icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Ứng dụng KH-CN trong chuyển đổi cây trồng vùng gò đồi:

Nâng tầm giá trị nông sản

  • 08:00 | Thứ Bảy, 28/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH-CN) trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang mang lại những "tín hiệu vui" bước đầu. Trong đó, các mô hình, dự án do Sở KH-CN quản lý đã giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức, từ đó, xác định KH-CN chính là yếu tố quan trọng nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích.
 
Kỳ vọng các dự án, mô hình
 
Với đặc thù địa lý, Quảng Bình có diện tích gò đồi khá lớn và cây cao su vẫn là cây trồng chủ lực trên vùng gò đồi. Bên cạnh đó, các loại cây lâm nghiệp, như: thông, keo, tràm, cũng là cây trồng đem lại thu nhập ổn định. Tuy nhiên, thời gian gần đây, do biến đổi khí hậu, các cơn bão đổ bộ vào Quảng Bình với tần suất dày và mạnh hơn nên làm gãy đổ cây trên nhiều diện tích. Hơn nữa, giá cao su trên thị trường giảm mạnh nên hiệu quả kinh tế cũng theo đó giảm đi. Nhằm chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi, tăng thu nhập cho người dân, nhiều dự án, mô hình KH-CN đã được thực hiện và thành công nhất định.
 
Mai Thủy là xã thuộc vùng gò đồi huyện Lệ Thủy với cây trồng chủ lực là keo, tràm trên diện tích 600ha. Nhưng keo tràm cho hiệu quả kinh tế thấp, thời gian thu hồi vốn chậm nên nhiều người dân nơi đây đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu, trong đó có cây nghệ vàng với diện tích 15ha. Tuy nhiên, cây nghệ vàng củ nhỏ, trồng bằng phương pháp quảng canh, chưa theo quy trình kỹ thuật nên năng suất thấp. Với mong muốn đa dạng hóa cây trồng vùng gò đồi, đưa giống nghệ năng suất và chất lượng cao vào sản xuất, Hợp tác xã (HTX) sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Mai, xã Mai Thủy đã thực hiện mô hình “Trồng và chế biến tinh bột nghệ”. 
Trồng nghệ đỏ mang lại lợi ích kinh tế cao gấp 10 lần so với trồng keo tràm.
Trồng nghệ đỏ mang lại lợi ích kinh tế cao gấp 10 lần so với trồng keo tràm.
Mô hình đã trồng thử nghiệm thành công giống cây nghệ đỏ, đây là giống nghệ cho năng suất và sản phẩm tinh bột nghệ có hàm lượng Curcumin cao hơn giống nghệ vàng. Trên 1ha đất gò đồi, nếu trồng nghệ đỏ, người dân có thể thu về 122 triệu tiền lãi, tương đương 6 triệu đồng/sào, cao gấp 10 lần trồng keo tràm. Đặc biệt, sản phẩm tinh bột nghệ đỏ đã đáp ứng được nhu cầu của người dùng về chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. HTX đã xây dựng nhà xưởng, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để chế biến tinh bột nghệ, nên người dân trồng nghệ tại địa phương không lo đầu ra sản phẩm.
 
Mô hình “Trồng thử nghiệm cây măng tây xanh trên vùng gò đồi huyện Quảng Ninh” do HTX sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp Vạn Phúc chủ trì thực hiện cũng mang lại những thành công nhất định. Mô hình nhằm nghiên cứu, đánh giá các đặc điểm sinh trưởng, tính thích nghi, xây dựng mô hình trồng cây măng tây xanh, từ đó hoàn thiện quy trình kỹ thuật trồng cây măng tây xanh trên vùng gò đồi phù hợp với điều kiện địa phương.
 
Anh Trần Văn Trung, Chủ nhiệm mô hình cho biết, ưu điểm của cây măng tây xanh là một lần trồng có thể cho thu hoạch trên 10 năm và thời gian càng lâu thì năng suất càng tăng. Hiện mô hình có 4 hộ nông dân ở xã Vạn Ninh (Quảng Ninh) trồng thử nghiệm, cây sinh trưởng và phát triển tốt, hiện có hộ đã thu hoạch. Đây là đối tượng cây trồng mới, nếu hiệu quả kinh tế cao, sẽ mở lớp tập huấn, khuyến khích người dân đưa vào sản xuất, thay thế một số loài cây trồng kém hiệu quả, năng suất thấp ở vùng gò đồi huyện Quảng Ninh.
  
Khó khăn và những giải pháp
 
Các mô hình KH-CN trên vùng gò đồi đã bám sát nhu cầu thực tiễn, giải quyết những vấn đề bức thiết về phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình vẫn còn nhiều khó khăn bởi người dân chưa mạnh dạn ứng dụng tiến bộ KH-CN để chuyển đổi cơ cấu cây trồng thay thế lối canh tác truyền thống vốn độc canh cây cao su, hồ tiêu, trồng rừng nguyên liệu (keo, tràm). Bên cạnh đó, do vốn đầu tư cao, thị trường tiêu thụ chưa ổn định nên khó phát triển thành vùng nguyên liệu lớn...
 
Để các mô hình ngày càng lan rộng, đi vào thực tiễn đời sống sau khi các dự án, mô hình đã thử nghiệm thành công, cần thiết phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, cả về kỹ thuật cũng như tổ chức quản lý và vận động tuyên truyền. Ngành nông nghiệp địa phương cần mở lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân, tổ chức các điểm tham quan học tập trao đổi với các địa phương có mô hình sản xuất hiệu quả. Ngoài ra, cần tư vấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông nghiệp cho người dân địa phương, đặc biệt là những tiến bộ mới trong canh tác vùng gò đồi.
 
Cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách linh hoạt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất với người dân vùng gò đồi; xây dựng và vận hành các mô hình tổ chức phù hợp của nông dân, như: HTX kiểu mẫu, tổ hợp tác… Cùng với đó, cần tăng cường đầu tư cho nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất; thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị, như: cam, bưởi, chuối, dứa…, để người nông dân tăng cường tính chủ động và thích nghi với cơ chế thị trường trên cơ sở chính sách của nhà nước cho sản xuất nông nghiệp nói chung và vùng gò đồi nói riêng… Về kỹ thuật, ngoài việc nghiên cứu khảo nghiệm và chuyển giao giống, cần xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác phù hợp điều kiện vùng gò đồi; thực hiện các giải pháp phòng, chống sâu bệnh hại, chế biến tại chỗ, thị trường...
 
Ông Nguyễn Chí Thắng, Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, để việc ứng dụng tiến bộ KH-CN trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng vùng gò đồi ngày càng đi vào thực tiễn sản xuất, được nhân rộng và phát huy hiệu quả, thời gian tới, Sở KH-CN sẽ tiếp tục triển khai nhiều hơn nữa các mô hình, dự án ứng dụng tiến bộ KH-CN, trong đó, chú trọng phát triển các loại cây dược liệu thành vùng nguyên liệu cung cấp cho sản xuất công nghiệp, như: sả, cà gai leo, sâm Bố Chính...; rừng gỗ lớn kết hợp trồng xen canh cây ngắn ngày dưới tán rừng; cây ăn quả có múi thay thế vườn cây tạp; xây dựng các mô hình kết hợp, như: trồng trọt, chăn nuôi kết hợp du lịch sinh thái... Đặc biệt, cần thúc đẩy sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chất lượng cao và giá trị gia tăng cao; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng phát triển chuỗi giá trị với vai trò trung tâm là doanh nghiệp.
Thanh Hoa