.

Lệ Thủy: Ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp

.
08:24, Thứ Sáu, 08/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân, thời gian qua, ngoài việc đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, đưa giống mới vào sản xuất…, việc ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất nông nghiệp được chính quyền và người dân huyện Lệ Thủy quan tâm thực hiện.
 
Nông nghiệp CNC là nền nông nghiệp áp dụng những công nghệ mới và sạch vào sản xuất, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đạt hiệu quả kinh tế cao. Ở huyện Lệ Thủy, nhiều CNC đã được đưa vào áp dụng như: mô hình nhà lưới, nhà màng để trồng rau sạch, an toàn; mô hình tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Isarel cho cây hồ tiêu và cây ăn quả; tưới phun mưa cho cây hoa màu; công nghệ nuôi tôm, cá trên bạt lót…
 
Điển hình như mô hình trồng rau trong nhà lưới của anh Dương Trí Quang ở xã Ngư Thủy Bắc. Từ số vốn gần 1 tỷ đồng, anh đầu tư làm nhà lưới với diện tích 2.000m2 để trồng dưa lưới và cà chua bi. Sau 3 năm triển khai, nhờ kỹ thuật chăm sóc bài bản cùng CNC, mô hình trồng rau an toàn của anh Quang đã khắc phục các yếu tố khắc nghiệt của thời tiết.
 
Nhiều năm nay, giống dưa lưới phát triển khá tốt, cho hiệu quả cao, đạt sản lượng 5 tấn/4.500 m2 đất và 3.000 gốc cà chua bi với năng suất 3kg quả/cây đã thu về cho anh hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đặc biệt, mô hình của anh hiện đã xây dựng được thương hiệu "Quang organic farm" cung cấp sản phẩm cho các cửa hàng rau, củ, quả sạch trên địa bàn tỉnh.
 
Đặc biệt, công nghệ sử dụng phân cá để bón cho cây đã được anh Quang mạnh dạn sử dụng. Hiện, trong hệ thống nhà màng, anh nuôi cá rô đầu vuông. Cùng với hệ thống lọc nước, xả thải thường xuyên, anh sử dụng phân cá đã qua xử lý để bón cho cây nhằm giảm bớt chi phí phân bón, bảo vệ môi trường mà lượng rau, củ, quả vẫn đạt chuẩn an toàn.
Mô hình nhà lưới của anh Dương Trí Quang, xã Ngư Thủy Bắc đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Mô hình nhà lưới của anh Dương Trí Quang, xã Ngư Thủy Bắc đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Với diện tích gò đồi rộng lớn, huyện Lệ Thủy có nhiều lợi thế trong phát triển cây công nghiệp, cây ăn quả, trong đó, cây hồ tiêu được trồng với diện tích khá lớn. Ngoài việc khuyến khích người dân áp dụng mô hình nhà lưới, nhà màng để trồng rau an toàn, huyện đang khuyến khích người dân sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho cây hồ tiêu và cây ăn quả nhằm tăng năng suất cây trồng, tiết kiệm nguồn nước.
 
Ông Nguyễn Văn Thịnh, xã Dương Thủy cho biết: "Tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Isarel có rất nhiều ưu điểm là tiết kiệm được 90% nguồn nhân lực và 70% lượng nước tưới cho cây. Những năm trước, đến mùa hè, lượng nước bơm tưới tiêu lớn nên làm cho ao hồ cạn, ảnh hưởng đến cá nuôi trong hồ.
 
Năm nay, nhờ công nghệ tưới nhỏ giọt, ao hồ không vơi nước. Bên cạnh đó, công nghệ tưới nhỏ giọt còn tiết kiệm được công bón phân; thay vì phải mang phân đi bón từng gốc cây, bà con chỉ việc pha vào nước, phân bón hòa tan sẽ theo nguồn nước bón đồng đều cho cây. Tuy mới đưa vào sử dụng nhưng tôi thấy rất hài lòng với công nghệ này. Những nhà trồng hồ tiêu và cây ăn quả nên áp dụng công nghệ này để tăng năng suất cho cây trồng".
 
Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nước tưới, tạo ra sản phẩm sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hiện nay, huyện Lệ Thủy đang có chủ trương tăng cường đầu tư ứng dụng cơ giới hóa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, như: đưa các máy móc vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác lúa cải tiến (SRI) trên cây lúa; áp dụng quy trình sản xuất công nghệ tưới nhỏ giọt, chăm sóc Israel; công nghệ thủy canh, hữu cơ...
 
Cùng với những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp huyện cũng nhìn nhận, việc phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC của địa phương thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Do vốn đầu tư ban đầu lớn nên việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp chưa được áp dụng nhiều.
 
Hiện, mô hình nhà lưới, nhà màng mới áp dụng được 2ha, tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Isarel 10ha; nuôi tôm, cá trên bạt lót 50ha… Bên cạnh đó, khâu sản xuất gắn kết với thị trường, xây dựng chuỗi liên kết và thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn yếu.
 
Ông Nguyễn Văn Vương, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy cho biết: Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích người dân áp dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp; đồng thời, xây dựng, đăng ký, quảng bá thương hiệu những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của địa phương đến với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp cho nông dân.
 
Ngoài ra, huyện thường xuyên thông tin, giới thiệu để các đơn vị, doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản trên địa bàn đăng ký tham gia các hội chợ, trung tâm trưng bày, giới thiệu và phân phối sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng.
 
Thanh Hoa
,