.

Sóng thần đưa 1 triệu sinh vật từ Nhật qua Mỹ

Thứ Hai, 02/10/2017, 16:12 [GMT+7]
Vừa qua các nhà khoa học phát hiện khoảng 300 loài cư trú tại Nhật xuất hiện ở bờ biển phía tây nước Mỹ.
Con trai, hàu, cỏ chân ngỗng bám vào một phao cứu hộ lênh đênh từ Nhật sang Mỹ sau trận sóng thần năm 2011 - Ảnh: AP
Con trai, hàu, cỏ chân ngỗng bám vào một phao cứu hộ lênh đênh từ Nhật sang Mỹ sau trận sóng thần năm 2011 - Ảnh: AP
Các nhà khoa học gọi đây là cuộc di cư đại dương lớn nhất từng biết. Tổng cộng hơn 1 triệu sinh vật thuộc 300 loài giáp xác, sâu biển, đĩa biển... đã di chuyển gần 10.000km băng ngang Thái Bình Dương đi từ Nhật sang Mỹ.
 
John Chapman, chuyên gia tại Đại học Oregon và là đồng tác giả trong bài báo đăng trên tạp chí Science, nói: "Đây là một trong những chuyện tự nhiên không theo quy luật lớn nhất lịch sử đối với sinh học đại dương".
 
Sở dĩ những sinh vật này có thể di chuyển đoạn đường dài như vậy đi xa khỏi 'tổ ấm' của mình là vì bám vào xà bần gây ra bởi trận động đất năm 2011. Khi đó, trận động đất mạnh 9 độ Richter gây ra sóng thần tại Fukushima, Nhật. Hai thảm họa này khiến nhà cửa đổ nát, tạo ra một lượng lớn xà bần.
 
Các sinh vật bám vào những mảnh nhựa không bị phân hủy, lênh đênh trên đại dương và cuối cùng cập bến nước Mỹ.
 
Trong số những sinh vật mới 'nhập cư' nước Mỹ, có đến 2/3 chưa từng xuất hiện tại đây. Dù ở điều kiện mới, những sinh vật mới này vẫn sinh sản khá tốt.
 
Các chuyên gia cho biết hiện vẫn còn quá sớm và ít nhất phải mất vài năm nữa mới biết rằng liệu những sinh vật mới đến nước Mỹ có giết các sinh vật bản địa và làm mất cân bằng sinh thái hay không.
 
Theo Tuổi trẻ