.

Ứng dụng công nghệ điện toán đám mây trong phát hiện biến động rừng

Thứ Sáu, 06/10/2017, 08:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Quảng Bình có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, tuy nhiên, các khu rừng có trữ lượng gỗ lớn lại trải rộng trên nhiều địa bàn và chủ yếu phân bố ở vùng sâu, vùng xa, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn. Đây là những trở ngại đối với công tác quản lý bảo vệ rừng. Do đó, việc ứng dụng phần mềm biến động rừng trên nền tảng công nghệ điện toán đám mây là một trong những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý bảo vệ rừng nói chung và theo dõi diễn biến rừng nói riêng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh.

Để khắc phục và giải quyết các khó khăn đối với công tác quản lý bảo vệ rừng, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã đề ra nhiều nhiều sáng kiến, cách làm mới phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Kế thừa kết quả đạt được từ chương trình ứng dụng máy tính bảng trong theo dõi diễn biến rừng năm 2016, năm 2017, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với Dự án hỗ trợ kỹ thuật quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (Dự án SNRM) triển khai ứng dụng phần mềm "Phát hiện biến động rừng" bằng ứng dụng công nghệ điện toán đám mây (Google earth engine) để phân tích, theo dõi các biến động về rừng.

Phần mềm "Phát hiện biến động rừng" là một ứng dụng chạy trên web, sử dụng hệ thống Google earth engine. Ứng dụng này có thể chạy với trình duyệt Google chrome trên nhiều hệ điều hành, bao gồm máy tính, máy điện thoại thông minh và máy tính bảng. Dữ liệu vệ tinh bao gồm toàn bộ dữ liệu từ năm 1984 đến nay và luôn là mới nhất, có thể cách thời điểm hiện tại chỉ 3 ngày.

Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh sử dụng phần mềm biến động rừng để phân tích, phát hiện các vùng rừng biến động.
Cán bộ Chi cục Kiểm lâm tỉnh sử dụng phần mềm biến động rừng để phân tích, phát hiện các vùng rừng biến động.

Phần mềm rất tiện ích và dễ sử dụng, cán bộ kiểm lâm chỉ đơn giản chọn địa bàn cần quan tâm, lựa chọn số liệu và địa bàn kỳ trước, số liệu và địa bàn kỳ sau, sau đó tiến hành chạy ứng dụng, phần mềm sẽ tự động phát hiện vùng biến động rừng (bao gồm cả rừng trong quy hoạch và ngoài quy hoạch lâm nghiệp) trong khoảng thời gian bất kỳ từ một tháng đến vài năm. Từ đó, kiểm lâm địa bàn chủ động kiểm tra xác minh vùng biến động và cập nhật kịp thời số liệu theo lô, khoảnh, tiểu khu vào bản đồ.

Kết quả chạy thử phần mềm "Phát hiện biến động rừng" với ảnh vệ tinh ở một số địa bàn, như: Minh Hóa, Lệ Thủy...., cho thấy, đã phát hiện chính xác các biến động về rừng theo tháng, theo quý, đặc biệt các biến động về rừng diễn ra ở khu vực vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn. Trước đây, việc phát hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đánh giá của các đơn vị cơ sở và các chủ rừng, việc ứng dụng phần mềm phát hiện biến động rừng trên nền tảng ảnh vệ tinh và công nghệ điện toán đám mây sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý bảo vệ rừng trong thời gian tới. Với những tính năng ưu việt nêu trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ phối hợp Dự án FCPF - 2, Dự án SRMS tiếp tục nhân rộng phần mềm "Phát hiện biến động rừng" trên cơ sở sử dụng ảnh vệ tinh ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cho các Hạt Kiểm lâm sở tại, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy cháy chữa rừng, các đơn vị chủ rừng.

Nguyễn Tuấn Anh
(Chi cục Kiểm lâm tỉnh)