.

Từ đề tài khoa học đến thực tiễn cuộc sống

Thứ Tư, 12/07/2017, 08:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm phát triển khoa học và công nghệ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực đã phát huy tiềm năng và lợi thế ở địa phương, góp phần phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, cải thiện an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Là nghề truyền thống nổi tiếng của tỉnh Quảng Bình, những năm qua, nghề chế biến nước mắm đã phát triển với sản lượng ước đạt khoảng 4 triệu lít mỗi năm. Dự án “Ứng dụng công nghệ sản xuất nước mắm bằng năng lượng mặt trời theo chu trình kín bảo đảm an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì thực hiện góp phần giúp các làng nghề chế biến nước mắm không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn bảo vệ môi trường, phát triển bền vững sinh kế cho người dân vùng ven biển.

Dự án đã lựa chọn những hộ sản xuất nước mắm lâu đời, sản xuất thường xuyên, quy mô trên 10 tấn cá/năm tham gia xây dựng mô hình. Trong quá trình triển khai, dự án đã tiến hành lắp đặt 6 bộ thiết bị chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời tại cơ sở chế biến nước mắm Quy Đức, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch; cơ sở chế biến nước mắm bà Hạ, phường Hải Thành; cơ sở chế biến nước mắm Long Tám, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới; cơ sở chế biến nước mắm tại xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch. Dự án đã tiến hành sản xuất thí điểm tại cơ sở chế biến nước mắm Quy Đức, chất lượng nước mắm ngon, các chỉ tiêu hóa lý đạt yêu cầu.
So với công nghệ chế biến nước mắm truyền thống, công nghệ sử dụng hệ thống cấp nhiệt từ năng lượng mặt trời, hệ thống đắp lù và náo đảo cải tiến đã hiện đại hóa quá trình chế biến theo hướng sản xuất công nghiệp. Với những thao tác khá đơn giản, một công nhân cũng có thể vận hành một xưởng có quy mô 500 tấn cá/vụ một cách dễ dàng.

Lắp đặt thiết bị chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời tại cơ sở chế biến nước mắm Quy Đức (Đức Trạch, Bố Trạch).
Lắp đặt thiết bị chế biến nước mắm bằng năng lượng mặt trời tại cơ sở chế biến nước mắm Quy Đức (Đức Trạch, Bố Trạch).

Kết quả của dự án sẽ có tác động mạnh mẽ trong việc cải thiện môi trường các làng nghề chế biến nước mắm; nâng cao thu nhập cho người dân bằng cách rút ngắn thời gian chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần vào việc ổn định an sinh xã hội. Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Dẩn, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Quy Đức thì việc áp dụng công nghệ chế biến nước mắm bằng hệ thống cấp nhiệt từ năng lượng mặt trời góp phần chuyển đổi nghề sản xuất nước mắm truyền thống bằng công nghệ bán tự động, giúp người chế biến tiết kiệm được công lao động, nâng cao hiệu quả trong quá trình sản xuất.

Đồ chơi trẻ em là loại sản phẩm đặc thù liên quan đến an toàn, sức khỏe trẻ em. Tuy nhiên, mặt hàng này đang được sản xuất tràn lan, sử dụng các nguyên liệu tái chế, nhất là các sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc chứa nhiều nguyên tố độc hại, như: chì, cadimi, asen, thủy ngân, focmandehyt... gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ em khi tiếp xúc.

Trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Thử nghiệm là đơn vị đầu tiên được đầu tư thiết bị máy sắc ký khí ghép khối phổ, máy quang phổ hấp thụ nguyên tử. Đây là các thiết bị có khả năng sử dụng để phân tích được các nguyên tố kim loại, hợp chất hữu cơ ở nồng độ thấp. Nhưng, các quy trình phân tích hiện tại nếu muốn áp dụng trên máy cụ thể để phân tích các vi lượng với nồng độ thấp cần phải được nghiên cứu làm rõ. Do vậy, việc nghiên cứu để hoàn thiện tối ưu quy trình phân tích các nguyên tố độc hại trong đồ chơi trẻ em nhằm nâng cao độ chính xác và độ nhạy của phép thử đáp ứng nhu cầu phân tích phục vụ công tác quản lý tiêu chuẩn chất lượng, phục vụ trưng cầu giám định của các cơ quan chức năng và nghiên cứu đề xuất các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng là rất cần thiết.

Đề tài “Nghiên cứu, phân tích và đánh giá mức thôi nhiễm các nguyên tố độc hại trong đồ chơi trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” do Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Thử nghiệm thực hiện sẽ đánh giá một cách toàn diện về tình hình chất lượng các sản phẩm đồ chơi trẻ em được kinh doanh trên địa bàn, qua đó cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý, cảnh báo cho người tiêu dùng để lựa chọn sản phẩm phù hợp.

Theo ông Giang Tấn Thông, Trưởng phòng Thử nghiệm Hóa sinh môi trường, Trung tâm Kỹ thuật Đo lường Thử nghiệm, sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đã tiến hành điều tra tình hình kinh doanh các loại đồ chơi trẻ em, lấy mẫu đồ chơi, phân tích các nguyên tố độc hại trong đồ chơi với 61 mẫu, trong đó phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng 40 mẫu, chỉ tiêu Formaldehyt 13 mẫu, các chỉ tiêu amin thơm 25 mẫu và bước đầu cho những kết quả nhất định.

Cùng với các đề tài trên, thời gian qua, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống khi có tính ứng dụng cao, mang lại hiệu quả thiết thực, như: đề tài “Đánh giá thực trạng nhiễm virus viêm gan B trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình và đề xuất biện pháp phòng chống” do Sở Y tế Quảng Bình thực hiện; đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ nano trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh thực hiện...

Từ thực tế cho thấy, nhiều đề tài có giá trị khoa học và thực tiễn cao đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng, hiệu quả chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, đời sống cho nhân dân, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Hồng Duyên
(Trung tâm Thông tin KH-CN Quảng Bình)