.

Nhiều chuyên gia nghi ngờ người dẫn chương trình nhân tạo của Trung Quốc

.
09:46, Thứ Hai, 19/11/2018 (GMT+7)
Thông tin về người dẫn chương trình tin tức đầu tiên bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) của hãng tin Tân Hoa Xã mới đây đã khiến nhiều chuyên gia công nghệ quốc tế tỏ quan điểm nghi ngờ.
Người dẫn chương trình AI như quảng bá của hãng tin Tân Hoa xã - Ảnh chụp lại từ màn hình: CNBC
Người dẫn chương trình AI như quảng bá của hãng tin Tân Hoa xã - Ảnh chụp lại từ màn hình: CNBC
Đài CNBC dẫn quan điểm của ông Will Knight, biên tập viên cao cấp về AI tại tạp chí MIT Technology Review, bày tỏ những điểm ngờ vực: "Việc sử dụng thuật ngữ AI trong ngữ cảnh này có chút xảo biện, vì bản thân người dẫn chương trình này không thông minh, nó cũng không có chút trí tuệ nào… Họ đang sử dụng một dạng thuật toán máy học (machine learning) vốn là một trường thứ cấp của AI để bắt chước vẻ như thật của một người dẫn chương trình thật và giọng nói thật của người đó".
 
Khi lần đầu tiên nhìn thấy người dẫn chương trình, ông Knight đã nghĩ đó là một kiểu bắt chước rất ấn tượng. "Công nghệ nền tảng trong việc tạo ra gương mặt và giọng nói là ý tưởng cơ bản và rất có tiềm năng ứng dụng".
 
Tuy nhiên ông cũng nói thêm nếu người dẫn chương trình tự viết kịch bản của họ, đó lại là câu chuyện khác. "Nếu nó tiếp nhận một loạt bản tin, nhận thêm một số cuộc điện thoại và sau đó viết lại nội dung, đó sẽ là điều tuyệt vời, nhưng chuyện này lại vượt quá khả năng của một cỗ máy".
 
Cũng như với mọi công nghệ mới, các thuật ngữ liên quan tới nó có thể đi vào lời ăn tiếng nói của mọi người trước khi họ thực sự hiểu đầy đủ về nó.
 
"Chúng ta cũng nên luôn thực sự cẩn trọng khi sử dụng thuật ngữ AI, và trong ngữ cảnh này bạn sẽ không muốn nói là người dẫn chương trình này thực sự chứng tỏ bất cứ trí thông minh nào cả, vì nó không phải thế, nó chỉ là một kiểu con rối số hóa tinh vi mà thôi", ông Knight nói.
 
Đồng thuận phần nào với chuyên gia Knight, ông Ali Shafti, nhà nghiên cứu về robot và AI tại trường Imperial College London, cho rằng rất có thể công nghệ AI đã tạo ra người dẫn chương trình của hãng tin Tân Hoa Xã và giọng nói của nó, nhưng bản thân người dẫn chương trình đó thì không thể tư duy.
 
Ông phân tích: "Cái thực sự đã tạo nên những hình ảnh và chuyển động của môi và giọng nói của người dẫn chương trình này là sử dụng các thuật toán liên quan tới AI. Tuy nhiên gọi đây là người dẫn chương trình AI thì là hơi quá".
 
Chuyên gia Knight nói thêm: "Làm một công việc kiểu như viết tin tức là một trong những việc khó khăn nhất một máy tính có thể làm. Ngôn ngữ quá rộng rãi và linh hoạt nên máy móc rất dễ mắc sai lầm, thực tế mà quý vị có thể quan sát thấy với các bot và những cái tương tự".
 
Theo ĐỖ DƯƠNG (Tuổi trẻ)
,