.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Thứ Hai, 26/06/2017, 08:12 [GMT+7]

(QBĐT) - Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, những năm qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh không ngừng đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế hoạt động của đơn vị. Một trong những giải pháp mang tính đột phá là đưa ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Ngay sau khi Chi cục tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thành công tác kiểm kê rừng và được Bộ Nông nghiệp và PTNT thẩm định, phê duyệt, để bảo đảm công tác cập nhật, theo dõi diễn biến rừng thực hiện theo đúng quy định, Chi cục đã phối hợp với Dự án JICA triển khai thực hiện công nghệ ứng dụng di động trên máy tính bảng trong theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

Theo đó, Chi cục đã tham  mưu UBND tỉnh thành lập Tổ chuyên trách theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp cấp tỉnh với 28 người, trang cấp 28 máy tính bảng có cài đặt ứng dụng và bản đồ nền, tổ chức 3 đợt tập huấn tiểu giáo viên cho cán bộ kỹ thuật viên của Chi cục, các hạt kiểm lâm và các kỹ thuật của đơn vị chủ rừng nhóm II trên địa bàn tỉnh.

Xác định đội ngũ cán bộ kỹ thuật các hạt kiểm lâm và cán bộ kiểm lâm địa bàn đóng vai trò nòng cốt trong công tác cập nhật, theo dõi diễn biến rừng ở địa bàn cơ sở, Chi cục đã tiến hành đầu tư và trang cấp 25 máy vi tính, 30 máy định vị GPS cho các trạm kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn. Đồng thời, Chi cục phối hợp với Viện Sinh thái rừng và Môi trường thuộc Trường đại học Lâm nghiệp tổ chức 1 lớp tập huấn cách thức sử dụng các phần mềm chuyên dùng, như: Mapinfo, QGIS, GPS, thống kê rừng...; tích hợp vào bản đồ cho 75 cán bộ Kiểm lâm địa bàn và cán bộ kỹ thuật của các hạt kiểm lâm.

Trên cơ sở thiết bị và phần mềm được trang cấp, cán bộ kiểm lâm địa bàn đã ứng dụng để khoanh vẽ vùng biến động về khai thác rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng hay ứng dụng để xác định chính xác vị trí khu vực phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên thực địa và bản đồ theo từng lô, khoảnh, tiểu khu, từ đó, tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở đưa ra phương án, kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, đơn vị.

Để nâng cao hiệu quả trong công tác PCCCR, Chi cục đã hướng dẫn, chỉ đạo các hạt kiểm lâm cách thức sử dụng và ứng dụng phần mềm: cảnh báo cháy rừng, phân vùng trọng điểm cháy rừng và phát hiện sớm các điểm phát lửa từ ảnh vệ tinh được đăng tải trên trang website của Cục kiểm lâm.

Từ kết quả theo dõi, truy cập, khai thác thông tin từ phần mềm này lực lượng kiểm lâm các cấp đã phát hiện và thông tin kịp thời cho ban chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững các cấp, các chủ rừng, tổ, đội PCCCR ở cơ sở dập tắt kịp thời hàng chục điểm phát lửa, không để phát sinh thành đám cháy. Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng công nghệ vào phân vùng trọng điểm cháy rừng, lực lượng kiểm lâm đã xác định được các vùng rừng tập trung dễ cháy, khoanh vùng trọng điểm cháy rừng và đưa ra các giải pháp PCCCR có tính khả thi cao, hiệu quả và ít tốn kém nhất.

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch và tuân thủ các quy định nhà nước liên quan đến chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, Chi cục đã hướng dẫn, chỉ đạo các Ban quản lý phòng hộ trong tỉnh và các dự án bảo vệ phát triển rừng cơ sở triển khai áp dụng phần mềm SMART (công cụ theo dõi, giám sát và báo cáo không gian). Phần mềm góp phần giám sát quá trình tuần tra, kiểm tra rừng sử dụng của lực lượng bảo vệ rừng tại cơ sở và các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng làm căn cứ để thanh toán chi phí bảo vệ rừng, đồng thời lưu trữ và theo dõi giám sát tài nguyên rừng

Bằng cách làm nói trên, qua hơn 1 năm, việc  ứng dụng KHCN vào thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Số vụ vi phạm pháp luật về rừng; số vụ cháy rừng năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 giảm so với cùng thời điểm những năm trước 76% về số vụ, 85% về diện tích thiệt hại. Công tác theo dõi giám sát tài nguyên rừng, đa dạng sinh học được nâng lên rõ rệt, đã phát hiện và lưu lại vị trí tọa độ phân bố nhiều loại động vật, thực vật rừng quý hiếm, phục vụ công tác bảo tồn loài nói riêng và bảo tồn đa dạng sinh học nói chung.

Hàng ngày có từ 1.500-2.000 lượt người truy cập vào trang thông tin điện tử cảnh báo và phát hiện sớm điểm cháy từ ảnh vệ tinh do đơn vị hướng dẫn, từ đó kịp thời phát hiện và dập tắt các điểm phát lửa khi mới phát sinh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Trong thời gian tới, Chi cục tiếp tục tập huấn nâng cao việc ứng dụng KHCN vào thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng và PCCCR cho đội ngũ lực lượng kiểm lâm các cấp; lựa chọn các cán bộ có năng lực, phẩm chất để đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ứng dụng KHCN nhằm phát huy hiệu quả tối đa các thiết bị đã đầu tư trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Đơn vị sẽ phối hợp với Dự án Formis II tập huấn cách thức vận hành và cập nhật diễn biến rừng từ cơ sở dữ liệu kiểm kê rừng trên phần mềm QGIS theo quy trình của Bộ Nông nghiệp và PTNT; tiếp tục tập huấn và nhân rộng việc ứng dụng máy tính bảng trong cập nhật theo dõi diễn biến rừng tại các đơn vị cơ sởvà phần mềm SMART trong giám sát, đánh giá tài nguyên rừng tại các ban quản lý rừng, các công ty lâm nghiệp trong tỉnh.

Việc ứng dụng KHCN vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã góp phần quản lý, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng hiện có. Theo số liệu công bố hiện trạng rừng mới nhất của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Quảng Bình hiện có độ che phủ đạt 67,5%, là địa phương có độ che phủ đứng thứ hai toàn quốc.

Nguyễn Tuấn Anh
(Phòng QLBVR và BTTN,Chi cục Kiểm lâm)