icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Những câu hỏi chưa được giải đáp xung quanh vắcxin COVID-19

  • 08:10 | Thứ Hai, 30/11/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến giữa tháng 11, có 48 "ứng cử viên" vắcxin đang trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở người nhưng chỉ có 11 vắcxin trong giai đoạn ba.
Nghiên cứu viên thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 do Đại học Oxford phát triển tại bệnh viện Churchill ở Oxford, Anh. (Ảnh: PA/TTXVN)
Nghiên cứu viên thử nghiệm vắcxin phòng COVID-19 do Đại học Oxford phát triển tại bệnh viện Churchill ở Oxford, Anh. (Ảnh: PA/TTXVN)
Từ đầu tháng 11 vừa qua, liên tiếp xuất hiện những thông tin thử nghiệm vắcxin phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 cho kết quả khả quan, với mức độ hiệu quả có thể lên đến hơn 90%.
 
Nhờ những nỗ lực không ngừng của giới khoa học, triển vọng tìm ra vắcxin đã ngày càng sáng rõ, hứa hẹn có một loại vắcxin được phát triển và đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dấu hỏi xung quanh những vắcxin này chưa được làm rõ.
 
Hiệu quả chưa được kiểm chứng
 
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến giữa tháng 11, có 48 "ứng cử viên" vắcxin đang trong các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng ở người nhưng chỉ có 11 vắcxin trong giai đoạn ba.
 
Bên cạnh bốn loại đã công bố kết quả sơ bộ, còn có các vắcxin của Trung Quốc do các đơn vị nhà nước như Sinovac, Sinopharm và CanSino phát triển. Còn 164 dự án vắcxin khác đang trong giai đoạn thử nghiệm tiền lâm sàng.
 
Loại vắcxin đầu tiên thông báo kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và cũng là giai đoạn cuối, cho hiệu quả phòng bệnh lên tới hơn 90% là vắcxin do hãng dược Pfizer (Mỹ) và công ty khởi nghiệp công nghệ BioNTech (Đức) phối hợp phát triển.
 
Tiếp theo đó là sản phẩm của Moderna, rồi đến sản phẩm do AstraZeneca, liên doanh Anh-Thụy Điển, và đại học Oxford phối hợp phát triển và vắcxin của Viện nghiên cứu Gamaleya của Nga.
 
Tuy nhiên, xét trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khôn lường, gây tổn thất không nhỏ về người và tiếp tục nhấn chìm các báo cáo kinh doanh trên toàn cầu, khiến nhu cầu vắcxin càng trở nên cấp bách với số lượng lớn thì việc các hãng đưa ra các thông tin trên tới nay mới chỉ là những thông báo đơn phương, chưa được kiểm chứng bởi bên thứ ba. Quá trình kiểm chứng có thể kéo dài tới vài tháng.
 
Hiện nay, tất cả các vắcxin công bố kết quả thử nghiệm khả quan đều đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, bước cuối cùng trong quy trình kiểm tra độ an toàn và hiệu quả của vắcxin, với sự tham gia của hàng nghìn tình nguyện viên ở những độ tuổi và sắc tộc khác nhau trên toàn thế giới.
 
Về cơ bản, mức độ hiệu quả của một loại vắcxin được xác định bằng cách so sánh số người mắc bệnh COVID-19 trong một nhóm các tình nguyện viên được sử dụng vắcxin với nhóm sử dụng giả dược.
 
Trên thực tế, các hãng đã căn cứ trên những ngưỡng dữ liệu không giống nhau để đưa ra kết quả cuối cùng. Cụ thể, Pfizer/BioNTech dựa trên nhóm 170 bệnh nhân, trong đó chỉ có 8 người thuộc nhóm dùng vắcxin, cho tỷ lệ hiệu quả là khoảng 95%.
 
Trong khi đó, Moderna dựa trên nhóm 95 bệnh nhân (kết quả 94,5%), AstraZeneca/Oxford dựa trên nhóm 131 bệnh nhân (kết quả trung bình là 70%) và Viện Gamaleya dựa trên nhóm 39 bệnh nhân (kết quả hơn 91%).
 
Yếu tố chi phí và dịch vụ đi kèm
 
Tỷ lệ thành công không phải là tiêu chí duy nhất. Chi phí và các dịch vụ kèm theo cũng là những yếu tố quan trọng.
 Tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Jerusalem. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Jerusalem. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hiện vắcxin của AstraZeneca được định giá thấp nhất, khoảng 3 USD, cùng với đó là những lợi thế trong vận chuyển và bảo quản. vắcxin của AstraZeneca chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường trong khi vắcxin của Moderna cần được giữ ở nhiệt độ -20 độ C và vắcxin của Pfizer là -70 độ C.
 
Thêm vào đó, câu hỏi lớn nhất hiện nay là hiệu quả bảo vệ của các loại vắcxin trên sẽ được duy trì trong bao lâu. Tất cả những kết quả sơ bộ kể trên đều thu được trong thời gian vài tuần sau khi tình nguyện viên được tiêm vắcxin.
 
Bên cạnh đó, việc xuất hiện những bệnh nhân đã khỏi bệnh lại tái nhiễm với một virus biến chủng cũng càng làm tăng thêm những nghi ngại về thời gian vắcxin phát huy hiệu quả bảo vệ.
 
Giới khoa học hiện nay cũng chưa thể chắc chắn liệu vắcxin chỉ đơn thuần là loại bỏ những triệu chứng hay cũng có thể ngăn chặn nguy cơ lây lan virus từ người này qua người khác.
 
Liệu virus có hiệu quả bảo vệ tương đương giữa các nhóm tuổi hay không cũng là một điều cần được làm sáng tỏ bởi COVID-19 là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm nếu bệnh nhân là người cao tuổi.
 
Không xác định được tỷ lệ người từ chối tiêm
 
Với dịch bệnh COVID-19, chưa biết vắcxin nào sẽ được đưa vào sử dụng đầu tiên nhưng tất cả đều phải đối diện với một câu hỏi mà ngay cả các nhà khoa học cũng không thể trả lời đó là liệu sẽ có bao nhiêu người từ chối tiêm vắcxin.
 
Kết quả khảo sát tại 15 quốc gia mới công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới hồi đầu tháng này cho thấy số người sẵn sàng tiêm vắcxin đã giảm kể từ tháng Tám từ mức 77% xuống 73%.
 
Kết quả thăm dò cho thấy chỉ có 54% người Pháp được hỏi cho biết họ sẽ đi tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. Con số này thấp hơn 10 điểm% so với người tham gia thăm dò tại Mỹ, 22 điểm % tại Canada và 33 điểm% tại Ấn Độ.
 
Số người cho ý kiến sẵn sàng đi tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 tại 15 nước trong hai cuộc thăm dò tháng 10 và tháng Tám cũng có sự chênh lệch, 77% vào tháng Tám và giảm còn 73% vào tháng 10.
 
Liên hợp quốc từng khẳng định với đại dịch COVID-19, thế giới chỉ an toàn khi tất cả an toàn. Như vậy, việc từ chối tiêm vắcxin cũng sẽ làm tổn hại tới triển vọng đẩy lùi dịch bệnh./.
 
Theo Lê Ánh (TTXVN/Vietnam+)