.

Một số mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ trong nông nghiệp

Thứ Bảy, 11/02/2017, 17:26 [GMT+7]

(QBĐT) - Xác định tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong việc nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Nhiều mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã mang lại hiệu quả kinh tế, có khả năng phát triển và nhân rộng.

Hàm Ninh là địa phương có diện tích trồng dưa hấu lớn nhất huyện Quảng Ninh với khoảng 35-40ha mỗi năm. Những năm qua, người dân xã Hàm Ninh đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật để đưa cây dưa hấu vào sản xuất trên đất lúa. Kết quả đạt được khá khả quan, thu nhập bình quân cao gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Để giúp người dân đầu tư sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao và thu nhập ổn định cho người sản xuất, cũng như tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng, vụ xuân-hè năm 2016 vừa qua, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh phối hợp với UBND xã Hàm Ninh xây dựng mô hình “Sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh”. Mô hình được triển khai tại thôn Trường Niên, xã Hàm Ninh với quy mô 1ha.

Sau 4 tháng thực hiện mô hình, từ thực tế đánh giá kết quả sản xuất của các hộ tham gia mô hình cho thấy: Cả 2 giống dưa hấu Hoàn Châu và Phù Đổng đều sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao, sản lượng thu hoạch đạt 25,6 tấn/ha.  Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng 2 chính thức công nhận cho vùng sản xuất dưa hấu diện tích 1ha của tổ hợp tác trồng dưa hấu xã Hàm Ninh đủ điều kiện sản xuất dưa hấu an toàn. Có thể nói, mô hình trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP lần đầu tiên được triển khai tại xã Hàm Ninh đã làm thay đổi quan điểm truyền thống của người dân nơi đây. Sau vụ dưa đầu tiên trồng theo mô hình VietGAP, nhiều người dân tại xã Hàm Ninh quyết tâm sẽ thay đổi hình thức canh tác cho vụ dưa sắp tới, nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư, nhân rộng trồng dưa hấu theo hướng VietGAP để đạt hiệu quả kinh tế cao.

Thử nghiệm một số chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu tại huyện Quảng Trạch.
Thử nghiệm một số chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu tại huyện Quảng Trạch.

Mô hình sản xuất dưa hấu an toàn theo hướng VietGAP tại xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh không chỉ mang tính thực tiễn cao, đáp ứng được yêu cầu sản phẩm an toàn hiện nay của xã hội mà còn có tác động về mặt kỹ thuật, kinh tế và môi trường. Từ đó, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế, mở ra một hướng đi mới trong nông nghiệp.

Huyện Quảng Trạch là địa phương có diện tích trồng tiêu khá lớn, trên 120ha, năng suất bình quân 9 tạ/ha, được trồng chủ yếu ở các xã vùng gò đồi như Quảng Thạch, Quảng Liên, Cảnh Hóa và Quảng Lưu. Hình thức sản xuất chủ yếu là trồng xen vườn nhà, lại sử dụng các loại giống địa phương đã bị thoái hóa, việc phòng trừ sâu bệnh của nông dân còn rất nhiều hạn chế dẫn đến năng suất thấp, nhiều vườn tiêu đã bị chết hàng loạt do bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu.

Trước thực trạng trên, để tận dụng và phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Thử nghiệm một số chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu trong thời kỳ kinh doanh”. Mô hình này sẽ là điều kiện để giúp người dân của các xã thuộc huyện Quảng Trạch áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác và cách phòng trừ sâu bệnh cho cây tiêu có hiệu quả. Kết quả xử lý các loại thuốc bước đầu đã có tác dụng tích cực khi tỷ lệ lá bị rụng ít hơn, màu lá tươi xanh, đặc biệt đã hạn chế sự lây lan của bệnh chết nhanh. Theo điều tra kết quả năng suất ban đầu cho thấy, cây tiêu sử dụng chế phẩm Pseudomonas và chế phẩm Trichoderma hạt tiêu chắc hơn, năng suất cao hơn.

Việc ứng dụng thành công chế phẩm sinh học phòng trừ bệnh chết nhanh sẽ đem đến cho người dân một sản phẩm mới, thân thiện trong phòng trừ hiệu quả bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu, góp phần chuyển đổi giống cây trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Mặt khác, sẽ tạo điều kiện để mở rộng diện tích trồng hồ tiêu trên vùng đất gò đồi huyện Quảng Trạch.

Cùng với nhiều mô hình sản xuất khác, mô hình “Nuôi lươn đồng không bùn” được triển khai thực hiện tại Công ty TNHH kinh doanh tổng hợp Hưng Gia cũng là một trong những đề tài được đánh giá cao trong năm qua. Mục tiêu của mô hình nhằm đánh giá khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và tính thích nghi của lươn trong môi trường không bùn, trên cơ sở đó so sánh hiệu quả kinh tế với mô hình nuôi lươn truyền thống (có bùn) từ đó đưa ra mô hình nuôi trồng hiệu quả, hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi và chăm sóc lươn trong môi trường không bùn. Với số lượng 120kg giống (khoảng 6.000 con), trọng lượng 50 con/kg, được nuôi trong 6 bể nuôi có diện tích 24m2, sau một thời gian, lươn sinh trưởng và phát triển khá tốt với tỷ lệ sống đạt 95%.

Nuôi lươn đồng không bùn là một hướng đi mới, lợi nhuận cao, an toàn nhằm góp phần thúc đẩy lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nội địa phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế. Sự thành công của mô hình tạo ra hướng nuôi mới giúp cho người dân đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm có giá trị dinh dưỡng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Có thể nói, việc triển khai thực hiện các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại thành công cả về tính khoa học và hiệu quả kinh tế. Việc xây dựng các mô hình đã tạo ra ngành nghề mới, tăng thêm đối tượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao đời sống cho bà con nông dân. Đặc biệt, các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến đã giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức, xem tiến bộ khoa học và công nghệ là nguồn lực thiết thực giúp xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay.

Hồng Duyên - Trung Nghĩa