.

Thực hiện các giải pháp bảo tồn đàn Voọc quý hiếm ở Tuyên Hóa

.
14:35, Thứ Hai, 15/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Ngày 15-4, tin từ Trung tâm nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) cho biết, Văn phòng UBND tỉnh vừa có công văn truyền đạt ý kiến của đồng chí Lê Minh Ngân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về việc bảo tồn Voọc Hà Tĩnh tại khu vực quy hoạch rừng đặc dụng thuộc huyện Tuyên Hóa.

Trước đó, UBND tỉnh đã ban hành quyết định quy hoạch hơn 500ha núi đá có cây thuộc các xã Thạch Hóa, ĐồngHóa, Thuận Hóa và Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa) vào rừng đặc dụng.

Theo số liệu của CIRD, qua khảo sát của các nhóm bảo tồn tại khu vực núi đá vôi thuộc xã Thạch Hóa và Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa đã xác định được 11 đàn Voọc đen gáy trắng (xã Thạch Hóa có 7 đàn, xã Đồng Hóa có 4 đàn) với số lượng trên 160 cá thể.

Trong đó, tại xã Thạch Hóa, có 7 đàn Voọc đen gáy trắng tại các địa điểm như: Cây Gạo, Giàn Vượn, Hung Trơng, Hung Sú, khe Nước Lặn, khe Đá, Sẩm Mè, Hung Trù với số lượng khoảng 100 cá thể. Tại xã Đồng Hóa, có 4 đàn tại các địa điểm: miếu Tam Quan, Trung Đoàn 18 với số lượng khoảng 60 cá thể.

Voọc gáy trắng có tên khoa học là Trachypithecus hatinhensis. Thuộc họ khỉ Bộ linh trưởng, nằm trong nhóm IB của Nghị định 32/2006/NĐ-CP và trong danh mục loài nguy cấp, quý hiếm ưu tiên bảo vệ tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ.  Là động vật hoang dã được bảo vệ tại phụ lục II, Công ước CITES 2008-Voọc gáy trắng là loài quý hiếm có trong Sách Đỏ thế giới IUCN và Việt Nam đang ở mức nguy cấp. Đây là loài linh trưởng đặc hữu của vùng núi đá vôi Việt Nam.

Hiện, nhóm bảo tồn Voọc tự nguyện xã Thạch Hóa có 45 người, hoạt động từ năm 2012 đến nay, với mục tiêu là bảo vệ tuyệt đối an toàn, đảm bảo bình yên cho loài Voọc, đồng thời gìn giữ môi trường trong lành và nguồn thức ăn cho Voọc. Từ khi được bảo vệ đến nay, đàn Voọc được bình yên sinh sống và phát triển tốt. Tất cả 11 đàn đều có sinh con và ngày càng thân thiện, gần gũi với con người hơn.

Qua thực tế công tác bảo về đàn Voọc quý hiếm này, các nhóm tự nguyện đã có những đề xuất như sau: các ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo các đơn vị liên quan lập khu bảo tồn Voọc; nhóm bảo tồn Voọc phải có nguồn kinh phí để hoạt động lâu dài và đào tạo trong công tác bảo tồn và phát triển Voọc.

Đặc biệt, cần có cơ chế hỗ trợ người dân vùng đệm để nâng cao sinh kế, giảm áp lực vào rừng nhất là giảm sự săn bắn trái phép động vật hoang dã, phát nương làm rẫy hạn chế khu vực sinh sống của Voọc.

Ngoài ra, thí điểm giao rừng cộng đồng gắn liền với giao đất và thành lập Ban quản lý rừng cộng đồng liên xã để người dân có đủ cơ sở pháp lý bảo vệ rừng và bảo tồn Voọc Hà Tĩnh trên khu vực.

Một số hình ảnh về đàn Voọc Hà Tĩnh:

Minh Văn-Xuân Phú
 

,