icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Ứng dụng khoa học-công nghệ nâng cao sản phẩm OCOP

  • 08:34 | Thứ Tư, 13/05/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP) mở ra cơ hội phát triển cho các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tại các địa phương trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản phẩm, các địa phương cần phải ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) vào sản xuất, chế biến, trong đó cần chú trọng đến nhãn hiệu, mẫu mã sản phẩm…
 
Nâng cao giá trị sản phẩm nhờ ứng dụng KH-CN
 
Tại tỉnh ta, qua hơn 1 năm triển khai, chương trình OCOP đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu, các sản phẩm tham gia chương trình không ngừng được hoàn thiện nâng cấp và có nhiều chuyển biến rõ rệt về chất lượng cũng như mẫu mã. Đến nay, có 28 sản phẩm được tham gia đánh giá phân hạng, trong đó, 24 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đặc biệt, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đã chủ động ứng dụng KH-CN để nâng cao năng suất, chất lượng, hoàn thiện mẫu mã và đẩy mạnh xúc tiến thương mại đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
 
Là sản phẩm thế mạnh của huyện Lệ Thủy, gạo sạch của Hợp tác xã (HTX) kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Mỹ Lộc Thượng (xã An Thủy) ngày càng khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Ông Võ Đại Thắng, Giám đốc HTX cho biết: Trước đây, HTX chỉ thu mua lúa cho bà con rồi xuất bán thô, năm 2015, HTX đã đầu tư trang thiết bị xay xát để xuất bán gạo ra thị trường. Tuy nhiên, gạo xuất bán ra thị trường cũng thấp do mẫu mã không bắt mắt, hạt gạo không được bóng đẹp, bao bì cho sản phẩm cũng chỉ may thủ công…
 
Năm 2017, HTX đã đầu tư thêm máy chà bóng, máy đóng gói. Đến nay, quá trình xay xát cho đến gạo thành phẩm đã thực hiện liên hoàn. Sản phẩm gạo thành phẩm được đóng gói bắt mắt, in đầy đủ tem, thời gian, nơi sản xuất và hạn sử dụng… nên được nhiều người tin dùng. Hiện sản phẩm được cung cấp cho các điểm trường mầm non, tiểu học trên địa bàn và bày bán trên các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên toàn tỉnh.
Nhờ sử dụng máy hạ thủy phần đã giúp cho mật ong Tuyên Hóa đặc và thơm ngon hơn, bảo quản được lâu hơn và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Nhờ sử dụng máy hạ thủy phần đã giúp cho mật ong Tuyên Hóa đặc và thơm ngon hơn, bảo quản được lâu hơn và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bên cạnh đầu tư thiết bị kỹ thuật hiện đại, hiện HTX còn ứng dụng KH-CN để thử nghiệm các giống lúa mới năng suất và chất lượng cao như giống Hương Việt 3, Hà Phát 3 nhằm thay thế khi giống P6 thoái hóa, năng suất thấp. Với việc tiếp cận KH-CN vào sản xuất, sản phẩm “gạo sạch Lệ Thủy” đã được xếp hạng 3 sao sản phẩm OCOP năm 2019. Đó cũng là bàn đạp để thương hiệu “gạo sạch Lệ Thủy” có bước phát triển mới mạnh mẽ, bền vững hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và khẳng định được giá trị nông sản chủ lực của người dân nơi đây.
 
Sản phẩm mật ong Tuyên Hóa cũng tương tự, đây là sản phẩm đặc trưng của huyện. Nếu như trước đây, bà con nuôi ong trên địa bàn thụ động chờ người đến thu mua sản phẩm, có khi phải đợi đến cả năm vẫn không bán hết sản phẩm thì nay, những hạn chế này đã hoàn toàn được tháo gỡ nhờ tham gia chuỗi giá trị liên kết và áp dụng KH-CN. Năm 2014, Công ty TNHH Sinh thái miền Tây Quảng Bình đã liên kết với bà con nuôi ong 2 huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa để hỗ trợ kỹ thuật, kiểm soát chất lượng và bao tiêu sản phẩm. Khi tham gia, các hộ nuôi ong cam kết trong quá trình nuôi không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không pha chế thêm bất kỳ phụ gia thực phẩm nào, mật ong phải có màu sắc và mùi thơm đặc trưng…
 
Đặc biệt, công ty đã đầu tư các thiết bị kỹ thuật hiện đại, từ khâu nuôi, thu hoạch đến việc đưa ra thành phẩm đều có sự giám sát chặt chẽ. Nhờ sử dụng máy hạ thủy phần, giảm hàm lượng nước trong mật từ 24% xuống còn 20% đã giúp mật ong đặc và thơm ngon hơn, bảo quản được lâu hơn và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Đến nay, mật ong Tuyên Hóa đã trở thành sản phẩm OCOP chủ lực của huyện và tỉnh, có mặt tại nhiều siêu thị lớn trong cả nước.
 
Còn nhiều sản phẩm thô... tham gia OCOP
 
Với việc ứng dụng nhiều công nghệ mới vào sản xuất và chế biến, nhiều sản phẩm có thế mạnh trên địa bàn tỉnh ta đã nhanh chóng tháo gỡ được những khó khăn về công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, từ đó góp phần hình thành và phát triển nhiều sản phẩm OCOP với uy tín, chất lượng vượt trội.
 
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm tham gia chương trình OCCOP còn đơn điệu, chủ yếu là sản phẩm thô chưa qua chế biến, mẫu mã chưa đẹp, số lượng sản phẩm được đăng ký nhãn hiệu, công bố vệ sinh an toàn thực phẩm còn ít… Phần lớn các sản phẩm này thuộc các xã miền núi, rẻo cao, thiếu nguồn vốn để đầu tư ứng dụng KH-CN.
 
Hiện nay, huyện Tuyên Hóa có 3 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: mật ong Tuyên Hóa của Công ty TNHH Sinh thái miền Tây Quảng Bình, mật ong Thanh Hóa của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp 19-5, đồ thủ công mỹ nghệ trang trí của HTX mây tre đan Vân Sơn.
 
Tuy nhiên, dự kiến từ năm 2020 trở đi, việc thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn huyện sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo ông Đinh Xuân Thương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tuyên Hóa, lý do là trên địa bàn huyện còn rất ít đơn vị, doanh nghiệp, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; nhiều sản phẩm được sản xuất thủ công, chưa có bao bì, nhãn mác riêng, chỉ dẫn địa lý, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa công bố chất lượng… Đặc biệt, một số địa phương sản phẩm sản xuất ra nhưng thiếu vốn để đầu tư thiết bị KH-CN, tăng năng suất và cải thiện chất lượng.
 
Ðơn cử như sản phẩm lạc Cao Quảng, đây cũng là sản phẩm được địa phương lựa chọn thực hiện chương trình OCOP. Tuy nhiên thực tế cho thấy, để xây dựng sản phẩm lạc Cao Quảng đạt chuẩn OCOP gặp rất nhiều khó khăn bởi nguồn nguyên liệu và công nghệ sản xuất vẫn chưa ổn định, toàn xã có gần 300ha đất trồng lạc nhưng người dân chỉ mới duy trì được 100ha; sản phẩm trên ý tưởng vẫn là sản phẩm thô chưa qua tuyển chọn chế biến nên kích cỡ hạt không đồng đều, vẫn trộn lẫn các hạt của các giống lạc khác nhau…Hoặc như sản phẩm cà gai leo của xã Văn Hóa. Sản phẩm bán ra chỉ là sản phẩm phơi khô, chưa được đầu tư KH-CN để chế biến ra các sản phẩm như cao cà gai leo, trà túi lọc…thuận tiện cho người tiêu dùng để sử dụng.
 
Ở Lệ Thủy cũng có những trường hợp tương tự. Mặc dù có 37 ý tưởng đăng ký sản phẩm OCOP năm 2019, nhưng mới chỉ có 2 sản phẩm là gạo sạch Lệ Thủy (An Thủy) và khoai deo Lâm Hường (Thanh Thủy) đạt sản phẩm OCOP 3 sao.Còn các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP như: mướp đắng sạch Hưng Thủy, gà đồi Trường Thủy, nén Hoa Thủy…đều là sản phẩm thô, chưa có nhãn hiệu, bao bì, đóng gói, thiếu máy móc, thiết bị để sơ chế sản phẩm…Trong khi đó, để đạt các tiêu chí của sản phẩm OCOP thì cần ứng dụng KH-CN để nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì đóng gói bắt mắt và hỗ trợ bảo quản để mở rộng thị trường.
 
Để đạt được mục tiêu của chương trình OCOP, thời gian tới, không chỉ cần sự cố gắng của người nông dân mà còn rất cần sự chung tay của toàn xã hội, thực hiện tốt liên kết của 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước để tạo cú huých mạnh mẽ, giúp sản phẩm tiếp cận và đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, hướng tới cấp quốc gia, đưa sản phẩm Quảng Bình vươn xa thị trường rộng lớn bên ngoài.
 
Thanh Hoa