.

Điều tra, xác lập tổng thể cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học

.
08:36, Thứ Hai, 08/04/2019 (GMT+7)

(QBĐT) - Nhận thức được vai trò và ý nghĩa to lớn của đa dạng sinh học (ĐDSH), những năm qua, tỉnh ta đã có nhiều nỗ lực nhằm duy trì và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ĐDSH; trong đó, tập trung ưu tiên triển khai thực hiện nhiều chương trình điều tra, nghiên cứu để xác lập nguồn dữ liệu tổng thể làm cơ sở cho công tác bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH.

Voọc Ngũ sắc là loài linh trưởng quý hiếm, được xếp vào tình trạng “cực kỳ nguy cấp”, có tên trong Sách đỏ Thế giới và Sách đỏ Việt Nam.
Voọc Ngũ sắc là loài linh trưởng quý hiếm, được xếp vào tình trạng “cực kỳ nguy cấp”, có tên trong Sách đỏ Thế giới và Sách đỏ Việt Nam.

Trên cơ sở các chương trình điều tra, nghiên cứu đã xác định, Quảng Bình là địa phương nằm trong khu vực ĐDSH Bắc Trường Sơn với đặc trưng là khu vực có tính ĐDSH cao, có khu hệ thực vật, động vật đa dạng, độc đáo với nhiều nguồn gen quý hiếm.

Trong đó, VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, các khu vực Khe Nét, Động Châu-khe Nước Trong, dãy núi Giăng Màn… là các khu vực đặc trưng cho ĐDSH, đa dạng hệ sinh thái rừng của tỉnh hiện đang được bảo tồn và phát triển.

Tuy nhiên, theo đánh giá, hiện cơ sở dữ liệu tổng thể về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được xác lập đầy đủ, mới chỉ tập trung điều tra, nghiên cứu xác lập dữ liệu tại các khu vực có tính đa dạng sinh học cao trên cạn, như: khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, Khe Nét, Động Châu-khe Nước Trong; chưa có các nghiên cứu sâu và điều tra tổng thể về đa dạng sinh học biển.

Đối với các loài nguy cấp, quý, hiếm, hiện nay, mới chỉ điều tra, xác lập được số liệu tại khu vực VQG Phong Nha-Kẻ Bàng, gồm có 107 loài thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý hiếm theo quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP; 235 loài thuộc danh mục IUCN; 66 loài thuộc danh mục của CITES; 32 loài (trong đó có 2 loài thực vật và 30 loài động vật) thuộc danh mục các loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ theo quy định tại Nghị định 160/2013/NĐ-CP.

Ngọc Lan

,