.

Hậu quả từ giông sét và cách phòng tránh

.
08:26, Thứ Sáu, 08/03/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Giông sét là một trong những hiểm họa thiên tai vô cùng nguy hiểm đối với tính mạng con người, gây ra những thiệt hại rất lớn về tài sản vật chất và dịch vụ. Việc nâng cao nhận thức, kỹ năng phòng tránh cũng như áp dụng công nghệ phòng tránh giông sét hết sức quan trọng.
 
Những năm qua, tỉnh ta đã chịu nhiều thiệt hại nặng nề về người và của do hiện tượng giông sét gây nên. Từ năm 2005 đến nay, chỉ riêng 4 huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy đã xảy ra trên 160 vụ sét đánh, làm 10 người chết, 5 người bị thương, làm hư hỏng nhà cửa và nhiều thiết bị khác. Trong đó, có một số địa bàn xảy ra hiện tượng sét với mật độ rất cao như Tuyên Hóa, Bố Trạch…
 
Trước thực trạng và những nguy hại do giông sét gây ra, Trung tâm Kỹ thuật đo lường thử nghiệm (Sở KH-CN) đã được giao nhiệm vụ thực hiện đề tài “Khảo sát chất lượng và đề xuất giải pháp kỹ thuật thiết kế hệ thống tiếp đất phòng chống sét cho các tòa nhà và nhà ở của nhân dân trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”. Sau khi nghiệm thu, đề tài đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao, đang xem xét để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống.
 
Đề tài đã tiến hành khảo sát chất lượng các hệ thống chống sét của các tòa nhà và nhà ở của nhân dân trên địa bàn tỉnh, phân tích các tiêu chí được và chưa được, từ đó, đề xuất giải pháp cải tạo hệ thống chống sét cũ nhằm phát huy hiệu quả của hệ thống chống sét đã thi công, thiết kế hệ thống chống sét mẫu cho từng nhóm đối tượng.

Ngoài ra, đề tài cũng đã nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp, thiết bị tiên tiến hiện nay, có khả năng cắt lọc sét hiệu quả, dùng để lắp đặt hệ thống chống sét lan truyền.

Nhóm nghiên cứu khảo sát điện trở suất ở một số nhóm đất trên địa bàn toàn tỉnh.
Nhóm nghiên cứu khảo sát điện trở suất ở một số nhóm đất trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Kỹ thuật đo lường thử nghiệm đã khảo sát 943 hệ thống phòng chống sét. Các công trình khảo sát được chia ra hai đối tượng là: tòa nhà cao tầng (5 tầng trở lên), công trình trụ sở của các đơn vị hành chính, các trụ sở đông người làm việc (134 hệ thống) và nhà ở của nhân dân (809 hệ thống).

Kết quả khảo sát cho thấy, tại các nhà cao tầng có 16 hệ thống chống sét không đạt yêu cầu, bao gồm 1 hệ thống không đạt yêu cầu về điện trở tiếp đất, 2 hệ thống không đạt yêu cầu về kim thu sét do bị xuống cấp, phạm vi bảo vệ công trình không bảo đảm và 13 hệ thống không đạt yêu cầu về dây xuống do đã bị xuống cấp, hư hỏng.
 
Tại các hộ dân, có 187 hệ thống không đạt yêu cầu, bao gồm 161 hệ thống không đạt yêu cầu về điện trở tiếp đất, 4 hệ thống không đạt yêu cầu về kim thu sét do bị xuống cấp, phạm vi bảo vệ công trình không bảo đảm, 51 hệ thống không đạt yêu cầu về dây xuống do đã bị xuống cấp, hư hỏng.
 
Ông Lưu Minh Tuấn, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đứng trước những hiểm họa tiềm tàng do sét đánh gây ra, một số giải pháp phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại sét đánh đã được nhóm nghiên cứu đưa ra để khuyến cáo người dân, trong đó, sử dụng cột thu sét là biện pháp tích cực cho việc phòng tránh sét ở một phạm vi nhất định.
 
Hiện nay, kim thu sét phát tia tiên đạo là thiết bị công nghệ mới nên áp dụng vì nó có nhiều ưu điểm. Khi có hiện tượng giông, kim sẽ hình thành nên một vùng từ trường rộng lớn ở trên đầu mũi kim. Khi đó, kim tạo ra một tia phóng điện sớm (tiên đạo) hơn bất kỳ điểm nào trong khu vực được bảo vệ.
 
Từ đó, tạo nên điểm chuẩn để sét đánh vào kim, kiểm soát được đường dẫn sét và bảo vệ công trình. Các kỹ thuật về việc lựa chọn dây xuống, thi công tiếp đất, chống sét lan truyền cũng rất cần thiết khi thi công hệ thống chống sét tại các công trình, nhà ở của dân.
 
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng đã khảo sát điện trở suất của 55 vùng đo phân bố đều trên 8 nhóm đất phổ biến, của 2 loại địa hình tập trung đông dân cư là vùng đồng bằng - trung du và vùng đồi núi. Kết quả cho thấy, trong cùng nhóm đất, nhưng giá trị điện trở suất thay đổi ở một phạm vi khá rộng. Đề tài đã đề xuất mô hình hệ thống phòng chống sét căn cứ theo giá trị điện trở suất của đất theo 7 nhóm, tương ứng là các bản vẽ chi tiết cho nhà cao tầng và nhà ở của người dân.
 
Thông qua mô hình này, nhóm đã liệt kê từng địa phương để người dân dễ dàng theo dõi và áp dụng. Đặc biệt, đề tài cũng đã hướng dẫn cách thi công hệ thống phòng chống sét đối với những nơi có điện trở suất cao như vùng đất cát và vùng đất đồi. Đây là những vùng rất nhiều người dân thi công không bảo đảm yêu cầu (theo kết quả khảo sát).
 
Bên cạnh đó, biện pháp và kinh nghiệm tránh sét khi đang đi ngoài đường, khi đang lao động ngoài trời cũng được nhóm nghiên cứu phổ biến để người dân chủ động phòng tránh, như: khi có giông sét nên tắt nguồn điện và các thiết bị sử dụng điện, tránh xa các vật liệu kim loại, nên tới các trụ sở, công trình có thiết bị chống sét để tránh trú qua cơn giông, không được nấp dưới bóng cây khi đang ở ngoài trời...
 
Thanh Hoa
,