icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nghiên cứu phát triển các sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch

  • 07:51 | Thứ Tư, 08/07/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là địa phương có hệ thống tài nguyên du lịch hấp dẫn. Để khai thác tiềm năng, lợi thế, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” gắn với xây dựng sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch.
 
Những năm gần đây, lượng du khách đến Quảng Bình không ngừng tăng lên. Năm 2019, tổng lượt khách là 4.300.00 lượt, tăng 10,3% so với năm 2018, trong đó, khách quốc tế đạt 795.600 lượt, tăng 50% so với 2018. Để du khách quyết định lưu trú dài hơn, có thời gian đi khám phá, mua sắm, tỉnh ta cần đa dạng và phát triển sản phẩm hàng hóa mang bản sắc văn hóa địa phương.
 
Thực tế lâu nay, du khách đến Quảng Bình thường gặp khó khăn trong việc lựa chọn cho mình những sản phẩm mang tính bản sắc và truyền thống của từng địa phương. Thị trường quà tặng, vật lưu niệm vẫn còn đơn điệu và chưa tạo được dấu ấn cho du khách, mặc dù trên địa bàn tỉnh có khá nhiều làng nghề truyền thống.
Mật ong Tuyên Hóa là một trong những sản phẩm được khách du lịch ưa chuộng tại Quảng Bình.
Mật ong Tuyên Hóa là một trong những sản phẩm được khách du lịch ưa chuộng tại Quảng Bình.
Hiện, toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm nhưng chỉ có 23 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 16 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Những sản phẩm này khá phong phú về chủng loại, trong đó một số sản phẩm đã bước đầu xây dựng được thương hiệu như: mật ong Tuyên Hóa, khoai deo Hải Ninh, gạo Lệ Thủy, dầu lạc Phong Nha, tiêu Phú Quý, nước khoáng Bang...
 
Tuy số lượng phong phú, đa dạng nhưng sản phẩm đạt tiêu chuẩn phục vụ du lịch còn thấp, mức điểm đạt theo các tiêu chí chưa cao, chưa có sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao. Sản phẩm chủ yếu dưới dạng thô, chưa đầu tư gia tăng giá trị sản phẩm, chưa đầu tư nhiều về nhãn mác, quy cách đóng gói nên gặp nhiều khó khăn trong công tác bảo quản, xúc tiến bán hàng và tiêu thụ.
 
Đặc biệt, công nghệ, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất hàng hóa còn thô sơ, đơn giản, quy trình sản xuất thủ công nên sản phẩm chưa bảo đảm chất lượng, khả năng thâm nhập những thị trường khó tính thấp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút và phát triển lĩnh vực kinh tế du lịch.
 
Trước thực trạng đó, Sở Du lịch Quảng Bình đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển các sản phẩm hàng hóa giá trị cao phục vụ du lịch tại tỉnh Quảng Bình”. Sau khi nghiệm thu, đề tài đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao, đang xem xét để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
 
Thực hiện nhiệm vụ, đề tài đã phân tích, đánh giá các đặc trưng về văn hóa tự nhiên, sinh cảnh, kinh tế-xã hội của tỉnh Quảng Bình trong việc phát triển sản phẩm hàng hóa đặc trưng phục vụ du lịch. Ngoài ra, đề tài đã phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp phát triển sản phẩm hàng hóa đặc trưng phục vụ du lịch của tỉnh.
 
Tiến sỹ Nguyễn Thị Minh Phượng, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Qua khảo sát và nghiên cứu, các sản phẩm đang được du khách ưa chuộng mà tỉnh ta có tiềm năng phát triển bao gồm: Các sản phẩm thời trang thêu ren như áo dài, túi, khăn các loại; sản phẩm mây tre đan bao gồm cả sản phẩm trưng bày và sản phẩm dân dụng; sản phẩm ẩm thực của địa phương nhưng phải bảo đảm an toàn thực phẩm, thời gian sản xuất, hạn sử dụng rõ ràng và phải có xuất xứ sản phẩm; các loại tranh thêu...
 
Ngoài các sản phẩm mang dấu ấn của địa phương, các khu du lịch cũng có thể đa dạng hóa các sản phẩm khác mang dấu ấn của Việt Nam phục vụ du khách quốc tế như: nón lá, áo cờ đỏ sao vàng...
 
Nhằm phát triển các sản phẩm hàng hóa phục vụ du lịch trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra các giải pháp. Đó là tập trung kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị du lịch chung của toàn tỉnh, khuyến khích doanh nghiệp kinh doanh sâu từng sản phẩm để góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành nói riêng và kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung; tăng cường tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đặc trưng phục vụ du lịch; nâng cấp, mở rộng chuỗi sản phẩm chủ lực cấp tỉnh.
 
Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương cần hỗ trợ và khuyến khích ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chế biến, đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và quản lý chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh ta cần phát triển du lịch làng nghề và hình thành các địa điểm mua sắm, giải trí tại làng nghề truyền thống phục vụ du lịch…
 
T. Hoa