Thúc đẩy sáng tạo từ luồng gió đổi mới giáo dục

  • 07:42 | Thứ Sáu, 17/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xây dựng môi trường giáo dục xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện, đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy, học tập là một trong những hoạt động được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) triển khai nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT.
 
Đổi mới từ cơ sở
 
Một giờ học ở Trường tiểu học (TH) số 2 Hoàn Lão (Bố Trạch) và nhiều trường học khác trên địa bàn tỉnh bắt đầu bằng trò chơi hoặc hoạt động múa, hát tập thể tại chỗ. Học sinh (HS) hào hứng tham gia các hoạt động, tạo tinh thần thoải mái trước khi bước vào bài học mới.  
 
Cô giáo Nguyễn Thị Nhàn, Hiệu trưởng Trường TH số 2 Hoàn Lão cho hay: Đổi mới, sáng tạo trong dạy học là nhiệm vụ được trường hết sức chú trọng, xem đó là “chìa khóa” để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Nhằm phát huy năng lực, phẩm chất cho HS, nhà trường đã triển khai thực hiện hiệu quả phương pháp STEM, dạy học theo sơ đồ tư duy... 
Đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh hào hứng hơn trong học tập.
Đổi mới phương pháp dạy học giúp học sinh hào hứng hơn trong học tập.
Trường còn tăng cường việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, đưa nội dung GD địa phương vào các môn học nhằm bồi đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi HS; tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền, giới thiệu cho HS về những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, từ đó, vận động HS nêu cao ý thức gìn giữ, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa của địa phương. 
 
Em Đặng Phương Nhi, HS lớp 5 của trường cho hay: Em thích nhất là được tham gia các hoạt động trải nghiệm và tìm hiểu, khám phá quê hương, đất nước từ các tiết học GD địa phương. Qua từng bài học, em cảm thấy yêu và tự hào về quê hương của mình, nơi có động Phong Nha, động Thiên Đường và nhiều di tích lịch sử nổi tiếng… 
 
Ở bậc GD TH, ngoài tổ chức tốt việc dạy học môn Tiếng Anh, Tin học, các trường học còn khai thác hiệu quả kho video bài dạy minh họa, triển khai thư viện số, kho học liệu điện tử, học bạ điện tử, điểm danh điện tử bằng công nghệ camera AI, ứng dụng phim hoạt hình vào dạy học. Bậc GD trung học đã chú trọng áp dụng kỹ thuật dạy học tích cực, triển khai chuyên đề tiết học sáng tạo nhằm lan tỏa cách dạy mới, dạy hay trong đội ngũ, chú trọng GD rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Nhiều trường còn còn tổ chức sân chơi “Đường đến vinh quang” cho HS, sân khấu hóa bài học chính khóa.
 
Không giống như phương pháp dạy học truyền thống, thầy “cho” trò “nhận”, với phương pháp dạy học mới, HS được phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập. Thay bằng HS được học cái gì thì phương pháp dạy học mới chú trọng đến vấn đề HS sẽ vận dụng được gì qua việc học. Muốn làm được điều đó, giáo viên (GV) phải là người gợi mở, định hướng, tạo điều kiện cho HS làm việc theo nhóm và vận dụng kiến thức đã có vào các tình huống thực tiễn. GV cũng là người hướng dẫn cho HS khai thác sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu học tập, từ đó hình thành trong mỗi HS năng lực tự học, tự nghiên cứu.
Với phương pháp dạy học mới, HS được làm việc nhóm và tự tay làm nên những sản phẩm ấn tượng.
Với phương pháp dạy học mới, HS được làm việc nhóm và tự tay làm nên những sản phẩm ấn tượng.
Dạy học theo chương trình mới, đòi hỏi GV phải không ngừng học tập nghiên cứu tài liệu, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm có những sáng kiến trong giảng dạy. Và nói như thầy giáo Nguyễn Chiến Thắng, người có nhiều thành tích trong công tác bồi dưỡng HS giỏi toán của Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp thì "Muốn truyền lửa đam mê học tập cho HS thì bản thân người thầy phải có “lửa” để khơi dậy sự hứng thú, niềm say mê học hỏi, sáng tạo của mỗi HS".
 
Khơi dậy nhiệt huyết sáng tạo
 
“Luồng gió” đổi mới, sáng tạo đã khơi dậy tinh thần thi đua “Dạy tốt-Học tốt”, xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu trong công tác quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học. 
 
Trong những năm gần đây, Sở GD-ĐT đã chủ trì thực hiện và triển khai nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh. Một số đề tài đã được đưa vào áp dụng rộng rãi, đạt hiệu quả cao, như: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống hỗ trợ quản lý kết quả quá trình học tập, rèn luyện của HS tại tỉnh Quảng Bình”, “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp hỗ trợ đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực HS trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”…
 
Nổi bật trong trong phong trào nghiên cứu khoa học là các ông: Đặng Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT; Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Kế hoạch-Tài chính và Nguyễn Giang Nam, Trưởng phòng Quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT)… Hàng năm, Hội đồng khoa học ngành công nhận trên 300 đề tài, sáng kiến của các cán bộ, GV. Nhiều đề tài mang lại hiệu quả ứng dụng cao trong thực tiễn công tác.
 
Sở GD-ĐT còn tổ chức tốt cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh nhằm khuyến khích HS cấp trung học tham gia. Kết quả cuộc thi giúp ngành và các nhà trường phát hiện những gương mặt triển vọng để kịp thời bồi dưỡng, phát triển... 
Các hoạt động trải nghiệm, thể dục giữa giờ luôn thu hút sự hưởng ứng tích cực của học sinh.
Các hoạt động trải nghiệm, thể dục giữa giờ luôn thu hút sự hưởng ứng tích cực của học sinh.
Một trong những bông hoa đẹp trong phong trào thi đua yêu nước của ngành GD-ĐT là cô giáo Dương Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường TH Hàm Ninh (Quảng Ninh), người được bình chọn là "Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc" năm 2023 và được diện kiến Thủ tướng Chính phủ.
 
Với cương vị là hiệu trưởng, cô giáo Dương Thị Hồng Hải luôn trăn trở tìm biện pháp để xây dựng tập thể nhà trường ngày càng phát triển. Cô Hải tâm sự: Nhận thức được tầm quan trọng của việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, trong đó có phong trào đổi mới, sáng tạo, bản thân cô cùng ban giám hiệu đã tích cực triển khai thực hiện bằng nhiều hoạt động, giải pháp cụ thể, thiết thực gắn với nhiệm vụ chuyên môn của từng tập thế, cá nhân phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường.
 
Nhờ vậy đã phát huy được tính lao động, sáng tạo của mỗi cán bộ, GV, từ đó triển khai tốt mục tiêu, nhiệm vụ từng năm học, chất lượng GD ngày càng được nâng cao. Trường là đơn vị có nhiều HS tham gia đạt giải cao tại các cuộc thi, như: Trạng nguyên Tiếng Việt, Tiếng Anh qua internet, nói Tiếng Anh với sơ đồ tư duy… do các cấp tổ chức. Trường được công nhận là đơn vị đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
 
Ngành còn có nhiều điển hình khác có thành tích xuất sắc trong thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động như các cô giáo, thầy giáo: Lê Thị Lan, GV Tiếng Anh, Trường THCS Xuân Thủy (Lệ Thủy); Đinh Thị Tăng, Trường mầm non Dân Hóa (Minh Hóa); Lê Thị Trà My, Trường TH Đồng Phú (TP. Đồng Hới); Nguyễn Thanh Phong, Trường THCS Quảng Thạch (Quảng Trạch)...
 
Sự nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người của các nhà giáo đã tạo nên những mùa quả ngọt về chất lượng GD toàn diện, GD mũi nhọn của ngành. Quảng Bình là một trong 5 tỉnh đầu tiên của cả nước đạt chuẩn phổ cập GD TH, THCS mức độ 3, đạt xóa mù chữ mức độ 2. Kết quả tốt nghiệp THPT năm 2023 tăng lên đáng kể so với các năm trước, xếp thứ 35 của cả nước về điểm trung bình các môn (năm 2021 xếp thứ 49, năm 2022 xếp thứ 38).
 
Để tạo sức lan tỏa trong thực hiện phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập” ngành GD-ĐT tiếp tục gắn phong trào với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” cùng các cuộc vận động của ngành... Qua đó, xây dựng đội ngũ đoàn kết, vững về chuyên môn, nghiệp vụ và tích cực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin… Ngành tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. 
 
Nh.V

tin liên quan

Thi tốt nghiệp THPT từ 2025: Giảm số môn thi, giảm áp lực cho thí sinh

Lựa chọn thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông với 4 môn đang được nhiều ý kiến ủng hộ vì giảm áp lực cho thí sinh, gọn nhẹ trong tổ chức. Nhiều giáo viên, học sinh đề nghị nhà quản lý chốt phương án.

Trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho nhà trường: Đảm bảo minh bạch, khách quan

Với chủ trương "một chương trình, nhiều sách giáo khoa", Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chuẩn bị bước sang năm thứ 5 triển khai, với việc phê duyệt, đưa vào sử dụng sách giáo khoa của 3 lớp cuối cấp (lớp 5, lớp 9, lớp 12). 

Khi trường học là mái nhà hạnh phúc

(QBĐT) - Triển khai thực hiện mô hình trường học hạnh phúc là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục và Đào tạo.