.

Đưa thành tựu nghiên cứu khoa học vào thực tiễn cuộc sống

.
10:28, Thứ Ba, 12/02/2019 (GMT+7)
(QBĐT) - Thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (KH-CN) thuộc Sở KH-CN đã nỗ lực hợp tác với các tổ chức khoa học nhằm đề xuất, lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới để chuyển giao, áp dụng vào thực tiễn, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân...
 
Nghề trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo rất hiệu quả, thời gian qua, tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ nông dân phát triển nghề này. Trong đó, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN là nơi lựa chọn nhiều kỹ thuật tiến bộ, công nghệ mới trong trồng nấm để chuyển giao và nhân rộng vào thực tiễn đời sống nhân dân.
 
Hiện nay, trung tâm đang thực hiện dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống dạng dịch thể sản xuất giống nấm linh chi, nấm sò tại Quảng Bình”. Đây là dự án thuộc chương trình “Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025” do Bộ KH-CN giao với tổng kinh phí 7 tỷ đồng; dự án sẽ kết thúc vào tháng 9-2019.
 
Công nghệ sản xuất giống nấm dịch thể mang nhiều tính ưu việt, đó là: áp dụng được cho sản xuất quy mô công nghiệp với công nghệ cao; nhân giống bằng máy móc, thiết bị theo các cấp cấy truyền của giống; nhân nhanh với số lượng nhiều trong thời gian ngắn; giảm bớt nhân công lao động thủ công, tiết kiệm diện tích và kinh phí trong sản xuất giống nấm

Dự án triển khai nhằm góp phần khắc phục những hạn chế của công nghệ nhân giống nấm kiểu cũ, giảm giá thành mua giống và giữ chất lượng ổn định, tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất nấm, thúc đẩy nghề sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu tại tỉnh ta phát triển hiệu quả theo quy mô công nghiệp.

Mô hình trồng nấm linh chi hiện đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Mô hình trồng nấm linh chi hiện đang được nhân rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Đến nay, dự án đã đào tạo cho các xã 16 cán bộ kỹ thuật, hỗ trợ 50 hộ dân tham gia, 200 hộ dân được tập huấn phổ biến kiến thức nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu; qua quá trình thực hiện, dự án đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, lao động nhàn rỗi và đã góp phần thúc đẩy phát triển phong trào sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, chuyển dịch ngành nghề, tăng thu nhập cho các hộ dân ở địa bàn các khu vực lân cận.

Cùng với dự án ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhân giống dạng dịch thể, vừa qua, trung tâm cũng đã thực hiện thành công mô hình “Phân lập và sản xuất giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ”.
 
Mô hình đã thực hiện được mục tiêu là phân lập giống nấm từ cây đạt chất lượng cao, bảo đảm các yếu tố di truyền tốt, nguồn gen ổn định tại Quảng Bình để làm phong phú thêm nguồn giống nấm, tự chủ và tạo ra giống nấm phù hợp với điều kiện khí hậu tự nhiên của địa phương, phát triển kinh tế hộ gia đình.
 
Việc áp dụng thành công quy trình phân lập và sản xuất giống nấm rơm trên cơ chất rơm rạ sẽ tạo ra nguồn giống nấm rơm phù hợp với điều kiện tự nhiên, mang thương hiệu Quảng Bình; đồng thời, góp phần giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, đẩy mạnh phong trào trồng nấm ở tỉnh ta.
 
Mặt khác, đây là mô hình đầu tiên của trung tâm nghiên cứu và phân lập giống nấm gốc, chính vì vậy, việc phân lập thành công giống nấm gốc của trung tâm góp phần hiệu quả vào việc chủ động nguồn cung cấp về các giống nấm cho việc phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn tỉnh. Kết quả, mô hình được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao, khuyến khích trung tâm chuyển giao công nghệ đến cho người dân.
 
Ngoài các mô hình, dự án trồng nấm, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN còn triển khai mô hình “Xây dựng vườn cây thực nghiệm tại Trại thực nghiệm xã Vĩnh Ninh” với quy mô vườn thực nghiệm 2.000 m2 và 15 giống cây ăn quả.
 
Mục tiêu của mô hình là xây dựng vườn thực nghiệm một số giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như các giống cam mật (bản địa) và cam Valencia V2; các giống bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh), bưởi Hồng Quang Tiến (Nghệ An) và bưởi Diễn, quýt đường (Phủ Quỳ), ổi Đài Loan, mít Thái Lan, xoài Đài Loan và Thái Lan, giống na không hạt (Thái Lan), giống nhãn lồng (Hưng Yên)… để khảo nghiệm đánh giá khả năng phát triển, phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng tại xã Vĩnh Ninh (Quảng Ninh).
 
Hiện, vườn cây phát triển tốt, một số loại cây như cam mật, mít Thái Lan, ổi Đài Loan phát triển nhanh đã cho thu hoạch bói; một số giống cây như hồng, na không hạt phát triển chậm hơn và tiếp tục được chăm sóc, theo dõi khả năng sinh trưởng.
 
Đầu năm 2019, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN và Trung tâm Thông tin và thống kê KH-CN được sáp nhập thành Trung tâm Ứng dụng và thống kê KH-CN. Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và thống kê KH-CN cho biết: Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tập trung vào việc đổi mới và phát triển công nghệ sản xuất, đặc biệt chú trọng về phát triển công nghệ sinh học thực phẩm, như: sản xuất nước uống đóng chai, trà hòa tan, trà dược liệu…; các chế phẩm sinh học mang thương hiệu của trung tâm: chế phẩm xử lý môi trường ENVIMIC; chế phẩm xử lý nguyên liệu nuôi trồng nấm (DOMIC); chế phẩm xử lý chất thải hữu cơ làm phân bón hữu cơ vi sinh (QUAMIC)…
 
Bên cạnh đó, trung tâm hoàn thiện quy trình đưa vào ứng dụng rộng rãi giống nấm dạng dịch thể trên địa bàn toàn tỉnh đối với các loại giống nấm linh chi và nấm sò; tiếp tục nghiên cứu các loại giống nấm mới dạng dịch thể và sản xuất sinh khối nấm…
 
Ngoài ra, trung tâm tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành chuyển giao các công nghệ mà đơn vị đang làm chủ, như: công nghệ sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu; xử lý nguyên liệu nuôi trồng, xử lý môi trường, xử lý nước thải, công nghệ vi sinh trong nuôi trồng thủy sản; mô hom trong sản xuất giống cây lâm nghiệp…
 
Thanh Hoa
,