.

Sửa luật công nghệ để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ Tư, 16/08/2017, 08:20 [GMT+7]

Sau 10 năm thi hành, Luật Công nghệ thông tin đã bộc lộ một số hạn chế trong bổi cảnh ngành này phát triển nhanh, tác động to lớn tới mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công nghệ thông tin phù hợp ngày càng trở nên cấp bách.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ thông tin. (Ảnh: T.H/Vietnam+)
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ thông tin. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tại buổi tọa đàm “Luật Công nghệ thông tin và định hướng phát triển trong thời gian tới” diễn ra chiều 15/8 tại Hà Nội, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT cho hay, để thúc đẩy một ngành công nghiệp phát triển, các văn bản chính sách phải tạo ra cung và cầu cho thị trường. Thế nhưng, các văn bản, thể chế hiện nay để tạo ra cầu còn rất yếu.

Ông Ngọc lấy ví dụ như Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, giao nhiệm vụ cho rất nhiều đơn vị phải làm thế này, thế nọ. Nhưng, có một thực tế thì tính hiệu lực rất yếu và thậm chí có những nơi… chẳng làm gì cả.

“Khi nhà nước xây dựng văn bản thì phải có tính khả thi và có chế tài đi kèm nếu không thực hiện. Văn bản chính sách trong chừng mực nào đấy cần thúc đẩy mạnh vai trò của cơ quan nhà nước, mà ở tất cả quốc gia thì nhà nước là người tạo cầu lớn nhất, nhà nước phải đi tiên phong, xong mới đến doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải tự thân vận động vì nhu cầu cạnh tranh họ phải bắt buộc tin học hóa. Còn nhà nước phải tạo cầu kích thích sự phát triển,” ông Ngọc nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch CMC cho biết, Luật Công nghệ thông tin ra đời đã tạo đà cho sự phát triển của ngành này. Tuy nhiên, những văn bản dưới luật đôi khi thậm chí trái lại tinh thần của Luật, hạn chế những điều Luật đã cho phép. Rất nhiều Thông tư, Nghị định đưa ra gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ Nghị quyết 36a cũng bị vướng câu chuyện là có sự phân biệt giữa các thành phần nhà nước, tư nhân…

Ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT thì nhận định, chúng ta đang chuyển sang giai đoạn kinh tế số, nền công nghiệp lần thứ 4 trong đó có nội hàm quan trọng nhất là một nền kinh tế mới với tài sản mới là tài sản số.

“Tài sản mới này đi kèm toàn bộ luật lệ chính sách mới để xác định rằng thế nào là tài sản số và ai được sở hữu tài sản số này? Nếu chúng ta hình dung có môi trường mới trong đó có rất tài sản số thì việc giao tài sản này cho ai? Ai là người có quyền sử dụng nó sẽ là một vấn đề rất lớn mà Luật Công nghệ thông tin phải thay đổi, phải vượt lên các vấn đề về công nghệ và viễn thông đã từng có,” ông Trung nhấn mạnh.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng góp ý về việc rằng cần có kế hoạch để đồng bộ hóa các Luật khi có sự thay đổi, “xin” được bình đẳng như doanh nghiệp FDI hay công bằng giữa doanh nghiệp công nghệ thông tin nhà nước với tư nhân…

 Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+)
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, sau hơn 10 năm triển khai thi hành Luật Công nghệ thông tin, sự phát triển của ngành đã có nhiều thay đổi. Tại Việt Nam, năng lực quản lý, nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin và trình độ dân trí được nâng cao.

Hiện nay, đã có những xu hướng phát triển công nghệ mới có nhiều đột phá và sáng tạo như IoT, SMAC, AI, Robotic… hình thành nên nền tảng để thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bởi vậy, việc rà soát, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về công nghệ thông tin để phù hợp với xu thế và thực tế phát triển trở nên cấp bách.

Hiện, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ thông tin. Do đó, ông Hưng cho rằng ý kiến đóng góp của các Hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực này sẽ giúp có được những kiến nghị, đề xuất tốt trong việc tổng kết 10 năm thi hành đạo luật này./.

Theo Yên Thủy (Vietnam+)