icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Một gói trà túi lọc cao cấp 'tặng' cho người dùng 11,6 tỉ hạt vi nhựa

  • 08:53 | Thứ Hai, 30/09/2019
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
Một số túi trà bằng nhựa dạng túi lọc cao cấp có thể để lại hàng tỉ hạt vi nhựa trong tách trà của bạn, các nhà nghiên cứu Canada cho biết.
Ảnh minh họa: CBS/Shutterstock
Ảnh minh họa: CBS/Shutterstock
Như chúng ta đã biết, các hạt vi nhựa được tìm thấy rộng rãi trong môi trường, trong nước máy và nước uống đóng chai, và cả trong một số loại thực phẩm.
 
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết các hạt như vậy trong nước uống dường như không gây rủi ro. Nhưng tổ chức này vẫn kêu gọi cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này do hiện thời những phát hiện chỉ dựa trên "thông tin hạn chế".
 
Quay trở lại với trà túi lọc. Trong khi hầu hết các túi trà được làm từ giấy, một số thương hiệu cao cấp đã chuyển sang sử dụng một loại túi lưới nhựa cho sản phẩm của họ.
 
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học McGill ở Montreal, Canada đã mua bốn loại trà thương mại khác nhau. Họ lấy trà bên trong ra và đặt các túi trà rỗng vào nước nóng 95 độ C giống như khi đang pha trà.
 
Kết quả họ phát hiện chỉ cần một túi trà nhựa thôi đã giải phóng khoảng 11,6 tỉ hạt vi nhựa (microplastic) và 3,1 tỉ hạt nano nhỏ hơn vào tách nước. Các hạt này hoàn toàn không thể thấy được bằng mắt thường.
 
Mức độ "các hạt được giải phóng từ loại túi trà làm bằng nhựa này cao hơn nhiều lần so với số lượng vi nhựa được báo cáo trước đây trong các loại thực phẩm khác", theo nhóm nghiên cứu.
 
Nhà nghiên cứu Laura Hernandez nói rằng họ đã rất ngạc nhiên trước dữ liệu thu thập được.
 
Bà lưu ý đây là cơ hội để người tiêu dùng, cũng như những người muốn giảm việc sử dụng nhựa, nhận thức rõ hơn về việc mua hàng của họ.
 
"Thật sự là không cần phải đóng gói trà túi lọc bằng nhựa, mà sau cùng sẽ trở thành nhựa sử dụng một lần", Hernandez nhận định. "Điều đó khiến bạn không chỉ ăn nhựa mà còn là gánh nặng cho môi trường".
 
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Khoa học và Công nghệ môi trường.
 
Theo ĐỨC LONG (Tuổi trẻ)/Theo BBC