.

Phát huy hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học

.
08:35, Thứ Tư, 14/11/2018 (GMT+7)

(QBĐT) - Thời gian qua, công tác bảo tồn và phát triển bền vững hệ sinh thái tự nhiên đã được các cấp, ngành chú trọng với nhiều giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao và phát huy giá trị đa dạng sinh học của các hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh, như: dự án bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu -Khe Nước trong, huyện Lệ Thủy; dự án lồng ghép chiến lược thích ứng dựa trên Hệ sinh thái (EbA) tại Việt Nam; dự án bảo tồn và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng…

Năm 2018, trên cơ sở nội dung dự án bảo vệ đa dạng sinh học và tăng cường các dịch vụ sinh thái của rừng Động Châu-Khe Nước Trong, huyện Lệ Thủy, tỉnh đã xây dựng Đề án thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong.

Kết quả bước đầu đã phát hiện được 65 loài, trong đó có 29 loài thú, 33 loài chim, 3 loài bò sát với các loài mới phát hiện gồm: mang lớn, mang Trường Sơn, thỏ vằn; các loài nguy cấp quý hiếm, như: têtê Java, chà vá chân nâu, khỉ mặt đỏ, khỉ đuôi lớn, khỉ vàng, gấu ngựa, các loài cầy, chồn, trĩ sao, gà lôi hồng tía, gà lôi lam…

Loài Voọc ngũ sắc trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong (Lệ Thủy) (được điều tra, tìm kiếm bằng phương pháp chụp bẫy ảnh)
Loài Voọc ngũ sắc trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong (Lệ Thủy) (được điều tra, tìm kiếm bằng phương pháp chụp bẫy ảnh).

Cùng với đó, việc khảo sát về thảm và khu hệ thực vật tại khu vực Động Châu-Khe Nước Trong; đi sâu điều tra các loài linh trưởng, như: chà vá chân nâu, vượn Shiki, đã cơ bản hoàn thành.

Công tác cứu hộ và thả về môi trường tự nhiên các loài động vật hoang dã cũng được các ngành chức năng tổ chức thực hiện tốt. Thời gian qua, Trung tâm Cứu hộ bảo tồn và Phát triển sinh vật đã thực hiện tiếp nhận, cứu hộ trên 1.000 cá thể động vật hoang dã thuộc 46 loài, gồm 20 loài quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam, 25 loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm (quy định tại Nghị định 32/2006/NĐ-CP, Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ); cứu hộ trên 800 cá thể thành công, gần 600 cá thể thả về môi trường tự nhiên Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và chuyển giao 110 cá thể cho các trung tâm cứu hộ, cơ quan chức năng khác.

Tuy nhiên, theo đánh giá, công tác bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ, như: chức năng, thẩm quyền quản lý Nhà nước về bảo tồn đa dạng sinh học còn chồng chéo giữa ngành Nông nghiệp-PTNT với ngành Tài nguyên-Môi trường, dẫn đến quá trình thực hiện chưa rõ ràng, hiệu quả; nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học ở địa phương còn hạn chế nên việc thực hiện chương trình nghiên cứu, điều tra về đa dạng sinh học thiếu hệ thống; nhận thức chung về bảo tồn đa dạng sinh học của cộng đồng còn thấp.

Bên cạnh đó, tình trạng săn bắt, vận chuyển, buôn bán, quảng cáo, sử dụng trái phép động vật hoang dã chưa được ngăn chặn triệt để; hoạt động nuôi nhốt trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm phát triển thiếu kiểm soát; vấn đề vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã vẫn diễn ra dưới nhiều hình thức...

Thực trạng trên làm suy giảm nguồn lợi động vật trong thiên nhiên, phá hủy hệ sinh thái, môi trường, gây tác động tiêu cực đến quần thể các loài động vật nói chung và ảnh hưởng không tốt đến nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc thực hiện các Công ước quốc tế mà Việt Nam là tổ chức thành viên.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt Chiến lược Quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học, như: việc cần thiết phải quy về một mối nhằm tạo ra sự đổi mới trong xây dựng, điều chỉnh chính sách, luật pháp và thống nhất nguồn lực trong quản lý, bảo tồn đa dạng sinh học; đề cao hơn nữa giá trị, củng cố hiệu quả quản lý của hệ thống khu bảo tồn hiện có, khai thác có hiệu quả và bền vững hệ thống này; bảo đảm chia sẻ lợi ích công bằng để góp phần cải thiện sinh kế, tình trạng nghèo đói của các cộng đồng nông thôn, miền núi, hải đảo có đời sống đang phụ thuộc vào giá trị hữu hình, vô hình này; tăng cường năng lực nghiên cứu lượng giá về kinh tế-môi trường của các hệ sinh thái và đa dạng sinh học, bao gồm cả tri thức bản địa của từng dân tộc tại từng địa phương, làm cơ sở cho các chính sách phù hợp trong bảo tồn và phát triển.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục chú trọng đầu tư, bảo đảm ngân sách cho việc triển khai các hoạt động; đồng thời thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực thực hiện những chương trình, dự án trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh đã được phê duyệt.

Hiện tại, tỉnh ta đã quy hoạch được 4 khu bảo tồn thiên nhiên, gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên dãy núi Giăng Màn với diện tích 10.000/20.000ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Khe Nét diện tích 26.800ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu- Khe Nước Trong diện tích 19.000ha, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng diện tích 126.326ha.

Ngoài ra, còn có quy hoạch các khu bảo vệ cảnh quan, gồm: Khu bảo vệ cảnh quan núi Thần Đinh (chùa Non) 136ha, Khu bảo vệ cảnh quan Vũng Chùa-Đảo Yến khoảng 8.000ha; quy hoạch bảo vệ và phát triển hệ sinh thái tự nhiên Khu bảo vệ cảnh quan đất ngập nước Bàu Sen trên địa bàn các xã Sen Thủy, Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy) với diện tích khoảng 200ha...

Ngọc Lan
 

,