icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Kỳ vọng từ giống cam chanh Vũ Quang

  • 14:52 | Thứ Tư, 10/06/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, thời gian qua, trang trại ông Trần Văn Hiến, thôn Thạch Bàn, xã Phú Thủy (Lệ Thủy) đã thực hiện mô hình “Trồng thử nghiệm giống cam chanh Vũ Quang trên vùng gò đồi huyện Lệ Thủy” với kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá mới, phát triển giống cây trồng mang lại tiềm năng kinh tế cho địa phương.
 
Trong những năm qua, các địa phương trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã chú trọng đầu tư phát triển cây ăn quả hàng hóa như: cam, bưởi, xoài, vải... Riêng về cây cam, trên địa bàn huyện các giống cam như cam mật, cam phiên là các giống cam bản địa hiện vẫn còn trồng ở một số xã như Mai Thủy, Trường Thủy... Tuy nhiên, giống cam này đã có biểu hiện thoái hóa, nhiễm sâu bệnh nặng, sinh trưởng, phát triển kém, ra hoa đậu quả không ổn định, năng suất thấp.
 
Nhằm tuyển chọn giống cam mới cho năng suất, chất lượng cao, đồng thời đa dạng hóa các loại nông sản tại địa phương, trang trại ông Trần Văn Hiến đã được trồng thử nghiệm giống cam chanh Vũ Quang trên vùng gò đồi. Giống cam này hiện được trồng nhiều ở tỉnh Hà Tĩnh, tập trung nhiều nhất ở huyện Vũ Quang với diện tích trên 3.000ha và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
 
Cam chanh Vũ Quang với nhiều ưu điểm nổi trội là khả năng thích nghi rộng, sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất, chất lượng cao, quả thơm ngon, vị ngọt đậm, quả chín có màu xanh vàng, bề mặt vỏ tròn nhẵn, là sản phẩm được thị trường ưa chuộng hiện nay.
  Cây cam chanh Vũ Quang sinh tưởng, phát triển tốt, thích nghi với lập địa và điều kiện khí hậu xã Phú Thủy.
Cây cam chanh Vũ Quang sinh tưởng, phát triển tốt, thích nghi với lập địa và điều kiện khí hậu xã Phú Thủy.
Với diện tích thử nghiệm là 1ha, mô hình nhằm nghiên cứu khả năng sinh trưởng, khả năng chống chịu thời tiết và hiệu quả kinh tế của giống cam chanh Vũ Quang trên địa bàn huyện Lệ Thủy để có cơ sở khoa học khuyến cáo người nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích.
 
Qua gần hai năm nghiên cứu trồng thử nghiệm, giống cam chanh Vũ Quang tương đối thích nghi với vùng đất gò đồi huyện Lệ Thủy. Thể hiện cây có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, khả năng chống chịu với thời tiết ở Quảng Bình. Các loại sâu, bệnh gây hại trên cây cam khá thường xuyên nhưng mức độ không quá cao nên vẫn kiểm soát được.
 
Ông Nguyễn Văn Vương, chủ nhiệm mô hình cho biết: Vào năm thứ 2, một số cây cam đã cho quả bói, do đó chưa có cơ sở để đánh giá năng suất, chất lượng cuối cùng được. Tuy nhiên, nhà vườn đã giữ lại một số quả bói để kiểm nghiệm độ ngon, ngọt của quả để so sánh. Qua thử nghiệm bằng cảm quan thì cam trồng tại Phú Thủy có chất lượng tương đương với cam trồng tại Vũ Quang. Mặc dù chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế nhưng qua giai đoạn ban đầu có thể thấy cây trồng sinh tưởng, phát triển tốt, thích nghi với lập địa và điều kiện khí hậu địa phương, khả năng vườn cam sẽ đạt kết quả như kỳ vọng.
 
Mô hình thành công sẽ tạo tiền đề cho việc mở rộng diện tích, hình thành nên các vùng trồng cam thâm canh mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đa dạng hóa cây trồng, thúc đẩy phát triển kinh tế tại các xã vùng gò đồi trên địa bàn huyện Lệ Thủy; từng bước xây dựng thương hiệu, đăng ký nhãn hiệu cam chanh Phú Thủy nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người nông dân.
 
Tuy nhiên, cũng cần xem xét lại quy trình thử nghiệm đối với cây ăn quả dài ngày. Để khảo nghiệm cho kết quả cuối cùng, thời gian thử nghiệm cần kéo dài đến khi cây cho quả ổn định, đồng thời theo dõi các yếu tố liên quan như sâu bệnh và cách phòng trừ, khảo nghiệm giống và xuất xứ, quy trình chăm sóc… để xây dựng quy trình hoàn chỉnh làm cơ sở đánh giá kết quả toàn diện và sử dụng làm tài liệu khuyến cáo nhân rộng mô hình sau khi tổng kết đánh giá.
 
T. Hoa