icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Triển vọng giống lúa nước hai trên vùng đất nhiễm mặn

  • 17:26 | Thứ Ba, 08/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, cánh đồng lúa của các xã hạ nguồn ven sông Gianh thường bị nhiễm mặn, nhiều diện tích lúa bị hư hại do nước biển xâm thực. Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học-Công nghệ, HTX sản xuất và chế biến nông sản sạch Quảng Hòa đã thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng mô hình trồng giống lúa nước hai (Oryza sativa L.) trên vùng đất nhiễm mặn tại thị xã Ba Đồn” nhằm đánh giá khả năng thích nghi của giống lúa nước hai với điều kiện đất đai, khí hậu địa phương.
 
Giống lúa nước hai là giống địa phương Quảng Bình với đặc điểm sinh trưởng tốt trên vùng đất nhiễm mặn, khả năng kháng sâu bệnh tốt, thời gian sinh trưởng từ 150-160 ngày. Nhằm bảo tồn và phát triển giống lúa bản địa, những năm qua, huyện Bố Trạch đã bước đầu xây dựng, sản xuất chuỗi sản phẩm gạo lúa nước hai (gạo lứt đỏ) để bán ra thị trường tại các xã: Hải Phú, Vạn Trạch, Hoàn Trạch. Chất lượng và hàm lượng dinh dưỡng của gạo nước hai cao hơn hẳn so với các loại gạo thông thường, đồng thời, loại gạo này có thể chế biến ra các sản phẩm phong phú, như: sữa gạo, bánh gạo...
 Với khả năng chịu mặn tốt, cây lúa nước hai thích hợp với chân đất bị nhiễm mặn tại các xã vùng nam thị xã Ba Đồn.
Với khả năng chịu mặn tốt, cây lúa nước hai thích hợp với chân đất bị nhiễm mặn tại các xã vùng nam thị xã Ba Đồn.
Mô hình được thử nghiệm trên diện tích 2ha tại xã Quảng Hòa, TX. Ba Đồn. Qua quá trình thử nghiệm cho thấy, giống lúa nước hai thuộc nhóm dài ngày với thời gian sinh trưởng là 160 ngày. Trong toàn bộ quá trình sinh trưởng, cây lúa có khả năng chịu mặn tốt nên thích hợp với các chân đất bị nhiễm mặn tại các xã vùng nam TX. Ba Đồn.
 
Không những vậy, giống lúa này còn có khả năng kháng sâu bệnh tốt, thích hợp cho canh tác lúa hữu cơ. Qua theo dõi, các đối tượng dịch hại, như: bệnh đạo ôn, khô vằn, sâu cuốn lá, sâu đục thân..., thường xuất hiện và gây hại với mức độ thấp, không ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa khi thu hoạch.
 
Đặc biệt, qua quá trình phân tích chất lượng của gạo, đây là loại gạo lứt đỏ có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao hơn so với các loại gạo mà người dân đang sản xuất tại địa phương, trong đó, hàm lượng vitamin B1 và B6 rất cao, đây là 2 loại vitamin đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng của các bệnh nhân tiểu đường.
 
Chị Bùi Thị Thục Anh, chủ nhiệm mô hình cho biết: "Quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa từ giai đoạn bén rễ hồi xanh đến làm đòng tương đối tốt. Năng suất lý thuyết của giống lúa nước hai đạt 59,7 tạ/ha. Nhưng do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết (mưa lớn, gió lốc) vào giai đoạn chín sữa và chín sáp nên phần lớn diện tích lúa bị đổ ngã, năng suất thực thu của mô hình chỉ đạt 18,5 tạ/ha. Nhưng bù lại, gạo nước hai có giá bán ra gấp 3,5 lần gạo thông thường và hiện nay rất được thị trường ưa chuộng với nguồn cung không đủ cầu.
 
Với đặc điểm kháng sâu bệnh của lúa nước hai nên trong quá trình canh tác bà con không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hệ sinh thái trong ruộng lúa được bảo tồn khá phong phú. Đây là giống lúa dài ngày, người dân nên bố trí gieo trồng sớm hơn lịch thời vụ 30-45 ngày thì sẽ thu hoạch cùng các giống khác trong vụ đông-xuân. Người dân có thể xây dựng mô hình lúa-cá ở các chân đất phù hợp để sản xuất lúa hữu cơ vừa nâng cao hiệu quả sản xuất lúa, vừa nâng cao chất lượng môi trường.
 
Sản xuất lúa theo phương pháp hữu cơ không phải là phương pháp mới mà là cách trở lại sản xuất theo kiểu truyền thống của người dân trước đây. Hiện nay, phương pháp này nhận được sự hỗ trợ của máy móc, các khâu sản xuất đã được cơ giới hóa nên nông dân không phải tốn nhiều công sức lao động.
 
Vì vậy, đây là một hướng sản xuất đúng vừa tạo ra sản phẩm sạch tốt cho sức khỏe, có giá trị cao, vừa bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sinh thái. Đặc biệt, sản xuất lúa nước hai theo phương pháp hữu cơ mở ra cho nông dân một triển vọng mới để nâng cao giá trị trong sản xuất lúa.
 
T. Hoa