.

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá thát lát cườm trong ao đất

.
12:21, Thứ Bảy, 04/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhằm bổ sung đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào cơ cấu chủng loại thủy sản nuôi phục vụ việc nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Lệ Thủy, thời gian qua, được sử hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN), trang trại ông Hà Thanh Khai, xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi cá thát lát cườm trong ao đất. Mô hình đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao và đang có định hướng nhân rộng ra toàn tỉnh.
 
Nuôi trồng thủy sản nước ngọt là một trong những thế mạnh của huyện Lệ Thủy. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng nuôi thâm canh năng suất cao, như: nuôi cá lóc, nuôi cá rô phi đơn tính, cá trắm, mè, ếch… Riêng cá thát lát cườm là đối tượng nuôi còn khá mới lạ, chỉ được nuôi trong các bể cảnh hoặc nuôi ghép với các đối tượng khác với số lượng ít.
 
Tuy nhiên, đây là loài cá có chất lượng thịt ngon, dẻo, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, nhưng việc đánh bắt chủ yếu là từ tự nhiên nên sản lượng suy giảm nhanh chóng. Nhằm đưa đối tượng mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời hạn chế việc khai thác quá mức cá thát lát đồng, việc thử nghiệm mô hình nuôi cá thát lát trong ao đất là cần thiết.

Mục tiêu chính của mô hình là theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cá thát lát cườm nuôi trong ao đất khi sử dụng kết hợp giữa 2 loại thức ăn công nghiệp và thức ăn tự chế. Trên cơ sở đó, khuyến khích nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện Lệ Thủy.

Cá thát lát nuôi trong ao đất lớn nhanh và phát triển tốt.
Cá thát lát nuôi trong ao đất lớn nhanh và phát triển tốt.

Việc nghiên cứu thử nghiệm được theo dõi chặt chẽ từ khi bắt đầu thử nghiệm đến khi thu hoạch, bao gồm cả việc đo đếm trọng lượng, chiều dài, số lượng cá hàng tháng sau thả. Với số lượng giống 9.600 con, kích cỡ trung bình của cá giống chiều dài 8cm, khối lượng 5gam, mật độ 8 con/m2; kết quả là sau 6 tháng nuôi trên diện tích ao đất thử nghiệm 1.200m2 tại trang trại ông Hà Thanh Khai, sản lượng thu được 3.339kg, trọng lượng cá khi thu hoạch bình quân 430g/con, tỷ lệ sống hơn 80%.

Với giá bán 85.000đ/kg, sau khi trừ chi phí thu được lợi nhuận gần 30 triệu đồng, nếu tính trên 1ha thì lợi nhuận đạt gần 250 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các mô hình canh tác và nuôi trồng khác.

Chị Dương Thị Trang, chuyên viên phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lệ Thủy, chủ nhiệm mô hình cho biết: Ở các tỉnh phía nam, cá thát lát cườm được nuôi theo hình thức thâm canh, sử dụng thức ăn công nghiệp.
 
Trong mô hình, bên cạnh thức ăn công nghiệp, chúng tôi còn bổ sung thêm thức ăn tự chế bằng cám, gạo, bột ngô… với mục đích là tận dụng các nguyên liệu sẵn có ở địa phương, giảm chi phí sản xuất, đồng thời tạo ra sản phẩm an toàn, được người tiêu dùng tin tưởng. Qua quá trình thử nghiệm, cho thấy cá thát lát phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, có thể tổng kết để nhân rộng mô hình trong khu vực và trên toàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy chi phí nuôi vẫn rất cao (thức ăn chiếm 44%, con giống chiếm 26%), nguồn con giống phải mua từ miền Nam nên chi phí vận chuyển cao, lại ảnh hưởng đến chất lượng cá giống.
 
Chính vì vậy, việc nghiên cứu tạo nguồn cá giống tại chỗ, sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ thay thế thức ăn công nghiệp để chủ động sản xuất và hạ giá thành là nhiệm vụ quan trọng đặt ra nếu muốn nhân rộng đại trà kết quả nghiên cứu.
 
Mặc dù thử nghiệm thành công nhưng để nhân rộng mô hình còn rất nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, theo dõi và thử nghiệm dưới góc độ nuôi đại trà, như: khảo nghiệm công thức của thức ăn phù hợp, theo dõi bệnh và cách thức phòng, chữa bệnh cho cá, thị trường tiêu thụ…
 
Thanh Hoa
 
 
,