.

Điều tra dịch tễ học, định type vi rút gia cầm độc lực cao

.
08:05, Thứ Ba, 04/12/2018 (GMT+7)
(QBĐT) - Qua các buổi hội thảo, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ, đề tài “Điều tra dịch tễ học, định type vi rút cúm gia cầm độc lực cao tỉnh Quảng Bình” đã được Hội đồng khoa học cấp tỉnh đánh giá cao về tính thực tiễn và những lợi ích mang lại. Đề tài đang được xem xét để áp dụng vào thực tế ngành chăn nuôi ở tỉnh ta hiện nay.
 
Dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại Quảng Bình lần đầu tiên vào năm 2004, ở 13 xã phường, thuộc 4 huyện với số gia cầm bị tiêu hủy là 26.963 con. Năm 2012, dịch cúm lại tiếp tục xảy ra, gây thiệt hại 52.529 gia cầm nuôi.
 
Từ đó đến nay, các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm ở tỉnh ta đã được tích cực thực hiện. Tuy nhiên, việc loại trừ dịch vẫn chưa đạt được, vi rút cúm gia cầm vẫn lưu hành và gây dịch ở các trang trại hay các hộ chăn nuôi.
 
Đề tài do Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện với mục tiêu đánh giá thực trạng vệ sinh thú y và các yếu tố dẫn đến dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh ta, đồng thời, thiết lập hệ thống dự báo phòng, chống hiệu quả dịch bệnh do vi rút gây ra cho gia cầm nuôi. Đây là công trình nghiên cứu đề cao phân tích sự tương tác giữa sinh thái và dịch tễ bệnh cúm gia cầm, ảnh hưởng của vùng sinh thái đến khả năng lây nhiễm, lưu hành, tồn tại của vi rút cúm gia cầm.
 
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trên địa bàn tỉnh ta, thời gian qua, không xảy ra dịch cúm gia cầm nhưng vẫn ghi nhận được các trường hợp gia cầm dương tính với H5N1, H5N6. Trong đó, chủng H5N6 xuất hiện tại 5 địa phương, gồm thị xã Ba Đồn, TP. Đồng Hới và các huyện Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy. Đặc biệt, chủng H5N1 xuất hiện tần số cao ở Lệ Thủy và Quảng Ninh. Chỉ riêng Quảng Trạch không có sự lưu hành của các chủng loại vi rút có nguy cơ phát sinh dịch cao như các huyện còn lại. Phân tích kết quả giám sát theo thời gian thì thấy dịch cúm xuất hiện cao ở các tháng 1, 2, 3, 8, 11 và 12.
Để tránh dịch bệnh lây lan ở gia cầm, ngoài yếu tố con giống, thức ăn, chuồng trại thì tiêm phòng vắc xin là việc làm cần thiết.
Để tránh dịch bệnh lây lan ở gia cầm, ngoài yếu tố con giống, thức ăn, chuồng trại thì tiêm phòng vắc xin là việc làm cần thiết.
Trong kết quả phân tích dịch tễ học, các chủng dịch cúm ở tỉnh ta có sự liên hệ về mặt di truyền đối với các chủng dịch cúm trong nước và khu vực lân cận (Nhật Bản, Hàn Quốc), chưa có sự lai tạp hay xuất hiện các chủng có nguồn gốc ở châu Âu, Tây Á… Việc xác định nguồn gốc của vi rút đang lưu hành có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn vắc xin phù hợp để ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang sử dụng nhiều loại vắc xin có chủng gốc RE1, RE5, RE6, RE8. Qua kết quả phân tích dịch tễ học, nhóm nghiên cứu khuyến cáo nguồn vắc xin RE5, RE8 là vắc xin phù hợp nhất có thể ngăn ngừa, giảm tình trạng bệnh và khống chế được nguồn truyền lây vi rút.
 
Đặc biệt, nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra các yếu tố nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm, gồm: địa điểm chăn nuôi gần đường giao thông chính, chăn nuôi cạnh ao, ngòi công cộng, chăn thả đồng; sử dụng nước ao, hồ trong chăn nuôi; không tiêm vắc xin cúm gia cầm hàng năm; nuôi chung nhiều loại gia cầm với nhau và đặc biệt là cho gia cầm tiếp xúc với chim trời.
 
Để kiểm soát dịch bệnh cúm gia cầm hiệu quả, nhóm nghiên cứu cũng đã đưa ra một số giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh, như: giống gia cầm mua về nuôi phải khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng; thức ăn cũng phải có nguồn gốc và cần có sự đánh giá chất lượng hàng năm của cơ quan chức năng; nguồn nước cho gia cầm phải sạch sẽ, hạn chế sử dụng nước ao hồ; chuồng trại không nhất thiết phải kiên cố nhưng phải thoáng mát, sạch sẽ mùa hè và ấm áp vào mùa đông; tiêm phòng là yếu tố quyết định quan trọng nhất trong phòng dịch cúm gia cầm, theo kế hoạch của cơ quan thú y thì mỗi năm nên tiêm 2 lần (tốt nhất nên tiêm tháng 2 và 8)…
 
Ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: "Việc áp dụng kết quả của đề tài vào thực tiễn ngành chăn nuôi gia cầm ở tỉnh ta là rất cần thiết hiện nay, bởi, đề tài đã xác định được các yếu tố nguy cơ làm phát sinh và lây lan dịch cúm gia cầm để người dân chủ động trong công tác phòng dịch. Các kết quả chẩn đoán, định type vi rút gây bệnh đóng vài trò quan trọng trong việc lựa chọn vắc xin phù hợp để phòng, chống dịch bệnh cho các địa phương ở tỉnh ta. Dựa vào kết quả của đề tài, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ khuyến cáo người dân nên lựa chọn vắc xin có chủng gốc (RE5, RE8) để phòng bệnh cho gia cầm; đồng thời, khuyến cáo người dân áp dụng hệ thống dự báo, chủ động phòng, chống dịch bệnh nhằm giảm bớt thiệt hại trong chăn nuôi."
 
T. Hoa
,