.

Bước phát triển mới trong sản xuất giống nấm

.
12:24, Thứ Bảy, 04/05/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê khoa học - công nghệ (KH-CN) đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu, đa dạng các loại giống nấm chất lượng cao, trong đó, ứng dụng thành công công nghệ sản xuất giống nấm dịch thể là bước phát triển mới trong công nghệ sản xuất giống nấm ở tỉnh ta.
 
Đa dạng các loại giống nấm
 
Những năm gần đây, nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh ta ngày càng phát triển, nhiều mô hình, hợp tác xã trồng nấm được hình thành và mở rộng quy mô. Tuy nhiên, việc người dân mua giống nấm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém vẫn còn phổ biến, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả nấm thương phẩm.
 
Từ nhu cầu thực tế đó, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH-CN đã không ngừng nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất các loại giống nấm năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân.
 
Ngoài các loại nấm sò, nấm rơm, mộc nhĩ, linh chi…, trung tâm còn nghiên cứu sản xuất thử nghiệm thành công các loại giống nấm cao cấp, hàm lượng dinh dưỡng cao, như: nấm Kim Phúc, Hoàng Đế, Hầu Thủ, mối đen… giúp bà con nông dân có thêm cơ hội lựa chọn nhiều loại giống nấm hơn, đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường về sản phẩm nấm sạch.
Đa dạng các loại giống nấm giúp bà con nông dân có thêm cơ hội lựa chọn nguồn giống đáp ứng nhu cầu của thị trường về sản phẩm nấm sạch.
Đa dạng các loại giống nấm giúp bà con nông dân có thêm cơ hội lựa chọn nguồn giống đáp ứng nhu cầu của thị trường về sản phẩm nấm sạch.
Năm 2018, trung tâm đã sản xuất được gần 7.000kg nấm sò và nấm rơm cấp III, 100kg nấm mộc nhĩ, 52kg nấm Hoàng Đế, 65 kg nấm Hàn Quốc cấp II, 100kg và 42 lít giống nấm linh chi cấp II.
 
Ngoài ra, trung tâm còn sản xuất và cung cấp tận tay người dân các túi nguyên liệu trồng nấm đã được hấp thanh trùng, cấy giống và ươm nuôi sợi, người dân chỉ việc chăm sóc và thu hái nấm; riêng nấm linh chi được trung tâm thu mua và tìm đầu ra cho bà con.
 
Đặc biệt, trung tâm đã áp dụng thành công quy trình phân lập và sản xuất giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ, tạo ra nguồn giống nấm rơm phù hợp với điều kiện tự nhiên, mang thương hiệu Quảng Bình.
 
Việc làm chủ công nghệ tạo nguồn giống gốc đã giúp cho trung tâm chủ động sản xuất và cung cấp các loại giống nấm thuần chủng chất lượng cao ra thị trường. Việc phân lập thành công giống nấm gốc của trung tâm góp phần hiệu quả vào việc chủ động nguồn cung cấp về các giống nấm cho việc phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh.
 
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH-CN cho biết: Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục cung ứng các loại giống nấm chất lượng cao, đồng thời chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho bà con, góp phần phát triển phong trào trồng nấm trên địa bàn tỉnh.
 
Làm chủ công nghệ sản xuất giống nấm dịch thể
 
Hiện nay, công nghệ nhân và nuôi trồng nấm ở tỉnh ta chủ yếu sử dụng trên cơ chất rắn như mùn cưa, rơm, vỏ trấu, que sắn. Đây là phương pháp truyền thống, đơn giản, được sử dụng một cách phổ biến, tuy nhiên, thời gian nhân giống các cấp kéo dài, chất lượng không ổn định, tuổi giống không đồng nhất trong toàn bộ chai giống hay túi giống.
 
Bên cạnh đó, phương pháp nhân giống trên cơ chất rắn gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất giống với số lượng lớn do hệ số nhân giống thấp. Đặc biệt, phương pháp này nguyên liệu nhân giống cao, chi phí nhân công, chi phí khấu hao điện năng, nhà xưởng cao.
 
Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế của công nghệ nhân giống nấm kiểu cũ, giảm giá thành mua giống và giữ chất lượng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nấm, thúc đẩy nghề sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu tại tỉnh ta phát triển hiệu quả theo quy mô công nghiệp, từ năm 2016, trung tâm đã thực hiện dự án “Ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống dạng dịch thể sản xuất nấm linh chi, nấm sò tại Quảng Bình”.
 
Dự án thuộc chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 của Bộ KH-CN.
 
Đến nay, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH-CN đã làm chủ được công nghệ sản xuất giống nấm dịch thể (trong đó, dự án đã sản xuất thành công 128 lít giống nấm cấp I, 1.280 lít giống nấm cấp II và 12.800 lít giống nấm cấp III); đào tạo được 16 kỹ thuật viên nắm vững các kỹ thuật nhân nuôi giống nấm và vận dụng thành thạo quy trình công nghệ phục vụ triển khai dự án...
 
Ông Trần Ngọc Dũng, Giám đốc dự án cho biết: Công nghệ sản xuất giống nấm dịch thể có nhiều ưu điểm như: thời gian bám sợi nhanh hơn 1 đến 2 ngày, chất lượng giống nấm cao hơn, vận chuyển dễ dàng và giảm bớt nhân công lao động.
 
Mặt khác, sản xuất giống nấm dịch thể dễ dàng kiểm soát chất lượng giống, hạn chế tỷ lệ tạp nhiễm, đồng thời duy trì được chủng giống trong môi trường vô trùng, giảm tỷ lệ nhiễm bệnh, giá bán cho hộ dân để sử dụng trồng nấm thương phẩm rẻ hơn rất nhiều so với giống nấm sử dụng cơ chất rắn.
 
Đặc biệt, dự án cũng đã chọn 50 hộ dân của hai xã Văn Thủy (Lệ Thủy), Hải Ninh (Quảng Ninh) làm mô hình điểm để thử nghiệm trồng nấm bằng giống nấm dịch thể. Chị Phan Ngọc Quỳnh, Phó ban quản lý dự án xã Văn Thủy cho biết: "Công nghệ này còn mới mẻ đối với người dân địa phương về quy trình sản xuất, trang thiết bị, yêu cầu kỹ thuật...
 
Tuy nhiên, được sự hướng dẫn nhiệt tình của cán bộ kỹ thuật, kết quả bước đầu cho thấy, năng suất, chất lượng nấm cao hơn nhiều so với giống nấm bà con mua trên thị trường về trước đây. Người dân địa phương mong muốn thời gian tới, trung tâm đáp ứng đủ lượng giống để họ tiếp tục mở rộng mô hình, nâng cao thu nhập".
 
Ngoài hiệu quả kinh tế, kết quả của dự án đã góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nấm của tỉnh ta trở thành một nghề cho thu nhập ổn định ngoài thời gian canh tác cây lúa nước. Tuy nhiên, để có thể triển khai đại trà trên diện rộng, đa dạng hóa sản phẩm, Trung tâm Ứng dụng và Thống kê KH-CN cần tiếp tục nghiên cứu sản xuất các giống nấm dịch thể khác, chuẩn bị cơ sở vật chất và điều kiện để tăng sản lượng giống nấm dịch thể cấp III, cung cấp đủ cho nhu cầu người trồng nấm trong tỉnh và các lân cận.
 
Thanh Hoa
,