân cập và xuất cảng cũng như tránh trú khi biển động. Cùng với đó, cảng tạo điều kiện các chuỗi dịch vụ hoạt động thuận tiện, như: cung cấp nhiên liệu, đá và các thực phẩm thiết yếu khác...
 
Theo kinh nghiệm quản lý, nếu áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào việc khai thác thủy sản không những ngư dân sẽ được hưởng lợi thiết thực mà còn tăng năng suất, sản lượng thủy sản, góp phần phát triển kinh tế-xã hội mang tính lâu dài và bảo đảm bền vững.
 
Như tính toán của các nhà chuyên môn, sản lượng khai thác hải sản của Quảng Bình năm 2017 là 59 nghìn tấn, xấp xỉ mức tối đa cho phép khai thác 72 nghìn tấn. Do đó, việc tăng sản lượng khai thác hải sản lên 68 nghìn tấn/năm vào những năm 2020 là khả thi. Việc định hướng đến 2030 với tốc độ tăng trưởng bình quân 3-5%/năm sẽ phụ thuộc vào khả năng đầu tư tàu cá xa bờ, tìm kiếm ngư trường mới và việc áp dụng các tiến bộ KHKT và công nghệ vào hoạt động khai thác.
 
H.Tr