icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Nghiên cứu thử nghiệm các giống cây ăn quả tiềm năng

  • 10:54 | Thứ Năm, 12/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ tháng 1-2017 đến tháng 12-2019, Trung tâm Ứng dụng-Thống kê khoa học và công nghệ (KH-CN), Sở KH-CN đã triển khai đề tài xây dựng vườn cây thực nghiệm để trồng 15 giống cây ăn quả nhằm theo dõi chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển. Mục tiêu của thử nghiệm này là tuyển chọn giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, có khả năng phát triển và phù hợp với khí hậu, thời tiết của Quảng Bình để khuyến cáo người dân đưa vào sản xuất.
 
Những năm qua, Quảng Bình đã chú trọng đầu tư phát triển cây ăn quả hàng hóa, nhất là việc cải tạo vườn tạp để thay thế bằng nhiều giống cây trồng nhập nội mới, đa dạng và phong phú. Tuy nhiên, khả năng thích nghi với điều kiện khí hậu, đất đai địa phương của các giống cây ăn quả mới này chưa cao nên năng suất và chất lượng vẫn không ổn định. Mặt khác, các giống cây nhập nội và cây bản địa vẫn được trồng tự do, nhỏ lẻ, cây sinh trưởng kém, sâu bệnh hại nhiều, chất lượng và giá trị kinh tế còn thấp, trong khi đó, nhiều giống cây bản địa có quả thơm ngon, thích hợp với khí hậu đất đai lại đang dần bị mai một.
Ổi Đài Loan là giống cây sinh trưởng tốt, bà con có thể trồng để thay thế vườn tạp hiện nay.
Ổi Đài Loan là giống cây sinh trưởng tốt, bà con có thể trồng để thay thế vườn tạp hiện nay.

Xuất phát từ những vấn đề trên và thực tế sản xuất tại địa phương, để làm tốt công tác nghiên cứu, thu thập, chọn lọc, lưu giữ những giống cây ăn quả quý hiếm, nhất là những giống cây phù hợp, có giá trị kinh tế cao, hướng tới xây dựng sản phẩm chủ lực của địa phương, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH-CN đã thực hiện đề tài “Xây dựng vườn cây thực nghiệm tại Trại thực nghiệm xã Vĩnh Ninh thuộc Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH-CN”.

Xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh) là địa phương được trồng thử nghiệm các giống cây ăn quả bởi nơi đây được đánh giá có khí hậu tương tự với khí hậu chung của tỉnh. Đề tài đã được hoàn thành, bước đầu có thể khuyến cáo cho người dân nên chọn loại cây ăn quả gì cho phù hợp.

Các loại giống cây được đưa vào trồng thử nghiệm, gồm: cam mật (bản địa), cam Valencia V2, bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi hồng Quang Tiến (Nghệ An), bưởi Diễn, quýt đường Phủ Quỳ; xoài, ổi (Đài Loan); mít, xoài, na (Thái Lan); nhãn lồng Hưng Yên, chanh hạnh, hồng ngâm, bơ sáp... Mỗi giống được trồng thử nghiệm với số lượng 7 cây/giống trên vườn có diện tích 2.500m2. Mật độ trồng được bố trí phù hợp với từng loại cây và diện tích vườn. Đặc biệt, vườn được lắp hệ thống tưới nhỏ giọt được thiết kế và tính toán lượng nước tưới đúng theo nhu cầu của cây nhằm tiết kiệm công sức và nước tưới.
 
Qua 32 tháng trồng thử nghiệm và theo dõi tại vườn, các giống cây có khả năng thích ứng tốt bao gồm: ổi Đài Loan, mít Thái Lan, cam mật, cam Valencia V2, quýt đường, chanh hạnh. Sau trồng thử nghiệm, cây đã cho quả, tương đối phù hợp với thời tiết, khí hậu tỉnh ta, người dân nên đưa vào sản xuất để làm đa dạng hóa cây ăn quả. Giống na không hạt Thái Lan, giống xoài Thái Lan và xoài Đài Loan bắt đầu cho hoa, cho quả, nhưng nhóm nghiên cứu đã tỉa bỏ để cây tập trung phát triển thân lá, đường kính tán. Những giống này được đánh giá là có tiềm năng phát triển.
 
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, chủ nhiệm đề tài, trong 15 giống cây ăn quả thì giống hồng ngâm sinh trưởng chậm nhất, cây dễ mắc nhiều loại sâu bệnh hại, khả năng sinh trưởng về chiều cao cây, đường kính tán kém, bà con không nên trồng. Bên cạnh đó, giống bơ sáp cũng tương tự, ở lần trồng đầu tiên, sau 1 tháng thì 6 cây bị chết do bị nghẹt rễ khiến tỷ lệ sống của bơ chỉ đạt 14,29%.
 
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành trồng lại vào tháng 6-2017, mặc dù đã có cải tạo đất, chống ngập úng nhưng toàn bộ 6 cây trồng lại vẫn bị chết do ảnh hưởng của mưa bão. Tháng 1-2018, nhóm nghiên cứu tiến hành trồng tiếp 1 lần nữa nhưng sau khi trồng 5 tháng, vẫn có 1 cây chết. Do mới chỉ đánh giá thời gian trong khoảng 18 tháng nên để có kết luận chính xác cần tiếp tục theo dõi. Tuy nhiên, bước đầu nhận thấy, cây có khả năng sinh trưởng kém, tỷ lệ sống thấp, phát triển chậm.  
 
Các giống bưởi, gồm: bưởi Diễn, bưởi hồng Quang Tiến, bưởi Phúc Trạch, nhãn lồng Hưng Yên cũng vậy, mặc dù tỷ lệ sống cao nhưng vẫn trong giai đoạn phát triển thân lá, cây chưa cho hoa nên tiếp tục theo dõi.
 
Việc nghiên cứu, chọn tuyển giống cây ăn quả năng suất, chất lượng và phù hợp với điều kiện khí hậu tại địa phương là hướng đi đúng và cần thiết. Đây là cơ sở để khuyến cáo và chuyển giao cho bà con nông dân thay thế cây vườn tạp hiện nay, trồng đại trà theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời sử dụng quy trình đã được xây dựng cho chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và bảo quản tiêu thụ sản phẩm.  
 
Thanh Hoa