Chuyển đổi số trong công tác quản lý, dạy và học
(QBĐT) - Thời gian qua, với sự phát triển của công nghệ số, các trường học trên địa bàn. huyện Minh Hóa đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), số hóa trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học. Qua đó, phát huy những ưu việt của công nghệ số để đổi mới, nâng cao hiệu quả chất lượng giáo dục-đào tạo (GD-ĐT).
Năm học mới 2024-2025, Trường tiểu học thị trấn Quy Đạt có hơn 700 học sinh (HS). Khác với trước đây, trong các tiết học, giáo viên (GV) chủ yếu sử dụng những dụng cụ học tập truyền thống, thì nay đã kết hợp truyền thụ bằng bộ giáo án điện tử và trình chiếu trên màn hình tivi với những video, hình ảnh, âm thanh sinh động. Vì thế, các tiết học đã mang đến cho GV, HS nhiều hứng thú và trải nghiệm mới mẻ trong học tập.
Cô giáo Đinh Thị Phương Thảo, Trường tiểu học thị trấn Quy Đạt chia sẻ: “Tôi thấy việc ứng dụng CNTT trong dạy và học mang lại hiệu quả rất cao. Thứ nhất là tạo được môi trường học tập hiện đại, linh hoạt và tăng cường sự tương tác giữa GV và HS. Thứ 2 là GV có thể chuẩn bị được tài liệu tham khảo, kế hoạch bài dạy một cách nhanh chóng và tiện lợi. Đặc biệt, GV có thể tận dụng kho tài liệu, video, hình ảnh vô tận, từ đó thu hút HS và nâng cao chất lượng giảng dạy”.
Theo Phó hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Quy Đạt Mai Thị Thu Phương, thực hiệncác công văn chỉ đạo của Sở GD-ĐT cũng như của Phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa về đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS), ứng dụng CNTT trong dạy và học, nhà trường đã và đang đầu tư về cơ sở vật chất cũng như hạ tầng CNTT, bồi dưỡng đội ngũ CNTT, sẵn sàng triển khai CĐS trong dạy và học.
Không chỉ vậy, nhà trường còn thành lập ban quản lý và tư vấn, hướng dẫn đội ngũ cán bộ, GV, nhân viên trong việc thực hiện CĐS; ứng dụng việc quản lý hồ sơ chuyên môn trên môi trường số, hồ sơ HS, hồ sơ học bạ... GV cũng khai thác và sử dụng kho học liệu số trong dạy học và đưa các phần mềm khác nhau trong soạn bài giảng. Chính điều này đã đem lại hiệu quả cao trong hoạt động dạy và học.
Không riêng khối trường tiểu học, hiện nay, tại các trường THCS, công tác CĐS được các nhà trường thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2023 đến nay, các nhà trường đã thực hiện xã hội hóa kinh phí để lắp đặt thêm 21 tivi thông minh tại các lớp học; mua mới và thay thế 86 máy vi tính tại các phòng tin học; đồng thời cài đặt bổ sung thêm các phần mềm quản lý phục vụ chuyên môn.
Nhờ đó, hiện việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, GV đã được đơn giản hóa bằng CNTT, nhất là khi áp dụng Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT, ngày 15/9/2020 của Bộ GD-ĐT về hệ thống hồ sơ quản lý giáo dục, tất cả các dữ liệu của ngành đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm giúp cho cán bộ quản lý tiện lợi, không rườm rà về mặt sổ sách.
Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Quy Đạt Cao Thanh Lâm cho biết: Sở GD-ĐT đã trang cấp rất nhiều phần mềm để ứng dụng, trong đó có phần mềm quản lý nhân sự, các phần mềm hỗ trợ, như: Thư viện thiết bị, quản lý ngân hàng đề thi, thiết kế giáo án E-learning... và các phần mềm quản lý về số hóa điểm, thời khóa biểu… Trên cơ sở đó, nhà trường đã tổ chức tập huấn, quán triệt và ứng dụng vào thực tế công việc.
Đặc biệt, để nâng cao chất lượng giảng dạy và thu hút HS, nhà trường đã kêu gọi vận động các bậc phụ huynh, các tổ chức trong và ngoài nhà trường hỗ trợ mua sắm tivi thông minh. Riêng năm học 2024-2025, nhà trường triển khai xã hội hóa mua thêm 4 tivi để tất cả 14 lớp học được bao phủ 100% tivi thông minh. Khi hệ thống thiết bị và đồ dùng dạy học được trang bị đầy đủ, GV chủ động khai thác, ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hiệu quả, giúp hạn chế tình trạng truyền thụ kiến thức một chiều và quan trọng hơn là khuyến khích được tư duy sáng tạo của cả GV và HS.
Năm học 2024-2025, huyện Minh Hóa có 47 trường học với hơn 13.000 HS. Để thực hiện lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, xác định việc ứng dụng CNTT là nhiệm vụ trọng tâm, những năm qua, từ nguồn ngân sách và huy động xã hội hóa, huyện Minh Hóa đã đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị CNTT cho các trường học; hỗ trợ GV khai thác học liệu điện tử trên internet; tổ chức tập huấn và cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử-xây dựng thiết bị dạy học số, đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục trong toàn huyện đã dùng nền tảng số để CĐS; 100% đơn vị trường học có phòng họp, phòng học trực tuyến nhằm phục vụ cho công tác quản lý, dạy và học; 100% trường học ứng dụng CNTT để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của HS trước khi đến lớp; trên 95% trường học có hệ thống mạng wifi giúp cán bộ, viên chức, HS sử dụng thuận tiện; 100% thủ tục hành chính ngành GD-ĐT đủ điều kiện triển khai dịch vụ công trực tuyến, tích hợp vào Cổng dịch vụ công quốc gia.
Trưởng phòng GD-ĐT huyện Minh Hóa Nguyễn Hữu Thọ cho hay: Xác định CĐS là một trong những nhiệm vụ quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng trong công tác quản lý cũng như đổi mới hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá trong toàn ngành, Phòng GD-ĐT huyện đã giao một đồng chí lãnh đạo phụ trách về ứng dụng CNTT, chỉ đạo các trường sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý, sử dụng dữ liệu quốc gia, phần mềm phổ cập, xóa mù chữ, quản lý trường học; đồng thời phối hợp với các ngành, đơn vị trong việc triển khai theo kế hoạch của UBND tỉnh, huyện về CĐS. Từ đó, đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thông tin, các phòng học trực tuyến, phòng tin học, hệ thống mạng, băng thông mở rộng, wifi đến các điểm trường chính..., góp phần thúc đẩy việc đổi mới, sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý giáo dục.
“Ngành GD-ĐT huyện Minh Hóa sẽ tiếp tục đổi mới tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, GV và HS về vai trò, lợi ích của việc ứng dụng CNTT và CĐS; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực CĐS cho cán bộ quản lý, GV nhằm bảo đảm quản lý, giảng dạy hiệu quả trên môi trường số; rà soát và có kế hoạch mua sắm, duy trì, nâng cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT, CĐS; thúc đẩy công tác xã hội hóa giáo dục, linh hoạt vận động thêm các nguồn hỗ trợ để trang bị cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại, phục vụ cho ứng dụng CNTT trong dạy và học; xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung làm nền tảng xây dựng các phần mềm, công cụ để nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục...”, ông Nguyễn Hữu Thọ nhấn mạnh. |