icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Cây sáng kiến" Vũ Hoài Nam

  • 12:26 | Thứ Bảy, 21/03/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng năm 2006, sau gần 15 năm công tác trong ngành Điện, anh đã có 12 đề tài sáng kiến giải pháp kỹ thuật, trong đó có 4 đề tài sáng kiến cấp Tổng Công ty được áp dụng, làm lợi hàng tỷ đồng và góp phần không nhỏ nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Đó là thành tích đáng nể của anh Vũ Hoài Nam, Phòng Điều độ, Công ty Điện lực (PC) Quảng Bình.
 
Vừa học, vừa làm việc
 
Ấn tượng đầu tiên khi gặp và nói chuyện với Vũ Hoài Nam là phong thái nhẹ nhàng nhưng tỏ rõ sự am tường về kiến thức chuyên sâu ngành điện. Nam kể: "Ngay sau khi được nhận vào làm việc tại Phân xưởng Rơ le-Tự động thuộc Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung năm 2006, tôi đã có ý định học lên cao học. Bởi vậy, dù công việc bận rộn, tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để vừa học vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đến tháng 12-2010, sau hơn 2 năm học tập tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, tôi đã có bằng Thạc sỹ chuyên ngành Hệ thống điện". Cũng trong thời gian này, Vũ Hoài Nam là một trong số ít học viên có 3 đề tài khoa học được đăng trên Tạp chí Khoa học-Công nghệ của trường.
 
Thời gian công tác tại Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung, anh tiếp tục triển khai 2 đề tài nghiên cứu gồm: sáng kiến “Giải pháp tự nghiên cứu và viết phần mềm Generator Capability Curve and Loss Of Excitation cho việc thử nghiệm đặc tính máy phát và bảo vệ kém kích thích cho nhà máy thủy điện” và sáng kiến “Giải pháp thử nghiệm đặc tính so lệch dọc đường dây Sel 311L bằng Modlue Testing Alpha Plane tự xây dựng”.
 
Đây đều là những sáng kiến khoa học có giá trị thực tiễn cao và ngay lập tức được áp dụng đối với các nhà máy thủy điện ở miền Trung, như: Sê San 4, An Khê-KaNak và trên lưới truyền tải, như: đường dây 220kV Nhà máy thủy điện Buôn Kốp-đường dây 500kV Đắc Nông, đường dây 220kV Thành Mỹ-Nhà máy thủy điện A Vương…, góp phần bảo đảm cung cấp điện ổn định phục vụ hoạt động sản xuất.
Vũ Hoài Nam (đeo kính) và các đồng nghiệp theo dõi Hệ thống kiểm soát và thu thập dữ liệu (SCADA).
Vũ Hoài Nam (đeo kính) và các đồng nghiệp theo dõi Hệ thống kiểm soát và thu thập dữ liệu (SCADA).
Trong suốt những năm làm việc tại Công ty TNHH MTV Thí nghiệm điện miền Trung, Vũ Hoài Nam luôn là kỹ sư được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm 2010, anh là một trong số ít cán bộ vinh dự được nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
 
Nói về niềm đam mê nghiên cứu khoa học, anh Nam chia sẻ: “Khi bắt tay vào làm công việc gì thì mình phải tìm hiểu kỹ, phân tích mọi tình huống có thể xảy ra và cố gắng thực hiện với giải pháp tốt nhất; đồng thời phải luôn tiếp xúc thực tế và học hỏi những người đi trước để được tư vấn, giúp đỡ; sau đó lên kế hoạch chi tiết về những ý tưởng và quyết tâm thực hiện cho bằng được”.
 
Nỗ lực cống hiến cho quê hương
 
Suốt những năm làm việc tại thành phố Đà Nẵng, dù môi trường công tác tốt nhưng Vũ Hoài Nam luôn thể hiện tâm ý muốn trở về công tác tại quê hương Quảng Bình. Và rồi, mong muốn đó của anh đã được lãnh đạo Công ty đồng ý. Tháng 9-2011, Nam chính thức thuộc biên chế của PC Quảng Bình với cương vị điều độ viên thuộc Phòng Điều độ.
 
Anh Nam chia sẻ: "Công việc của tôi là tham gia điều tra các sự cố lớn, phức tạp; đánh giá hệ thống bảo vệ rơ le để từ đó đưa ra những giải pháp kiến nghị kịp thời nhằm ngăn chặn tối đa sự cố của thiết bị điện. Bình quân mỗi năm, tôi nghiên cứu, tính toán, ban hành trên 100 phiếu chỉnh định rơ le bảo vệ và tự động cho lưới điện Quảng Bình để kịp thời đưa các công trình mới vào vận hành; đồng thời, đưa ra các phiếu phù hợp với từng phương thức vận hành khi có sự cố đột xuất, thiên tai ".
 
Năm 2012, Vũ Hoài Nam tiếp tục nghiên cứu và có thêm đề tài, sáng kiến “Phần mềm Overcurrent protection and Coordination Assistant (OP Coord) hỗ trợ cho việc phối hợp các thiết bị bảo vệ quá dòng trong lưới điện phân phối”. Sáng kiến này được ứng dụng trực tiếp cho việc tính toán bảo vệ rơle trên lưới điện phân phối hiệu quả và chính xác.
 
Anh chia sẻ: “Việc tính toán tối ưu lưới điện là vô cùng quan trọng trước khi vận hành hệ thống điện thực tế. Vì thế phải tính toán điểm mở tối ưu, tính toán điện áp vận hành, tính toán bù tối ưu, tính toán ngắn mạch…để bảo đảm hệ thống điện vận hành với thông số tối ưu nhất có thể khi bình thường cũng như lúc có sự cố”.
 
Nhờ có năng lực chuyên môn, nhiều năm kinh nghiệm công tác thí nghiệm tại các công trình điện, năm 2016, Vũ Hoài Nam đã được lãnh đạo PC Quảng Bình tin tưởng giao chủ trì việc xây dựng, phát triển hệ thống SCADA/DMS (Hệ thống kiểm soát và thu thập dữ liệu/hệ thống phần mềm tự động hỗ trợ việc quản lý, giám sát và điều khiển tối ưu lưới điện phân phối-PV) của PC Quảng Bình. Bằng nỗ lực, cố gắng không mệt mỏi, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
 
Hiện tại, Hệ thống SCADA/DMS của PC Quảng Bình đã kết nối 8/9 Trạm biến áp 110kV điều khiển xa (không người trực), kết nối điều khiển xa trên 200 thiết bị trung thế. Kết quả này đã góp phần không nhỏ nâng cao chỉ tiêu độ tin cậy, chất lượng điện năng, dịch vụ khách hàng của PC Quảng Bình.
 
Trong quá trình gần 15 năm công tác, Vũ Hoài Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện 12 đề tài sáng kiến khoa học. Thành tích xuất sắc đó đã giúp anh vinh dự được tặng bằng “Lao động sáng tạo” của Tổng LĐLĐ Việt Nam, bằng khen “Đề tài, sáng kiến, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc 2012” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, giải Khuyến khích cuộc thi Điều độ viên giỏi cấp Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bằng khen vì có công trình đề tài sản phẩm sáng tạo tiêu biểu tại Festival Sáng tạo trẻ toàn quốc lần thứ X, Bằng khen, danh hiệu Chiến sỹ thi đua của Bộ Công thương, giải Ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Bình…
 
Không chỉ là giỏi chuyên môn, trên cương vị Phó Bí thư Đoàn cơ sở PC Quảng Bình, Vũ Hoài Nam luôn năng nỗ, nhiệt tình giúp đỡ đồng nghiệp trong học tập, công việc. Điển hình là trực tiếp đào tạo 8 nhân viên trẻ của Công ty thi đậu chức danh Điều độ viên, 2 kỹ sư phương thức và 2 kỹ sư SCADA (mỗi người phải được đào tạo trong vòng 1 năm mới thi được chức danh). Hàng năm, anh trực tiếp tham gia đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho khoảng 200 công nhân trong đơn vị. Trong quá trình công tác, anh luôn động viên đồng nghiệp trẻ nghiên cứu áp dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
 
Đánh giá về quá trình làm việc của anh Vũ Hoài Nam, ông Thái Hồng Quân, Giám đốc PC Quảng Bình cho biết, đây là một cán bộ trẻ có năng lực, một “cây sáng kiến” của PC Quảng Bình. Trong công tác, Vũ Hoài Nam luôn thực hiện nghiêm chỉnh sự phân công của các cấp lãnh đạo, luôn cố gắng khắc phục khó khăn, không ngừng tìm tòi học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nguyễn Hoàng