icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Hiệu quả thực tiễn từ giống nấm dịch thể

  • 08:10 | Thứ Tư, 19/02/2020
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau 3 năm thực hiện, đến nay, dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống dạng dịch thể trong sản xuất nấm linh chi, nấm sò và nấm rơm tại Quảng Bình” đã khẳng định được hiệu quả thực tiễn mang lại, mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân trong tỉnh.
 
Nấm ăn là một thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, được sử dụng phổ biến trong bữa ăn hàng ngày. Ngoài ra, trong y học cổ truyền, nấm còn được dùng làm dược liệu phòng, chống các bệnh như: tim mạch, béo phì, giải độc và bảo vệ tế bào gan… Chính vì vậy, những năm gần đây, nấm được người dân trồng khá phổ biến. Tuy nhiên, nghề trồng nấm ở tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, người dân sử dụng nguồn giống trôi nổi nên năng suất, chất lượng nấm chưa cao, chưa trở thành vùng sản xuất tập trung để xây dựng thương hiệu và tiêu thụ ổn định.
Sản phẩm nấm linh chi được bày bán ở các quầy tạp hóa xã Văn Thủy.
Sản phẩm nấm linh chi được bày bán ở các quầy tạp hóa xã Văn Thủy.
Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế của công nghệ nhân giống kiểu cũ, giảm giá thành mua giống và giữ chất lượng ổn định, thúc đẩy nghề nấm theo quy mô công nghiệp, từ năm 2016, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê Khoa học và Công nghệ (KH-CN), thuộc Sở KH-CN đã thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống dạng dịch thể trong sản xuất nấm linh chi, nấm sò và nấm rơm tại Quảng Bình”.
 
Qua 3 năm triển khai, dự án đã tiếp nhận, làm chủ và hoàn thiện các quy trình công nghệ sản xuất giống nấm từ giống gốc đến giống cấp 3 dạng dịch thể, hình thành được một cơ sở sản xuất giống nấm dịch thể có chất lượng cao, có năng lực sản xuất 10.000 lít giống nấm/năm với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, dự án đã xây dựng thành công mô hình sản xuất, nuôi trồng, chế biến thành phẩm bằng nhiều hình thức như: sấy khô, nấm đóng túi, nấm đóng hộp, trà túi lọc linh chi… giúp người dân yên tâm sản xuất mà không lo đầu ra cho sản phẩm.
 
Trong quá trình thực hiện, dự án cũng đã chọn 25 hộ dân của xã Văn Thủy (nay là Trường Thủy, Lệ Thủy) và 25 hộ xã Hải Ninh (Quảng Ninh) làm mô hình điểm để thử nghiệm trồng nấm bằng giống nấm dịch thể. Hiện nay, mặc dù dự án đã kết thúc, nhưng nhiều người dân vẫn đang tiếp tục duy trì mô hình và hiệu quả kinh tế khá cao. Đặc biệt, 25 hộ dân ở xã Trường Thủy vẫn duy trì và phát triển tốt mô hình này. Xã Hải Ninh chỉ còn hơn 10 hộ tham gia vì nghề biển thời gian gần đây đã phát triển trở lại, người dân tiếp tục ra khơi, bám biển nên thời gian nhàn rỗi không nhiều.
 
Chị Nguyễn Thị Hoàn, thôn Trạng Cau (Trường Thủy) cho biết: "Người dân xã Trường Thủy sống chủ yếu dựa vào nghề trồng rừng, việc trồng nấm sò, nấm linh chi vừa dễ, công chăm sóc ít nhưng hiệu quả kinh tế cao nên chúng tôi tranh thủ lúc nông nhàn cũng có thể thực hiện được. Mặc dù kỹ thuật vô trùng, xử lý nguyên liệu trồng nấm của giống nấm dịch thể khó hơn giống nấm kiểu cũ nhưng bù lại năng suất, chất lượng nấm cao hơn. Người dân mong muốn trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục sản xuất giống nấm theo phương pháp này cũng như hỗ trợ kỹ thuật để bà con yên tâm sản xuất, mở rộng mô hình”.
 
Đặc biệt, tại xã Trường Thủy, hộ gia đình ông Mai Văn Châu đã có máy sấy các loại nấm từ nấm linh chi, nấm sò đến nấm tràm nên người dân có thể bảo quản khi nấm tươi tiêu thụ không hết. Sản phẩm nấm khô ở Trường Thủy hiện được bày bán ở các quầy tạp hóa, hoặc đi các tỉnh lân cận nhờ hình thức bán qua mạng internet. Bên cạnh đó, để góp phần giúp các hộ trồng nấm giải quyết đầu ra sản phẩm, tạo cơ sở mở rộng mô hình, trong quá trình thực hiện dự án, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH-CN đã liên hệ một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tìm đối tác ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con.
 
Ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc dự án cho biết: Giống nấm dịch thể dễ dàng kiểm soát chất lượng, hạn chế tỷ lệ tạp nhiễm, đồng thời duy trì được chủng giống trong môi trường vô trùng, giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, giá bán cho hộ dân để sử dụng trồng nấm thương phẩm rẻ hơn rất nhiều so với giống nấm sử dụng cơ chất rắn. Tuy nhiên, quá trình xử lý nguyên liệu và phối trộn các loại phụ gia phải được thực hiện theo đúng tỷ lệ để tránh làm phôi nấm bị chết, năng suất thấp. Môi trường để nấm sinh trưởng và phát triển phải luôn thoáng mát, sạch sẽ, nguồn nước tưới phải là nước hợp vệ sinh. Riêng nấm sò, người trồng cần phải thu hái nấm đúng độ tuổi, chỉ cần thu hoạch chậm sau vài giờ đồng hồ là nấm sẽ bị nở, già, giảm dinh dưỡng và độ thơm, ngon của sản phẩm.
 
Mặc dù dự án đã mang lại nhiều kết quả và thành công nhưng vẫn còn đó những nỗi lo như:  mở rộng sản xuất ngoài các hộ tham gia dự án để tạo vùng sản xuất tập trung, xây dựng thương hiệu, tăng cường chế biến và xúc tiến thương mại để tạo thị trường ổn định… Hy vọng rằng, những trăn trở đó sẽ tiếp tục được các cơ quan, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trả lời để người dân không phải tự xoay xở tháo gỡ nữa và kết quả nghiên cứu sẽ biến thành hàng hóa, thu nhập bền vững cho người dân.
 
Thanh Hoa