.

Quảng Trạch: Ứng dụng chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh cho cây hồ tiêu

Thứ Ba, 04/07/2017, 09:34 [GMT+7]

(QBĐT) - Để giúp bà con nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cây hồ tiêu trên vùng đất gò đồi, nâng cao thu nhập kinh tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch đã thử nghiệm thành công đề tài sử dụng chế phẩm sinh học để phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu. 

Trong những năm gần đây, nhiều vườn tiêu của các địa phương trong cả nước nói chung và trên địa bàn huyện Quảng Trạch nói riêng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi loại bệnh chết nhanh. Tác nhân chính gây bệnh đó là loại nấm Phytophthora capsici, bệnh này được xếp vào hạng nguy hiểm nhất và gây thiệt hại kinh tế lớn nhất đối với cây hồ tiêu. Bệnh có thể làm giảm năng suất của cây tiêu từ 30 đến 70%, thậm chí lên tới 90%. Để phòng, chống các loại bệnh hại cây tiêu, người dân phải dùng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học để phòng trừ.

Tuy nhiên, các loại thuốc này chi phí cao nhưng hiệu quả phòng trừ thấp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Trước thực trạng đó, Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch đã cử một tổ kỹ thuật, do kỹ sư Võ Xuân Hồng, Phó Trưởng phòng, làm Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu "Thử nghiệm một số chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu trong thời kỳ kinh doanh", nhằm giúp người dân áp dụng chăm sóc cây tiêu, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Vườn tiêu sử dụng chế phẩm MK8 của gia đình ông Phan Văn Minh, thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch) phát triển xanh tốt, cho thu nhập cao.
Vườn tiêu sử dụng chế phẩm MK8 của gia đình ông Phan Văn Minh, thôn Vân Tiền, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch) phát triển xanh tốt, cho thu nhập cao.

Sau khi chọn được đề tài, tháng 9 năm 2015, Phòng đã triển khai thực nghiệm trên diện tích 3ha cây hồ tiêu, với khoảng 1.600 gốc, tại vùng đất gò đồi của 3 xã Quảng Lưu, Quảng Tiến và Quảng Thạch. Tại đây, 5 hộ dân của 3 xã đã được hỗ trợ 3 loại chế phẩm sinh học MK8 (Pseudomonas), Trichodermas và RidomilGold, đồng thời được tổ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp quy trình sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu.

Qua gần 2 năm triển khai, kết quả cho thấy, số diện tích cây hồ tiêu sử dụng các chế phẩm sinh học đã giảm được bệnh chết nhanh và cho năng suất cao hơn. Đặc biệt chế phẩm sinh học MK8 (Pseudomonas) đã giảm hẳn bệnh chết nhanh do nấm Phytophthora gây ra, giảm tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, ngăn chặn được ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe của con người và vật nuôi.

Toàn huyện Quảng Trạch hiện có khoảng 120ha diện tích cây hồ tiêu, chủ yếu trồng ở vùng gò đồi của các xã Quảng Lưu, Quảng Thạch, Quảng Tiến, Quảng Trường, Quảng Liên và được bà con nông dân trồng xen trong các vườn nhà, nên việc phòng trừ sâu bệnh còn rất hạn chế, dẫn đến năng suất thấp, nhiều vườn tiêu bị chết hàng loạt do bệnh chết nhanh. Thực tế cho thấy, năm 2016, tại một số vườn tiêu ngoài vùng thử nghiệm của xã Quảng Thạch, Quảng Lưu và Quảng Tiến, bệnh chết nhanh phát triển gây hại cục bộ.

Tuy nhiên, tham gia thực hiện mô hình sử dụng các chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu, các hộ dân sự đầu tư phân bón cân đối, áp dụng kỹ thuật theo đúng quy trình, nên hiệu quả phòng trừ bệnh cao, cây tiêu có màu lá xanh đậm, khỏe, tỷ lệ quả đậu cao, hạt chắc. Vào thời điểm tiêu hạt giá thấp như hiện nay, 1ha thu được từ 90 đến 120 triệu đồng (tùy theo mức đầu tư của từng hộ gia đình), cao hơn khoảng 20 triệu đồng so với số diện tích không sử dụng chế phẩm sinh học.

Ông Võ Xuân Hồng, Phó Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch cho biết, thời gian tới, Phòng sẽ khuyến cáo cho các địa phương trong huyện, hướng dẫn bà con nông dân đưa chế phẩm sinh học MK8 (Pseudomonas) vào trồng tiêu, nhằm phòng, chống có hiệu quả bệnh tiêu chết nhanh.

Việc thực hiện thành công đề tài nghiên cứu "Thử nghiệm một số chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu trong thời kỳ kinh doanh" của tổ kỹ thuật thuộc Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch đã góp phần phòng trừ được bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu, giúp bà con nông dân nâng cao hiệu quả kinh tế, mạnh dạn phát triển cây hồ tiêu theo hướng bền vững, từng bước hình thành những vùng đất chuyên canh trồng cây hồ tiêu, thay thế dần các loại cây trồng kém hiệu quả trên vùng sinh thái phù hợp.

Thế Lực
  (Đài TT-TH Quảng Trạch)