.

Quảng Bình sẽ được xem truyền hình chất lượng cao vào cuối năm 2018

Thứ Ba, 07/11/2017, 08:29 [GMT+7]

(QBĐT) - Theo đề án của Chính phủ, Quảng Bình thuộc nhóm tỉnh, thành phố chính thức số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất vào giai đoạn 3, tắt sóng analog (truyền hình tương tự) trước ngày 31-12-2018. Đến thời điểm này, công tác tuyên truyền rộng rãi đến người dân cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện đúng lộ trình đang được các cơ quan liên quan ở tỉnh ta chú trọng triển khai...

Với việc tắt sóng analog, công nghệ thu sóng qua dàn ăng- ten trên tivi, thay vào đó là truyền hình số, người dân sẽ được xem nhiều kênh truyền hình có chất lượng hình ảnh và âm thanh tốt hơn, thay vì chỉ xem được 4-5 kênh như hiện nay. Tín hiệu truyền hình số sẽ không còn hiện tượng “muỗi”, “bóng mờ” như khi xem tín hiệu truyền hình tương tự. Người xem còn có thể xem truyền hình có độ phân giải cao, truyền hình 3D, xem truyền hình trên các thiết bị di động... Việc số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất còn giúp tiết kiệm băng thông, tăng hiệu quả đầu tư, tiết kiệm chi phí thiết bị, nhân công vận hành...

Qua tìm hiểu, các tỉnh đã thực hiện số hóa truyền hình, khi tắt sóng truyền hình analog không gây ảnh hưởng đến các hộ gia đình hiện sử dụng mạng truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình internet... Người dân có thể mua máy thu hình thích hợp, hoặc đầu thu truyền hình số để tiếp tục xem truyền hình số mặt đất. Theo đó, để quá trình chuyển đổi diễn ra được thuận lợi, người dân cần nắm được thời điểm tắt sóng truyền hình analog, chuyển sang sử dụng các phương thức thu khác, như truyền hình vệ tinh, truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình internet. Hoặc người dân mua đầu thu truyền hình số hoặc máy thu hình có tích hợp đầu thu để tiếp tục xem truyền hình.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hoàng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình tại hội nghị do Sở TT-TT tổ chức gần đây.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tiến Hoàng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình tại hội nghị do Sở TT-TT tổ chức gần đây.

Để thực hiện lộ trình số hóa truyền hình, ngoài Quyết định số 2451/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020, Chính phủ còn ban hành văn bản khác như: “Quyết định số 1168/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020; Thông tư số 06/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) về việc hướng dẫn thực hiện dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020... Các chương trình đề ra nhằm hỗ trợ địa phương phát sóng truyền hình trên vệ tinh, cung cấp thiết bị nghe nhìn, thúc đẩy việc thực hiện số hóa truyền hình trên địa bàn tỉnh; đáp ứng phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền, bảo đảm mọi người dân, đặc biệt là người dân vùng núi, biên giới, hải đảo; các hộ nghèo, cận nghèo... ai cũng được xem truyền hình chất lượng cao.  

Tại Quảng Bình, để đẩy nhanh lộ trình số hóa truyền hình, bảo đảm các điều kiện để ngừng phát sóng truyền hình tương tự trước ngày 31-12-2018, Sở TT-TT đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện “Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020" của Chính phủ, tỉnh Quảng Bình. Sở cũng tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, tập huấn, phổ biến, tuyên truyền rộng rãi về việc triển khai thực hiện lộ trình số hóa đến người dân biết và chủ động trước thời điểm ngừng phát sóng sóng truyền hình tương tự.

Hiện nay, Quảng Bình có một Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, 8 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện. Bên cạnh việc thực hiện phương thức phát sóng truyền hình tương tự, kênh QBTV của Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Bình đang được phát sóng qua vệ tinh Vinasat 1, thông qua trang thông tin điện tử www.qbtv.vn và còn được truyền dẫn, phát sóng trên tất cả các hạ tầng mạng kể cả các mạng thông tin di động, các dịch vụ truyền hình vệ tinh VTC, MobiTV, K+,... truyền hình cáp, internet như SCTV, MyTV, FPT play, NetTV,...  Từ đó, người sử dụng có thể xem kênh QBTV trên tất cả các thiết bị nghe nhìn, máy tính, Ipad và điện thoại thông minh cá nhân. Hạ tầng phát sóng truyền hình số, dịch vụ truyền hình trả tiền được phát triển cơ bản rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Đây là một thuận lợi lớn khi Quảng Bình tiến hành tắt sóng analog trước ngày 31-12-2018.

Trong thời gian tới, để triển khai tốt Đề án số hóa truyền hình ở Quảng Bình, bảo đảm đúng tiến độ tắt sóng analog trước ngày 31-12-2018, thì một trong những việc quan trọng nhất hiện nay là tăng cường công tác tuyên truyền để các cấp lãnh đạo và người dân của địa phương thấu hiểu lợi ích, xu hướng và lộ trình của đề án. Đồng thời, tiến hành điều tra, thống kê tổng số hộ nghèo, cận nghèo để hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho họ. Đây cũng là một trong những vấn đề khó khăn nhất khi thực hiện việc tắt sóng analog trước ngày 31-12-2018, bởi số hộ nghèo và cận nghèo ở tỉnh ta tương đối nhiều. Sở TT-TT đề nghị Bộ TT-TT, UBND tỉnh sớm có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để thực hiện các công tác này.

Phan Phương