.

Bố Trạch: Chú trọng ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp

.
09:54, Thứ Hai, 08/07/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Để khai thác tiềm năng và thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua, huyện Bố Trạch đã có nhiều chủ trương, chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng công nghệ cao (CNC).
 
Hướng tới nền nông nghiệp sạch và bền vững, phát triển ứng dụng CNC đang là xu hướng tất yếu để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cho sản xuất và sản phẩm.
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bố Trạch có 6 công ty trong lĩnh vực trồng trọt, 7 cơ sở trong lĩnh vực chăn nuôi đầu tư hoạt động theo hướng CNC. Ngoài ra, có hàng chục héc-ta cây trồng ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Isarel, mô hình nhà màng, nhà lưới… Nhờ việc ứng dụng CNC vào sản xuất, nhiều cơ sở có thể sản xuất quanh năm, sản phẩm có chất lượng tốt, đầu ra ổn định.
 
Áp dụng công nghệ nhà màng, điển hình có trang trại rau sạch An Nông của gia đình anh Lê Văn Quả, thôn Kéc, Hòa Trạch. Năm 2017, trang trại rau sạch An Nông đã xây dựng được 2 nhà màng có diện tích hơn 500m2 để có thể sản xuất rau được quanh năm. Rau được trồng trong giá thể sạch bảo đảm vệ sinh đúng quy định, tùy theo thời vụ để bố trí giống rau phù hợp như: cà chua, dưa leo, dưa lưới và các loại rau ăn lá.
 
Sản phẩm nông nghiệp của An Nông cam kết không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không dư lượng nitrat, không dư lượng kim loại nặng và không sử dụng thuốc trừ cỏ góp phần bảo vệ môi trường… Nhờ ứng dụng công nghệ nhà màng, trang trại đã nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng thu nhập nhờ cây trồng trái vụ.
Mô hình nhà lưới của anh Lê Văn Quả, xã Hòa Trạch đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Mô hình nhà lưới của anh Lê Văn Quả, xã Hòa Trạch đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Hiện nay, toàn huyện Bố Trạch có khoảng 2,5ha mô hình nhà màng, nhà lưới được người dân ứng dụng để sản xuất rau, củ, quả quanh năm, đáp ứng nhu cầu của thị trường và tăng nguồn thu nhập.
 
Ngoài trang trại An Nông, hiện Bố Trạch còn có 4 công ty đầu tư vào lĩnh vực trồng trọt như: Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuấn Linh, Công ty TNNH Nông nghiệp xanh Quảng Bình, Công ty TNHH Dream farm Quảng Bình, Công ty TNHH Phát triển dự án Việt Nam.
 
Với diện tích gò đồi rộng lớn, huyện Bố Trạch có nhiều lợi thế trong phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, trong đó, cây hồ tiêu được trồng với diện tích khá lớn. Ngoài việc khuyến khích người dân áp dụng mô hình nhà lưới, nhà màng để trồng rau an toàn, huyện đang khuyến khích người dân sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây hồ tiêu và cây ăn quả nhằm tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm nguồn nước. Hiện nay, toàn huyện Bố Trạch có hơn 30ha cây trồng đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt Israel.
 
Với thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, việc ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt đã giúp người dân tiết kiệm được 70% nguồn nước tưới và 90% nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, công nghệ tưới nhỏ giọt còn tiết kiệm được công bón phân, thay vì phải mang phân đi bón từng gốc cây, người dân chỉ việc pha vào nước, phân bón hòa tan sẽ theo nguồn nước bón đồng đều cho cây.
 
Trong cây trồng lâm nghiệp, Công ty TNNH giống cây trồng nông-lâm nghiệp Nam Việt, xã Trung Trạch cũng đã ứng dụng CNC để sản xuất giống keo nuôi cấy mô. Công ty được thành lập 2015, sau nhiều khó khăn, thử thách, đến nay, công ty đã sản xuất đại trà thành công giống keo lai nuôi cấy mô, có thể cung ứng cây giống cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh và các tỉnh lân cận với cây giống chất lượng đồng đều, thuần chủng. Hiện, công ty cũng đang nghiên cứu đầu tư máy móc, thiết bị và con người để nuôi cấy hoa lan và hoa đồng tiền bằng công nghệ nuôi cấy mô.
 
Chị Nguyễn Thị Lân, Phó Giám đốc Công ty TNNH giống cây trồng nông-lâm nghiệp Nam Việt cho biết: Để sản xuất giống keo nuôi cấy mô phải có đầu tư về công nghệ, con người, cần thời gian dài hơn, nên chi phí đầu vào về cây giống thường cao hơn. Nhưng ngược lại, keo lai từ nuôi cấy mô lại cho ra giống đồng loạt, số lượng lớn, tỷ lệ sống cao, phát triển tốt, đầu ra tăng cao gấp nhiều lần.
 
Trong lĩnh vực chăn nuôi, việc ứng dụng CNC là một trong những vấn đề mà huyện Bố Trạch đã và đang triển khai thực hiện. Hiện toàn huyện có 7 cơ sở chăn nuôi CNC với quy mô 1.000 con/lứa, trong đó có hộ ông Hồ Thanh Hải (xã Cự Nẫm) và hộ bà Nguyễn Thị Thanh Hương (Tây Trạch) với với quy mô 2.000 con/lứa. Các trang trại chăn nuôi khép kín từ việc sản xuất con giống đến thức ăn, phòng bệnh, tự động hóa chuồng trại và bao tiêu sản phẩm.
 
Mô hình chăn nuôi CNC ở Bố Trạch đã góp phần giảm công lao động, tối ưu hóa chi phí thức ăn, chi phí chăm sóc, đồng thời giảm được giá thành, tăng sức cạnh tranh trên thị trường so với những phương thức chăn nuôi truyền thống trước kia. Bên cạnh đó, mô hình còn tạo thuận lợi cho bà con phát triển chăn nuôi quy mô lớn, tập trung hơn và hiệu quả hơn, xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường một cách triệt để, phòng chống dịch bệnh lây lan hiệu quả.
 
Ông Nguyễn Cẩm Long, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch cho biết: "Thời gian qua, huyện Bố Trạch đã chú trọng ứng dụng CNC trong phát nông nghiệp, tuy nhiên việc ứng dụng này mới chỉ phát triển ở các tổ chức, cá nhân có tiềm lực về kinh tế. Phần lớn, mô hình ứng dụng CNC còn riêng lẻ, manh mún, ít dự án có vốn đầu tư lớn, áp dụng công nghệ đồng bộ và hiện đại. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục xác định phát triển CNC là hướng đi tiên phong, xem đây là bước đột trong phát triển kinh tế nông nghiệp...”.
 
Thanh Hoa
,