icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hỗ trợ thanh niên làm chủ khoa học công nghệ

  • 08:09 | Thứ Bảy, 12/09/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Khoa học công nghệ (KHCN) luôn được xác định giữ vai trò then chốt, là một bộ phận nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của nước ta. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Tỉnh đoàn Quảng Bình đã và đang chú trọng vận động thanh niên đưa khoa học công nghệ ứng dụng vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
 
Định hướng cho thanh niên
 
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều giải pháp thực hiện phong trào “Xung kích lao động, sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ” theo hướng đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức mang lại giá trị hữu ích trong công việc và cuộc sống.
 
Xác định công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho thế hệ trẻ về vai trò, tầm quan trọng của tri thức KHCN, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã đẩy mạnh tuyên truyền thông qua trang cộng đồng “Tuổi trẻ Quảng Bình”, thiết lập chuyên mục “Khoa học công nghệ” thường xuyên cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng và tăng cường mô hình phổ biến kiến thức KHCN đến đoàn viên, thanh niên (ĐVTN).
 ĐVTN tham quan mô hình mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
ĐVTN tham quan mô hình mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Các chương trình, cuộc thi, hội thi, giải thưởng sáng tạo KHCN đã được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức góp phần khơi dậy đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển KHCN của tuổi trẻ. Từ cuộc vận động “Mỗi ĐVTN một ý tưởng sáng tạo”, cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn lần thứ I”, cuộc thi “Sáng tạo khởi nghiệp sinh viên” đến hội thi “Tin học trẻ”..., đã có hàng trăm sáng kiến, giải pháp cải tiến kỹ thuật có tính sáng tạo, thực tiễn được ghi nhận và đánh giá cao.
 
Điển hình như dự án “Đầu tư xây dựng mô hình phát triển cây sâm Bố Chính (Abelmoschus sagittifolius (Kurz), Merr) và một số cây dược liệu khác như: Cà gai leo, giảo cổ lam thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm cây dược liệu trên địa bàn thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình” do anh Lê Văn Thành làm chủ; dự án “GoDoctor” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Trần Hữu Lương; dự án “Sử dụng đồ handmade trong kinh doanh online cây tiểu cảnh để bàn” của nhóm tác giả Nguyễn Thị Thùy Nhung...
 
Để giúp thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa tiếp cận KHCN, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tổ chức tập huấn cho thanh niên về một số kỹ thuật trong phát triển chăn nuôi bò giống sinh sản, nuôi lươn không bùn, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt; một số sản phẩm thế mạnh của vùng, chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được đi tham quan thực tế các mô hình trên địa bàn tỉnh.
 
Từ hoạt động này đã góp phần nâng cao các kiến thức về KHCN, nắm bắt tiến bộ kỹ thuật mới, kỹ năng khởi nghiệp để phát triển kinh tế; trao đổi kinh nghiệm triển khai các mô hình phát triển kinh tế trong ĐVTN.
 
Việc triển khai đồng bộ các giải pháp của Đoàn cấp tỉnh đã khuyến khích, cổ vũ thanh niên xung kích, sáng tạo, “nở rộ” các mô hình, giải pháp ứng dụng KHCN vào sản xuất, kinh doanh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.200 sáng kiến, đề tài, ý tưởng, giải pháp của ĐVTN được ứng dụng trong giảng dạy, học tập, lao động, sản xuất làm lợi cho địa phương, đơn vị.
 
Tiêu biểu như sáng kiến “Tạo lá chắn chân vịt ghim dây dệt vào cửa tay” của Đoàn cơ sở xí nghiệp may Hà Quảng, giải pháp "Ngừng in chi tiết cước giấy cho khách hàng” của Trần Hồ Minh Châu, giải pháp kỹ thuật “Chương trình báo cáo sản xuất hàng ngày bằng ngôn ngữ lập trình VBA” của Dương Tuấn Anh...
 
Nhiều dự án, mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN đã được áp dụng vào thực tiễn sản xuất và mang lại hiệu quả thiết thực như: mô hình sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh; mô hình nuôi lợn bản bằng đệm lót sinh học tại xã Dân Hóa (Minh Hóa)...
 
Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ, chuyển giao KHCN
 
Với tinh thần xung kích, sáng tạo, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã tranh thủ các nguồn lực để hỗ trợ các đề tài, giải pháp công nghệ có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Tiêu biểu như mô hình “Thủ lĩnh xanh 4.0” Công ty TNHH Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam; mô hình khởi nghiệp trồng và nhân giống hoa phong lan phi điệp tím ở xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh; mô hình nuôi gà đồi sinh học bằng ấu trùng ruồi lính đen tại xã Quảng Thạch, huyện Quảng Trạch...
 
Năm 2019, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên tỉnh xây dựng và triển khai dự án “Mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
 
Với diện tích tổng thể 1.000m2, trong đó, diện tích đất sử dụng để làm nhà màng 817m2 (1 nhà màng), diện tích đất để sử dụng làm khu chuẩn bị đất, ủ phân bón, xử lý giá thể là 183m2, trung tâm đã tiến hành lựa chọn sản phẩm chính để sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật là dưa lưới, dưa lê vàng, dưa leo và mướp đắng.
 
Mô hình đã ứng dụng KHCN cao trong sản xuất nông nghiệp như: trồng cây trong điều kiện nhà màng, trồng trong túi bầu phối trộn giá thể hữu cơ vi sinh và thực hiện biện pháp tưới, bón dinh dưỡng thông qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Isareal, hệ thống lưới cắt nắng, quạt thông gió... và đặc biệt là hệ thống nhà cách ly, khử trùng sâu bệnh hại.
 
Sau 3 tháng triển khai thực hiện, mô hình đã cho thu hoạch được 1,5 tấn dưa lưới và dưa lê, 922kg dưa chuột và 188kg mướp đắng. Chất lượng sản phẩm nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được người tiêu dùng đón nhận, lượng sản phẩm không đủ cung cấp cho người tiêu dùng.
 
Nhận thấy tính ưu việt, sức lan tỏa của dự án, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn chỉ đạo trung tâm nhân rộng, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho những ĐVTN có nhu cầu và đam mê.
 
Đồng chí Nguyễn Văn Sáu-Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết thêm: “Mô hình được nhân rộng góp phần thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của thanh niên, tạo ra nhiều nông sản sạch cung cấp cho người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả kinh tế. Việc xây dựng, chuyển giao mô hình đã khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong cho thanh niên. Đây là cơ sở để khuyến khích lực lượng ĐVTN mạnh dạn tiếp nhận, ứng dụng chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống”.
 
Hỗ trợ thanh niên làm chủ KHCN, thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa thanh niên dám nghĩ dám làm; tăng cường hỗ trợ vốn, chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật cho ĐVTN...
 
Lệ Quyên